Tâm sự đầu năm mới của hội bỉm sữa: Những khoản đầu tư "quan trọng" nên chi tiêu trước và sau khi có con

An Chi,
Chia sẻ

Những khoản này đều được sử dụng trong trường hợp cần thiết, đặc biệt với gia đình có con nhỏ.

Là bố mẹ, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất dành cho các con. Khi có con rồi thì ba mẹ mới hiểu rằng nuôi con khá tốn kém, nếu không có sự chuẩn bị vững chắc về mặt tài chính thì cuộc sống sẽ khó mà thuận lợi. 

Mới đây, hot mom Trinh Phạm (beauty blogger) đã chia sẻ về các hạng mục "đầu tư" mà cô tâm đắc nhất. Theo bà mẹ 2 con, tuỳ vào điều kiện kinh tế nhưng các khoản này rất nên cân nhắc chi tiêu trước và sau khi có con, đặc biệt là với những gia đình có con nhỏ. 

1. Niềng răng

Cho đến giờ đây vẫn là khoản tiền "nâng cấp" bản thân mình thấy xứng đáng nhất! Mình niềng răng trong suốt trong vòng 3 năm và tới giờ vẫn đeo hàm duy trì đều đặn mỗi tối. Không chỉ thon gọn mặt, răng đều hơn mà còn tốt cho sức khoẻ răng miệng sau này nữa, siêu lời!

2. Thẻ tập gym và khám sức khoẻ hàng năm

Hồi sinh Bơ xong 1 năm rưỡi người mình yếu lắm, thêm combo thoái hoá đốt sống cổ vì hút sữa và 1 rổ mỡ bụng. Sau đó mới quyết tâm đăng ký đi tập gym và thấy khoẻ hơn rất nhiều luôn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

3. Bảo hiểm cho con

Người lớn có thể cân nhắc, nhưng các bạn bé dưới 3 tuổi mình thấy nên có bảo hiểm. Chỉ cần mỗi lần ốm đau đi viện thôi là thấy "xót ví" lắm! Quan trọng là mình tìm được hãng và tư vấn viên có tâm để follow hợp đồng, tránh bị mất tiền oan.

4. Tiền dự phòng các trường hợp khẩn cấp

Khoản này 2 vợ chồng quy định mỗi người trích ra 1 phần để đóng vào hàng tháng. Quỹ này sẽ để riêng chứ không mang đi đầu tư phòng rủi ro.

5. Quỹ riêng cho em bé

Giờ có 2 con rồi nên quỹ này mình thấy cũng rất cần thiết, nhất là với chặng đường học của con còn dài. Tiền lì xì hàng năm của con mình cũng trích vào quỹ này luôn.

Tâm sự đầu năm mới của hội bỉm sữa: Những khoản đầu tư "quan trọng" nên chi tiêu trước và sau khi có con - Ảnh 1.

Nên tiết kiệm bao nhiêu % thu nhập cho từng khoản đầu tư?

1. Tài khoản dự phòng cho con

Tài khoản dự phòng cho trẻ nhỏ rất cần thiết vì trẻ rất dễ ốm và khi con ốm, bạn không có một khoản dự phòng là điều cực kì rủi ro.

Tài khoản này nên chiếm vào khoảng 20-25% tổng số tiền tích lũy chung hàng tháng. Đây là khoản bạn nên đăng ký trích trừ tự động từ ngân hàng: ngay khi bạn có lương, ngân hàng sẽ trừ tự động và để riêng khoản này vào một tài khoản. Luôn ghi nhớ đây là khoản không được phép đụng tới với bất kỳ lý do cá nhân nào, trừ trường hợp khẩn cấp dành cho con. Bạn nên thiết lập ngay tài khoản dự phòng "ưu tiên 1" này trước cả khi dự tính mang thai, điều đó mang đến cảm giác rất yên tâm cho bạn.

2. Một khoản bảo hiểm phòng xa, đầu tư cho việc học hành dài hạn của con cái

Đây là quỹ chiếm khoảng 25% tổng số tiền bạn tích lũy được hàng tháng và nên được bắt đầu ngay khi bạn có con.

Đầu tư cho giáo dục luôn có ý nghĩa hơn cả việc để lại cho con một gia tài! Khi bạn đầu tư cho con đầy đủ về giáo dục thì đó cũng giống như đang chắp cánh tương lai cho con, tặng con cả một chân trời rộng mở.

Tuy nhiên, chi phí cho giáo dục ngày nay không hề thấp. Đó là chưa kể trong ít nhất 18 năm con ăn học, bạn khó lòng có thể đảm bảo chắc chắn vợ chồng mình đủ sức lo cho con mà không gặp bất kỳ một sóng gió bất ngờ nào (cụ thể như vấn đề sức khỏe của chính vợ chồng bạn!).

Phòng xa và tích cóp để con có thể duy trì việc học tốt nhất trong mọi hoàn cảnh là việc rất cần. Ở các nước phát triển, các bậc cha mẹ thường dành một khoản tiền nhất định để mua bảo hiểm nhân thọ và duy trì quỹ bảo hiểm này suốt một thời gian dài. Đó là cách để ngay khi con tốt nghiệp đại học, con sẽ có một khoản chi phí để chuẩn bị cho những dự định về nghề nghiệp tương lai.

3. Các khoản tiết kiệm cho kế hoạch lâu dài

Thông thường, đây là khoản chiếm 25-30% tổng số tiền bạn tích lũy hàng tháng và có thể linh động ít hơn hoặc nhiều hơn, tùy hoàn cảnh. Quỹ này không quá bắt buộc, cũng không mang tính chất khẩn cấp "sống còn" nên thông thường các gia đình ít chú ý. Tuy nhiên, kỳ thực nó ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của gia đình bạn. Nó như một khoản tích lũy "nhỏ giọt" qua nhiều năm tháng, để đến một lúc giúp vợ chồng bạn thực hiện được một ước mơ nào đó.

Chẳng hạn vợ chồng bạn có kế hoạch muốn mua một chiếc xe. Hàng tháng, hãy cố gắng dành cho quỹ này một khoản tiền và "quên nó đi". Sau 1-2 năm, sẽ đến lúc bạn vui mừng khi nhận ra mình đã đủ tiền thực hiện giấc mơ đó.

Quỹ cho các kế hoạch lâu dài là chìa khóa hạnh phúc gia đình. Nó khiến vợ chồng bạn luôn có một mục tiêu chung để hướng đến và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống theo hướng đi lên.

Chia sẻ