Thai suy dinh dưỡng, đến tuần 36 vẫn nhẹ cân và điều kỳ diệu từ món cháo giúp bé chào đời nặng 3,1kg
Bị động thai, thai bóc tách ở tuần thứ 13, đến tuần thứ 32, thai suy dinh dưỡng và gần sinh con vẫn nhẹ cân khiến bà mẹ trẻ ở TP.HCM vô cùng hoang mang.
Thực đơn của mẹ trẻ cứu thai suy dinh dưỡng, nhẹ cân
Đó là hành trình mang thai và đón bé Ben chào đời vô cùng chật vật của bà mẹ 9x Hà Ngọc (hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh). Sau niềm hạnh phúc khi biết mình có tin vui thì đến tuần thứ 13 chị Ngọc sửng sốt khi bác sĩ thông báo tình trạng động thai và thai bị bóc tách 20%.
Lúc này chị vô cùng sợ hãi, ám ảnh với suy nghĩ có thể không giữ được con. Sau khi ở nhà nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, ở tuần thai thứ 16, sức khỏe của mẹ và bé đã ổn định.
Niềm vui chưa được bao lâu thì đến tuần 32 chị Ngọc nghe tin sét đánh từ bác sĩ, em bé trong bụng mẹ bị suy dinh dưỡng. Lúc này bé nặng 1,5kg dù mẹ ăn uống cũng như bổ sung các loại vitamin đầy đủ ngay từ đầu thai kỳ.
4 tuần sau, chị Ngọc đến khám định kỳ tại bệnh viện. Bác sĩ cho biết bé nặng 2,5kg kèm lời dặn dò mẹ ăn nhiều thêm.
Ở thời điểm này, chị bắt đầu uống sữa bầu và đặc biệt mỗi ngày ăn 1 cữ cháo vào khoảng 22 giờ để giúp con có thêm dinh dưỡng vào ban đêm. "Mình đa dạng các loại cháo để mẹ đỡ ngán và có đủ các chất dinh dưỡng cho bé như cháo cá, cháo bồ câu, cháo tim, cháo gà... Đến tuần thứ 39, vợ chồng mình vỡ òa khi siêu âm và hay tin con đã được 3kg", chị Ngọc cho biết.
Từ sự cố khi mang thai này, chị dành lời khuyên cho mẹ bầu có con nhẹ cân đừng nên quá hoang mang vì bé phát triển khá nhanh từ tuần 36 trở đi.
Vượt cạn như vượt qua cửa tử
Sau bao thử thách trong hành trình hơn 9 tháng mang thai, ngày 7/10 vừa qua bé Ben chào đời và nặng 3,1kg. Nói về quá trình vượt cạn của bà mẹ Hà Ngọc cũng thật "chẳng phải dạng vừa đâu".
Mẹ Ngọc kể, dù dự kiến sinh 2/10 nhưng đến ngày này Ben vẫn nằm im thin thít. Lo lắng, vợ chồng anh chị đưa nhau đi bệnh viện nhưng chưa có dấu hiệu sinh nên chị Ngọc lại được chồng đưa về khách sạn gần đó để nghỉ ngơi, theo dõi.
Sau khi ra huyết nâu và bụng đau lâm râm vào sáng hôm sau thì cả nhà chị lại khăn gói vào viện. Tận 3 ngày tiếp theo, mẹ trẻ gặp phải tình huống éo le hết xuất viện lại nhập viện vì không có dấu hiệu chuyển dạ thực sự, cổ tử cung chỉ mở được 1 phân. Lúc này, chị chỉ có duy nhất cảm xúc là "thấy người ta đi đẻ ầm ầm mà ham".
"Ngày 6/10, mình vừa nhập viện vừa khóc lóc vì... mãi chưa được đẻ thì đến chiều cùng ngày bất ngờ bị vỡ ối. Bác sĩ phòng trực kiểm tra và cho đi đẻ gấp. Nhưng đến 12h đêm cổ tử cung mới mở được 2 phân, 2h sáng hôm sau thì cơn đau mạnh hơn và mình bị sốt 38,5 độ. Dù truyền thuốc kích đẻ nhưng đến sáng mình vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ rõ ràng để sinh thường", bà mẹ vẫn còn ám ảnh nhớ lại.
Nỗi sợ hãi của chị còn tiếp tục kéo dài: "Đến 6h sáng mình như muốn ngất đi, thấy khó thở, bác sĩ cho thở oxy, đo tim thai em bé thì thấy nhịp tim giảm còn 120. Bác sĩ bảo em phải cố gắng thở đi, không là con em không thở được. Thế là mình thở, hít rồi thở như người sắp chết tới nơi. Tiếp đó, bác sĩ truyền hạ sốt và đến 7h30 thì mình bớt sốt, cũng là lúc cơn đau dồn dập rồi cổ tử cung mở 8 phân. Đến phòng sinh, bác sĩ đo tim thai và báo nhịp tim Ben khá yếu vì có thể đã bị nhiễm trùng từ cơn sốt của mẹ".
Sau những lần rặn bằng toàn bộ sinh lực sót lại, em bé chào đời nhưng chị cảm nhận con mình vàng tím, con không khóc mà chỉ rên lên è è yếu ớt. Sau 2 phút được ôm con vào lòng, bé được chuyển qua phòng cấp cứu và hai mẹ con cách ly nhau đến 3 ngày. Khi sinh bé được 3,1 kg nhưng sau 6 ngày truyền kháng sinh thì con được về bên mẹ còn nhỏ thó, da nhăn nheo.
Sau tất cả những hoang mang, lo lắng và có khi như chạm lằn ranh sinh tử thì đến nay bé Ben đã được hơn 1 tháng tuổi. Thời điểm bé chưa đầy tháng đã tăng 1,5kg nhờ bú sữa mẹ hoàn toàn.
Theo kinh nghiệm của bà mẹ Hà Ngọc, sữa mẹ cần chất lượng chứ không phải số lượng. Để đảm bảo chất lượng chị khuyên các mẹ khác uống thêm canxi, DHA và vitamin tổng hợp để có được nguồn sữa đầy đủ chất cho bé.
Ảnh: NVCC