Thai phụ không nên tăng cân quá nhiều
Với suy nghĩ mẹ càng tăng cân thì con càng lớn và khỏe mạnh, nhiều thai phụ đã cố gắng ăn uống, bồi bổ không theo một thực đơn khoa học nào.
Làm vậy không có lợi cho thai nhi. Phụ nữ khi mang thai thường nghĩ rằng, ăn nhiều cá, thịt, đồ tanh, mỡ... sẽ có lợi cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, khi người mẹ tăng cân quá nhanh dẫn tới sự thừa mỡ, thể trọng tăng quá cao, lượng đường huyết trong cơ thể cũng tăng và nguy cơ thai nhi bị suy dinh dưỡng có thể xảy ra.
TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, cho biết, hiện nay không ít thai phụ tăng cân quá mức, từ 17 đến 25kg, nhưng khi sinh con vẫn bị suy dinh dưỡng. Nhiều người quan niệm ăn càng nhiều càng bổ, thai nhi sẽ phát triển tốt nhưng thực ra đây là nguyên nhân của hàng loạt các nguy cơ như: Sinh non, tiểu đường, sinh mổ, thậm chí thai chết lưu.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân của tình trạng này có thể do bà mẹ ăn nhiều nhưng chưa sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, dẫn đến thai nhi bị thiếu đa vi chất, chậm phát triển. Thêm nữa, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt cũng là yếu tố khiến cho quá trình nuôi thai của người mẹ không hiệu quả, trẻ sinh ra dễ bị nhiễm trùng, chỉ số thông minh không cao. Ngoài ra, người mẹ tăng cân nhanh nhưng thai vẫn bị suy dinh dưỡng có thể do các nguyên nhân khác như thai nhi bị nhau quấn cổ, hoặc do tử cung người mẹ nhỏ không đủ không gian cho thai nhi phát triển. Đặc biệt, hiện nay có những thai phụ đã bổ sung quá nhiều canxi (vì canxi tốt cho mẹ và bé) dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận và tắc sữa, nhau thai bị canxi hóa quá sớm, không thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng thai, vì thế thai nhi bị suy dinh dưỡng.
Theo TS Nguyễn Viết Tiến, nếu người mẹ béo phì sinh con quá to, hoặc nhỏ đều nguy hiểm. Tình trạng sinh con to 3,5 -4kg hiện khá phổ biến và thường phải mổ đẻ. Đáng sợ nhất là thai to bệnh lý do mẹ bị tiểu đường, hoặc bị rối loạn chuyển hóa... (thường nặng trên 4kg hoặc 5kg). Trẻ sinh quá nặng, ngoài nguy cơ dễ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là tiểu đường còn dễ bị nhiễm trùng, hạ thân nhiệt và đường huyết, hôn mê, đồng thời sức đề kháng cũng kém. Vì thế, trong quá trình thai nghén, người mẹ phải thường xuyên được thăm khám, theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu thai nhi bị suy dinh dưỡng, khi sinh dễ bị suy thai cấp và ngạt, tỉ lệ tử vong tăng gấp nhiều lần so với những thai nhi bình thường khác. Ngoài ra, ở giai đoạn đầu những đứa trẻ này thường mắc chứng rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi huyết, giảm tiểu cầu và đôi khi rối loạn đông máu.
Các chuyên gia y tế khuyên rằng, trong quá trình mang thai, thai phụ nên kiểm tra trọng lượng thường xuyên, đặc biệt từ tháng thứ 6 trở đi, nếu phát hiện thấy thể trọng tăng vượt mức bình thường thì phải điều chỉnh ăn uống hợp lý. Việc tập luyện hợp lý trong thời kỳ mang thai không chỉ giúp cơ thể người mẹ dẻo dai hơn khi đẻ mà còn làm cho quá trình trao đổi chất giữa người mẹ và thai nhi tốt, tăng sức đề kháng của cả hai mẹ con, giảm được nhiễm độc thai nghén, đồng thời duy trì nguồn sữa dài và chất lượng hơn.