Thời điểm lý tưởng cho trẻ làm quen với ngoại ngữ

Vân Huyền,
Chia sẻ

Giai đoạn mầm non, trẻ vẫn chưa bị chi phối nhiều bởi thói quen sử dụng tiếng mẹ đẻ, đây là thời điểm lý tưởng để trẻ làm quen với ngoại ngữ.

Thời điểm lý tưởng cho trẻ làm quen với ngoại ngữ - Ảnh 1.

Để dạy trẻ học ngoại ngữ tại nhà, phụ huynh có thể áp dụng đồng thời, kết hợp một hoặc nhiều phương pháp tùy theo sở thích của bé. Ảnh minh họa.

Việc học ngoại ngữ giúp trẻ có khả năng đọc hiểu, viết và tư duy phân tích tốt hơn. Từ đó, dẫn đến kết quả học tập cao hơn. Bên cạnh đó, tư duy phân tích và khả năng sáng tạo của trẻ cũng được cải thiện.

“Thời điểm vàng”

Theo các nhà ngôn ngữ học hàng đầu trên thế giới, phụ huynh nên cho trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng, việc học ngôn ngữ thứ hai từ 3 - 5 tuổi sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng sáng tạo, kích thích tư duy phản biện và phát triển sự linh hoạt của trí óc.

Nếu nhiều người lớn thường gặp khó khăn khi phải ghi nhớ từ vựng hay bắt chước cách phát âm, ngữ điệu của người bản xứ, thì trái lại, trẻ em sở hữu khả năng linh hoạt khi học ngoại ngữ. Các chuyên gia cho rằng, lý do là trẻ vẫn chưa bị thói quen ngôn ngữ mẹ đẻ chi phối. Những năm học mẫu giáo được coi là “giai đoạn vàng” để trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và học hỏi bẩm sinh.

Ở độ tuổi này, trẻ luôn tò mò về thế giới xung quanh, không ngừng đặt ra các câu hỏi “Vì sao” và đặc biệt là rất nhạy cảm với âm thanh, ngôn ngữ. Từ 3 - 5 tuổi là giai đoạn lắng nghe và tiếp thu của trẻ. Trong khi đó, từ 5 - 7 tuổi là giai đoạn trẻ chọn lọc và ghi nhớ từ vựng một cách tự nhiên. Do vậy, trẻ có thể tận dụng khả năng tiếp thu của “miếng bọt biển” để học ngoại ngữ một cách tự nhiên và dễ dàng bắt chước cách phát âm chuẩn.

Một nghiên cứu thực hiện tại Trường Đại học Dartmouth (Mỹ) đã chứng minh rằng, não bộ của con người sẽ thay đổi sau những năm thiếu niên, khiến việc học ngoại ngữ của người trưởng thành trở nên vô cùng khó khăn. Người trưởng thành sẽ không thể học ngoại ngữ một cách tự nhiên và dễ dàng như ở độ tuổi 2 - 5. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bé học tiếng Anh sau khi đã thông thạo tiếng mẹ đẻ sẽ khó đạt được mức độ xuất sắc so với những trẻ học song song cả hai ngôn ngữ cùng một lúc.

Trong khi đó, một nghiên cứu từ Trường Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy, trẻ em tiếp xúc với ngôn ngữ thứ 2 từ sớm có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và thấu hiểu các quan điểm khác nhau. Cụ thể, các nhà nghiên cứu tin rằng, tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ là điều cần thiết để phát triển hệ thống ngôn ngữ chính thức, nhưng chưa đủ để giao tiếp hiệu quả. Tiếp xúc đa ngôn ngữ giúp bé phát triển tư duy song ngữ. Từ đó, thúc đẩy giao tiếp hiệu quả bằng cách nâng cao khả năng thu nhận quan điểm.

Thời điểm lý tưởng cho trẻ làm quen với ngoại ngữ - Ảnh 2.

