Thêm 16 lời đồn trong dân gian khi mang thai được bác sĩ sản khoa lật ngược vấn đề, giải thích cặn kẽ (Phần 2)
Hàng loạt những lời đồn như ngôi ngược phải đẻ thường; uống nước dứa, nước tía tô giúp dễ đẻ… được bác sĩ phản bác một cách gọn ghẽ, khoa học.
Với vai trò là bác sĩ sản khoa, bác sĩ Trần Ngọc Đính (Trưởng khoa dịch vụ D5) và bác sĩ Trần Trung Đạo (Khoa sản bệnh lý A4), bệnh viện Phụ sản Hà Nội liên tục nhận được rất nhiều câu hỏi thắc mắc từ những mẹ bầu. Đó là lý do mà hai bác sĩ đã cùng nhau chia sẻ để giúp các mẹ giải tỏa được những vướng mắc, lo lắng của mình. Trong phạm vi bài viết này, bác sĩ Đính và bác sĩ Đạo sẽ trả lời thêm 8 vấn đề rất thiết thực nữa của các mẹ.
Bác sĩ Đính và bác sĩ Đạo luôn rất tâm huyết dành thời gian giải đáp các thắc mắc của mẹ bầu.
Quan hệ tình dục và mang thai
Nhiều quan niệm vẫn cho rằng, có thai là phải kiêng quan hệ tình dục. Trong khi đó, sự thật dưới góc nhìn y khoa của hai vị bác sĩ "có tâm" là: "Đây có lẽ là lời đồn phổ biến nhất và cũng khiến các anh chồng khổ sở nhất. Đa số cho rằng việc quan hệ sẽ không tốt cho bé. Sẽ phải "kiêng" khi: đang có triệu chứng của dọa sảy, dọa sinh non, rau tiền đạo, nhiễm khuẩn âm đạo... Việc quan hệ nếu không có "chống chỉ định" như trên thì không những không hại mà còn giúp chồng vui vẻ, sản phụ thoải mái, tinh thần thăng hoa. Nhưng chú ý khi "hành sự" phải thận trọng, nhẹ nhàng, tránh tư thế khó và việc dùng bao cao su là cần thiết".
Nằm nghiêng trái
Có những lời khuyên đến mẹ bầu rằng nằm trái sẽ tốt cho thai. Tuy nhiên sự thật mà bác sĩ Đính và bác sĩ Đạo đưa ra là: "Mang thai tử cung lệch về bên phải nhiều hơn, việc nằm nghiêng trái giúp tử cung bớt xoắn vặn, bớt chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới nên máu về tim tốt hơn, từ đó giúp thai được cung cấp máu tốt hơn. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế "nằm nghiêng trái" áp dụng trong khi chuyển dạ khi thai có vấn đề về oxy. Với thai chưa chuyển dạ, bác sĩ khuyến cáo nằm bên nào mà mẹ thấy thoải mái, dễ chịu nhất vì mẹ khỏe thì con mới khỏe được".
Hai bác sĩ thường song hành cùng nhau trong các ca đỡ đẻ.
Ối trong, ối đục, ối phân su, ối đồng nhất, ối không đồng nhất
Nhiều người vẫn tưởng tượng rằng siêu âm có thể biết được ối phân su hay ối đồng nhất, ối đục, ối trong… Ngược lại, bác sĩ nhận định: "Siêu âm không biết được, nhiều người nói như vậy về ối khiến rất nhiều mẹ nhắn tin hỏi và bác sĩ đều đã giải thích cặn kẽ. Siêu âm thường đánh giá ối nhiều, ối ít hay ối bình thường, một số trường hợp có thể thấy bất thường khác (như máu). Ối phân su (ối xanh) chỉ biết được khi soi ối (song bằng dụng cụ chuyên biệt qua cổ tử cung và thường áp dụng với thai quá ngày sinh hoặc thai có dấu hiệu suy thai) hoặc khi ối vỡ thì quan sát bằng mắt thường thấy ngay. Ối trong, ối đục hay đồng nhất… về cơ bản không có ý nghĩa nhiều nên các mẹ đừng quá băn khoăn".
Dây rốn cuốn cổ và việc đẻ thường
Từ trước đến nay, các mẹ bầu đi siêu âm thấy bác sĩ kết luận dây rốn cuốn cổ thì sợ hãi phải mổ lấy thai, không thể sinh thường được. Thế nhưng bác sĩ chia sẻ: "Dây rốn cuốn cổ hay dân gian còn gọi với cái tên mỹ miều "tràng hoa cuốn cổ" thường gặp trong thai kỳ và biết được khi siêu âm. Cần biết có trường hợp dây rốn cuốn cổ vì trong bụng mẹ thai "nghịch ngợm" thôi và việc cuốn cổ này cũng không ảnh hưởng gì đến bé. Trong quá trình theo dõi, bác sĩ gặp khá nhiều trường hợp dây rốn cuốn cổ và những lo lắng không cần thiết. Cuốn cổ 1, 2 hay 3 vòng vẫn sinh thường được và thực tế chúng tôi cũng đỡ sinh thường rất nhiều trường hợp như vậy".
