Thành viên Boyzone: Ngày con gái tự kỷ cất tiếng nói đầu tiên, chẳng đôi mắt nào giữ được khô ráo nữa
Giọng ca của nhóm nhạc huyền thoại Boyzone, Keith Duffy, thúc giục các bậc phụ huynh có con tự kỷ hãy ngừng than vãn, tiếc nuối mà nên chấp nhận và trợ giúp cho con mình.
Thử thách lớn lao dành cho gia đình trẻ
Con gái nhỏ Mia của cặp vợ chồng Keith và Lisa được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ khi bé 18 tháng tuổi.
Keith chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: "Mia không nói gì cho tới năm 7 tuổi. Thời điểm đó, con luôn trốn trong thế giới của riêng mình, xa lánh chúng tôi. Con không hề đáp lại chúng tôi, chẳng mấy khi nhìn vào mắt người thân và cũng chẳng hứng thú dành thời gian chơi đùa với bất cứ ai. Cảm giác thật đáng sợ và chúng tôi chẳng biết phải làm gì".
Keith và con gái Mia ở công viên Walt Disney Florida năm 2009.
Vợ chồng Keith Duffy bên hai con.
Mia ngủ rất ít. Cô bé không thích đi ra khỏi nhà. Nếu phải ra, Mia luôn mang theo chiếc chăn trùm đầu, tỏ ra sợ sệt với mọi tiếng ồn. Hai vợ chồng đặc biệt lo lắng khi lần đầu để ý thấy Mia có cách cư xử hoàn toàn khác biệt với những đứa trẻ khác khi cả nhà đi chơi ở Disneyland. Năm đó, Mia tròn 1 tuổi. Bất cứ khi nào tỏ ra hứng thú, cô bé đều gập 1 tay và duỗi tay kia ra - dấu hiệu của sự căng thẳng mà sau này vợ chồng Keith mới biết.
Nhưng điều khiến cả gia đình đau đớn nhất chính là việc Mia không hề đáp lại tình cảm yêu thương trìu mến mà bố Keith, mẹ Lisa và anh trai Jay dành cho cô bé.
Chẩn đoán chính thức - chặng đường gian nan
Hiện tại, cô bé đã lớn lên xinh đẹp và có nhiều tiến bộ đến ngỡ ngàng.
Trò chuyện với một người bạn khi tham gia một sự kiện từ thiện về tự kỷ, Keith bắt đầu hiểu rõ hơn và biết rằng, Mia đã bị mắc chứng tự kỷ. Ngày hôm đó, theo mô tả của anh là ngày tồi tệ nhất đời. Ông bố 42 tuổi kể: "Lúc đó, tôi không hề có ý niệm gì về hội chứng này. Khi được giải thích rằng tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh của não và mọi triệu chứng của bệnh, tôi ngày càng thấy rõ con gái mình đã mắc chứng tự kỷ. Tôi bắt đầu trở nên vô cùng đau buồn".
Keith trở về nhà sau sự kiện và nói chuyện với vợ: "Cô ấy thấy tôi khóc và tỏ ra hoảng hốt. Tôi chỉ nói: ‘Mia bị tự kỷ em ạ’ và phản ứng đầu tiên của Lisa là tát tôi một cái. Sau đó, cô ấy òa lên khóc bởi vì chúng tôi biết đúng là có gì đó không ổn, chỉ là chúng tôi chưa biết tên của thứ không ổn ấy. Và giờ thì chúng tôi đã biết. Nó là có thật".
Để có được một chẩn đoán chính thức dành cho Mia, họ đã phải mất tới 2 năm trời. Tìm đến một chuyên gia, họ được xác nhận đúng là Mia bị tự kỷ. Nhưng sau đó, cặp đôi lại cảm thấy hoàn toàn đơn độc và vô vọng: "Ai cũng nói với tôi rằng can thiệp sớm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhưng tôi không biết phải tìm kiếm sự can thiệp ấy như thế nào".
Sau nhiều nỗ lực, Keith Duffy đã phát hiện ra ngôi trường phù hợp duy nhất dành cho Mia ở Ireland. Nhưng chỉ còn 12 chỗ trống và tất cả đều đã được đăng ký, trong khi danh sách chờ thì dài dằng dặc. Không bỏ cuộc, Keith cùng các phụ huynh khác khởi động chiến dịch gây quỹ để thuê nhiều giáo viên hơn, cũng như cho phép nhiều trẻ em hơn, trong đó có Mia được tới trường.
Khoảnh khắc hạnh phúc của hai bố con.
Phép nhiệm màu nho nhỏ Mia
Ngôi trường ABACAS ở Kilbarrack, thành phố Dublin, nơi Mia theo học, chuyên dạy dỗ trẻ em mắc chứng tự kỷ. Giáo viên sử dụng phương pháp dạy 1 thầy - 1 trò có tên Applied Behavioural Analysis (ABA) – phân tích hành vi ứng dụng. Phương pháp này đã được chứng minh là mang lại hiệu quả to lớn với trẻ tự kỷ ở Mỹ và Mia đã có những tiến bộ vượt bậc.