Việc học ngôn ngữ thứ hai nói chung và tiếng Anh nói riêng mang lại cho trẻ nhiều lợi ích. Ảnh minh họa.

Thúc đẩy sự phát triển của não bộ

Hiện nay, ngoại ngữ được xem là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với trẻ. Thậm chí, ngoại ngữ là một trong những tiêu chí quan trọng để giúp học sinh bước chân vào ngôi trường mình mong muốn. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã đầu tư cho con học từ rất sớm. Tuy nhiên, không ít phụ huynh chỉ chú trọng tới việc đầu tư cho con học ngoại ngữ để thi đỗ vào trường mong muốn trong tương lai. Thực tế, những lợi ích của việc học ngoại ngữ còn chưa được nhiều cha mẹ chú ý tới.

Chị Vũ Thị Đoan - phụ huynh có con học lớp 2 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Ngay từ khi bé còn học mầm non, tôi thường cho con xem các chương trình thiếu nhi bằng tiếng Anh. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ rằng, cần cho con làm quen với ngoại ngữ từ sớm để thuận lợi trong việc đạt kết quả cao ở trường. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, tôi nhận thấy rằng, học ngoại ngữ còn mang lại nhiều lợi ích, giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống”.

Trong khi đó, chị Trần Hải Yến (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do được làm quen với tiếng Anh và tiếng Nhật từ sớm, con chị phát triển kỹ năng tư duy rất tốt. Bên cạnh đó, mới học lớp 5 nhưng bé nhà chị Yến cũng rất tự tin, sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt, lưu loát.

Theo cô Trần Thị Nguyệt Quế - giảng viên tiếng Anh tại Trường Kinh tế - Đại học Pheenika, việc học ngôn ngữ thứ hai nói chung và tiếng Anh nói riêng mang lại cho trẻ nhiều lợi ích, đặc biệt là phát triển kỹ năng. Trong đó, học ngoại ngữ thúc đẩy sự phát triển của não bộ, giúp tăng cường tính dẻo dai của não và cải thiện chức năng nhận thức, bao gồm trí nhớ, sự tập trung và khả năng đa nhiệm. Đồng thời, giúp trẻ cải thiện hiệu suất học tập.

Ngoại ngữ giúp trẻ có khả năng đọc hiểu, viết và tư duy phân tích tốt hơn. Từ đó, dẫn đến kết quả học tập tốt hơn. Ngoài ra, trẻ học ngoại ngữ thường tăng cường khả năng sáng tạo. Bởi, quá trình học và sử dụng ngôn ngữ thứ hai có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo và linh hoạt trong tư duy.

“Việc học ngôn ngữ thứ hai còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng như giải quyết vấn đề, thuyết trình, giao tiếp, thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa, xây dựng sự tự tin và có cơ hội kết nối toàn cầu. Trẻ em thường học ngoại ngữ dễ hơn người lớn do “tính dẻo” của não. Trẻ có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ theo hướng tự nhiên (lắng nghe, bắt chước). Bên cạnh đó, một lý do nữa là não trẻ còn chưa bị chi phối nhiều bởi các yếu tố khác. Não của trẻ dễ thích nghi hơn và có khả năng hình thành nhanh chóng các kết nối thần kinh cho ngôn ngữ”, giảng viên Trần Thị Nguyệt Quế chia sẻ.

Thời điểm lý tưởng cho trẻ làm quen với ngoại ngữ - Ảnh 3.

Cha mẹ có thể cho trẻ học từ vựng thông qua hình ảnh. Ảnh minh họa.

Cô Đặng Thục Hà My - giáo viên tại Trung tâm tiếng Anh Bình Minh (Hà Nội) chia sẻ, để dạy trẻ học ngoại ngữ tại nhà, phụ huynh có thể áp dụng đồng thời, kết hợp một hoặc nhiều phương pháp tùy theo sở thích của bé.

