"Thiên tài" cũng... lười học

,
Chia sẻ

Con trai chị Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) năm nay lên lớp 4. Suốt 3 năm học vừa qua, vợ chồng chị rất tốn công kèm cặp nhưng kết quả học tập của bé Tuấn vẫn chỉ trung bình yếu.

 
Đến lớp không những lười học, Tuấn thường trêu chọc, đánh bạn cùng lớp khiến chị Oanh phải “rát mặt” vì liên tục bị cô giáo chủ nhiệm mời đến trao đổi.

Theo sát việc học của con, chị hiểu rõ: Tuấn là đứa trẻ sáng dạ song dễ bị mất tập trung. Tuấn thích học toán, chỉ cần dạy qua một lượt là cậu nhớ ngay nhưng chưa năm nào đạt học sinh giỏi vì chữ viết xấu, học yếu môn văn.

Càng lên lớp trên, chương trình học càng nặng, đòi hỏi trẻ phải rất chăm chỉ vậy mà con gái chị Kim Hoa (Lương Sơn, Hòa Bình) cứ lơ đãng, chỉ thích vẽ vời, thiết kế váy áo cho búp bê. Đã thế mấy người bạn họa sĩ, mỗi lần đến chơi lại xúm vào khen “cái Linh có năng khiếu mỹ thuật” khiến cô bé như được tiếp thêm “lửa”.

Linh bắt đầu hình thành thói quen xấu: Mê vẽ hơn học. Vì thế mà lực học sút đi trông thấy. Chị Hoa lo, nếu tình trạng này kéo dài, con chị khó mà học cao như kỳ vọng của gia đình...

Liên quan đến những đứa trẻ thông minh nhưng lười học, nhà giáo, nhà tâm lý học người Nga Daria Kalaida nhận định: Bọn trẻ, buổi đầu khi được gửi đến trường thường chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích của việc học. Do đó chúng cảm thấy học rất khó, làm các bài tập về nhà, bài kiểm tra một cách chiếu lệ.

Thường thì các em chỉ muốn vui chơi, xem tivi, nghịch ngợm cùng bạn bè. Tuy nhiên hiện nay, đa số các phụ huynh đều uốn con mình theo hướng học hành từ rất sớm, cái đích cao nhất của sự học phải là vào được đại học.

Quan niệm này đã “lỗi thời” bởi trong xã hội ngày nay có rất nhiều người mặc dù học vấn không cao nhưng vẫn thành đạt. Thực tế cho thấy, các thiên tài như: Einstein, Edison, Napolenon, Darwin, Disney, Dusma... những người đã ghi dấu trong lịch sử, văn học, nghệ thuật, khoa học cũng có một thời... lười học. Tất cả họ đều có thời niên thiếu đầy biến cố, lạ lùng và hấp dẫn.

Ở trường học, họ bị đánh giá là tồi tệ, không có khả năng, cầm chắc thất bại hay những học sinh lười biếng... Song mỗi người đều có những biệt tài, biết lựa chọn, sử dụng trí thông minh kiệt xuất của mình và khổ luyện cho niềm đam mê, nghiên cứu.

Nêu ra câu chuyện về các thiên tài không phải để khuyến khích sự nghịch ngợm hay lười biếng ở học sinh mà giống như một thông điệp rằng: Thay vì quá lo lắng, tạo áp lực học tập, cha mẹ cần hướng cho con cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề; hãy phát triển tính tự giác, mặt mạnh và tôn trọng ý kiến của trẻ. Chỉ có như thế các em mới thực sự được phát triển một cách toàn diện nhất.
 
Theo TGPN
Chia sẻ