Tại nhà, vợ chồng Keith-Lisa sử dụng một hệ thống có tên Picture Exchange Communication (tạm dịch: Giao tiếp bằng trao đổi thông qua hình ảnh) để dạy con. Theo đó, Keith và Lisa sẽ dán một bức ảnh được chụp bằng máy ảnh chụp lấy ngay về những thứ Mia yêu thích như đồ ăn hay đồ chơi lên một tấm bảng và sử dụng khi Mia muốn gì đó.
Thế rồi bước ngoặt đã đến với gia đình Keith-Lisa khi Mia tròn 7 tuổi. Keith nhớ lại: "Mia dành rất nhiều thời gian trong phòng để xem các phim ca nhạc, đặc biệt là phim Annie. Một ngày chủ nhật, khi chúng tôi cũng đang xem tivi, Mia chạy vào phòng và bỗng nhiên dừng lại rồi cất lời hát "Tomorrow" của Annie. Con chưa từng nói lời nào trước đó trong đời!
Mia hát bài hát đó như thể một người bị khiếm thính ca hát nhưng chúng tôi vô cùng kinh ngạc và sung sướng. Hôm đó, trong nhà, chẳng có đôi mắt nào còn giữ được khô ráo nữa.
Ngôn ngữ của con ngày càng phát triển. Con bắt đầu nắm lấy tay người khác khi cần thứ gì đó và ấn tay họ theo hướng mình muốn. Điều đó thật tuyệt vời bởi vì nó có nghĩa là chúng tôi đang đi đúng hướng".
Mia nhanh chóng tiến bộ đến mức cô bé đã được nhận vào trường học chính thống năm 2007. Tiếp đó, năm 2015, Mia (15 tuổi) đã giành được kết quả "không thể tin nổi" trong kỳ thi Junior Certificate dành cho học sinh cấp 2 ở Ireland. Ông bố đầy tự hào chia sẻ: "Tôi chưa từng nghĩ con sẽ vào học trường chính thống. Tôi cũng chưa từng nghĩ con sẽ tham gia kỳ thi quốc gia. Nhưng thực tế là con đã làm rất tốt và điều này đúng là không thể tin nổi".
Keith rất tự hào mỗi khi chia sẻ về con gái.
Công chúa nhỏ của bố Keith và mẹ Lisa cũng đã tham gia buổi hẹn hò đầu tiên và tiệc khiêu vũ tại trường. Với riêng Keith, chẩn đoán chứng tự kỷ của con gái đã biến anh trở thành một người tốt hơn. "Mia đã chỉ cho tôi thấy một phần con người tôi mà tôi thích hơn nhiều so với phần tôi đã từng là trước khi có con". Hiện Keith Duffy vẫn là thành viên tích cực trong nhiều hoạt động liên quan tới trẻ tự kỷ.
Lời khuyên của Keith Duffy dành cho các bố mẹ có con tự kỷ
Trong bộ phim tài liệu mới đây có tên "Let Me In", Keith Duffy đã chia sẻ với phóng viên về vai trò của cha mẹ trong hành trình nuôi con tự kỷ:
1. Cha mẹ phải là chỗ dựa vững chắc cho con
Một trong những bước quan trọng nhất đối với một phụ huynh có con tự kỷ là ngừng than vãn, tiếc nuối về đứa trẻ mà họ nghĩ lẽ ra họ đã có. Hãy bắt đầu chấp nhận và hỗ trợ cho đứa trẻ mà họ đang có. Khi họ quyết định làm như vậy, thế giới sẽ trở thành một nơi tươi sáng hơn và mọi thành công mà con đạt được sẽ trở thành một tiệc mừng.
Hình ảnh mới nhất của hai vợ chồng bên con gái Mia được chia sẻ trên Instagram.
2. Chẩn đoán sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng
Càng giúp con được chẩn đoán sớm chứng tự kỷ, bạn càng có thể lên kế hoạch can thiệp. Việc để con bị tự kỷ không được can thiệp cho tới tận năm 11 tuổi là cực kỳ sai lầm. Bạn sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ mới có thể giúp con làm được những việc mà lẽ ra con đã có thể làm gần như những đứa trẻ bình thường nếu được can thiệp sớm.
3. Vợ chồng phải đồng lòng nhất trí khi nuôi dạy con bị tự kỷ
Theo tiết lộ của Keith, khoảng thời gian chăm sóc, nuôi dạy con gái Mia cũng là khoảng thời gian thử thách mối quan hệ vợ chồng. "Rất nhiều cặp đôi đã tan vỡ và đúng là có những thời điểm mọi việc trở nên vô cùng khó khăn. Lisa là bạn đời tuyệt vời nhất của tôi. Tôi thật may mắn vì đã có Lisa. Cô ấy là người mẹ tốt nhất mà tôi từng biết".
Nguồn: Dailymail, Huffington, Independent, Keithduffy...