“Các phụ huynh có thể giúp trẻ ghi nhớ từ vựng dễ dàng hơn thông qua hình ảnh/thẻ thông tin. Thông thường, trẻ em rất thích thú với các hình ảnh và đồ họa. Việc sử dụng các hình ảnh, tranh minh họa hoặc đồ chơi liên quan đến từ vựng sẽ giúp trẻ dễ dàng hình dung và ghi nhớ từ mới. Bên cạnh đó, phương pháp dạy ngoại ngữ cho trẻ qua các hình ảnh/thẻ thông tin cũng giúp bé phát triển khả năng tư duy hình ảnh và sáng tạo”, cô Hà My chia sẻ. Ví dụ, khi giới thiệu từ vựng về các loài hoa, cha mẹ có thể sử dụng những bức tranh minh họa sau đó, yêu cầu trẻ nhận diện và nói tên. Hoặc khi giới thiệu các đồ dùng học tập, cha mẹ có thể sử dụng hình ảnh hoặc đồ chơi liên quan. Nhờ đó, để trẻ có thể kết hợp học tập với chơi trò chơi.

Bên cạnh đó, hát cũng là một cách thú vị và hiệu quả để giúp trẻ em học ngoại ngữ. Những bài hát vui nhộn và dễ nhớ sẽ giúp trẻ hứng thú và ghi nhớ được nhiều từ vựng cũng như cấu trúc ngữ pháp. Ngoài ra, việc hát những bài hát ngoại ngữ cũng giúp trẻ phát triển khả năng nghe. Đồng thời, giúp trẻ phát âm chuẩn, tự nhiên và dễ dàng hơn.

“Trẻ em cũng thường thích thú với các trò chơi và hoạt động vui nhộn. Việc sử dụng các trò chơi sẽ giúp trẻ học ngoại ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả hơn. Phụ huynh có thể tìm kiếm các trò chơi cho trẻ trên Internet hoặc tự sáng tạo những trò đơn giản dành cho trẻ”, cô Hà My gợi ý. Cũng theo giáo viên Hà My, trẻ có thể học ngoại ngữ thông qua phim hoạt hình. Phương pháp này có thể khơi gợi niềm say mê thích thú học ngoại ngữ ở trẻ. Trẻ có thể nghe, mô phỏng phát âm và ngữ điệu của các nhân vật trong phim, mở rộng vốn từ vựng, cụm từ mới thú vị.

Cha mẹ nên lưu ý chọn phim hoạt hình có ngôn ngữ dễ hiểu và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đồng thời, chọn những tác phẩm có phụ đề để hỗ trợ trẻ hiểu nghĩa và quen với cách diễn đạt ngôn ngữ. “Phụ huynh nên xem phim cùng trẻ để tạo ra một trải nghiệm chia sẻ và kích thích sự quan tâm. Sau đó, hãy dừng lại ở những đoạn quan trọng để giải thích từ vựng, ngữ pháp, nói về cốt truyện. Cha mẹ cũng nên chú ý đến cách diễn đạt, giọng điệu, ngữ điệu để giúp trẻ dễ hình dung và học theo. Sau khi xem xong phim, cha mẹ và bé có thể đóng vai nhân vật, giao tiếp lại các đoạn hội thoại để giúp con ghi nhớ từ vựng”, cô Hà My cho biết.

Tạp chí Nature từng đăng một nghiên cứu cho thấy, những trẻ biết ngoại ngữ sớm có mật độ chất xám trong não cao hơn so với những trẻ không được học ngoại ngữ. Một nghiên cứu ở Thụy Sĩ cũng cho thấy, việc học ngôn ngữ mới sẽ thay đổi cấu trúc não, tác động đến các bộ phận của não chịu trách nhiệm về trí nhớ, suy nghĩ có ý thức và khiến trẻ sáng tạo hơn. Về lâu dài, song ngữ có thể giữ cho não bộ khỏe mạnh và linh hoạt, hỗ trợ các kỹ năng tập trung và ghi nhớ.

Chia sẻ