Đón được con yêu chào đời khỏe mạnh là một hành trình dài phải biết chọn lọc, áp dụng những kiến thức khoa học của mẹ bầu.
Đầu to hoặc ngôi ngược không đẻ thường được
Nhiều người mặc định đầu to lưỡng đỉnh >98mm hoặc thai ngôi ngược thì mổ lấy thai. Tuy nhiên sự thật là thực tế không phải thế: "Với đầu to (lưỡng đỉnh>98mm) rất nhiều người sinh thường được; đầu to và khung chậu rộng rãi thậm chí còn dễ đẻ hơn so với bình thường. Ngôi ngược hiểu nôm na là đầu em bé ở trên rốn và mông em bé ở phía dưới rốn; ngôi ngược nếu cân nặng bé <3000g với con so và <3200g với con rạ vẫn có thể đẻ thường. Việc đỡ sinh ngôi ngược không quá khó tuy nhiên trong quá trình theo dõi có nhiều nguy cơ hơn 1 chút nên nếu mẹ nào có nhu cầu đẻ thường ngôi ngược thì nên liên hệ với bác sĩ của mình để được khám và tư vấn cụ thể".
"Dịch màng nuôi" hay chỉ là dịch sinh lý
Có những lời đồn rằng "dịch màng nuôi" là hiện tượng đang doạ sảy. Các bác sĩ đã phản bác nhận định này: "Có rất nhiều nơi dùng khái niệm "dịch màng nuôi" để mô tả quá trình doạ sảy của thai nhỏ dưới 12 tuần. Nhưng về y học không có khái niệm "dịch màng nuôi" hay "màng nuôi". Nhiều sản phụ đến gặp chúng tôi than phiền về vấn đề này và được kiểm tra lại. Đa số là hiện tượng dịch sinh lý bình thường (dịch dưới túi thai). Các mẹ lưu ý nếu không đau bụng, không ra máu âm đạo và siêu âm có 1 chút dịch dưới túi thai thì mẹ không cần lo lắng nhiều, chỉ cần khám thai định kỳ".
Hai vị bác sĩ cho rằng, mẹ bầu nên tỉnh táo trước muôn vàn lời khuyên dành cho mình.
Siêu âm, tuổi thai và ngày dự sinh
Nhiều người vẫn tin rằng siêu âm bất kỳ thời điểm nào cũng biết được tuổi thai và dự kiến sinh. Tuy vậy, bác sĩ cho biết: "Ngày dự sinh là ngày ước đoán thai được 40 tuần. Về lý do chọn mốc 40 tuần là vì sau 40 tuần, các bất trắc với thai tăng lên nhiều lần. Do đó ngày dự sinh rất quan trọng để bác sĩ can thiệp cho em bé sinh đúng thời điểm cần thiết. Tuổi thai và ngày dự sinh bản chất là 1 khái niệm, có tuổi thai sẽ suy được ngày dự sinh và ngược lại. Thường sẽ lấy mốc siêu âm 12 tuần để tính ngày dự sinh, siêu âm ở các mốc khác thì tuổi thai sẽ bị lệch và thai càng lớn tuổi thai càng lệch nhiều. Có nhiều cách tính ngày dự sinh nhưng thông thường dựa vào: ngày đầu của chu kỳ kinh cuối cùng (ngày đầu tiên hành kinh), siêu âm 12 tuần, ngày chuyển phôi (với thai IVF)".
Nước tía tô, nước dứa giúp dễ đẻ
Các mẹ trước khi đi sinh vẫn thường thủ sẵn những chai nước tía tô, nước dứa vì hy vọng giúp dễ đẻ hơn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của bác sĩ, đây lại là kinh nghiệm không đúng. Bác sĩ giải thích hài hước: "Nước dứa thực sự rất ngon còn nước tía tô thì tôi không chắc nhưng có vẻ là khá khó uống. Tôi nhớ hồi còn sinh viên có một bà mẹ chồng vì mong muốn cho con đẻ thường (mong muốn rất chính đáng) mà cứ nước tía tô, nước dứa cho cô con dâu uống ngày này qua tháng tháng, đến lúc cô lâm bồn rồi vẫn ép uống và cuối cùng thì cô vẫn đi mổ vì thai suy... Qua câu chuyện này tôi cũng muốn nói rằng 2 thứ này không có tác dụng gì giúp dễ đẻ hơn cả".