Tâm lý của bé khi có thêm em

,
Chia sẻ

Có một thực tế là: Mỗi đứa trẻ chào đời là một niềm vui lớn đối với cả gia đình... ngoại trừ anh-chị chúng!

Bởi với chúng, em bé mới chào đời này là một đối thủ và quan hệ của chúng sau này chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những xung đột! Nhận xét này có vẻ hơi kém phần thi vị một chút nhưng lại rất chân thực. Và đó cũng là một thực tế mà các ông bố bà mẹ phải tính đến khi quyết định có thêm sinh them con.

6 năm là một khoảng cách an toàn

Khoảng cách tuổi, dù lớn hay nhỏ, chắc chắn là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quan hệ anh em trong gia đình. Nếu khoảng cách này nhỏ, bọn trẻ sẽ có sự gấn gũi nhau hơn, sẽ dễ có những trò chơi chung vì chúng có nhiều điểm chung do sự tương đồng về lứa tuổi.

Ngay cả như vậy thì chúng cũng sẽ khong tránh được hết những ganh đua hay sự ghen tị. Chỉ có điều, nếu hơn nhau 1 hay 2 tuổi, sự ghen tị sẽ chỉ thoảng qua, và nó rất bình thường. Nhưng khi trẻ đã lên 3, lứa tuổi bắt đầu đi học mẫu giáo thì sự xuất hiện của một cô em nhỏ hay một cậu em trai có thể sẽ là một cú sốc đối với chúng. Một số bác sĩ nhi khoa cho rằng 5-6 năm là một khoảng cách an toàn vì khi đó những hành động nông nổi sẽ nhường chỗ cho sự nhẹ nhàng và tình cảm. Lúc này, trẻ đã có 1 thời gian tương đối trong vị trí con một, và khi đi học chúng cũng đã có một số bạn bè, chúng sẽ chấp nhận chuyện mẹ không còn quan tâm đến mình nhiều như trước dễ dàng hơn.

 

Ghen tị là một phần trong quá trình phát triển

Đừng vội lo lắng khi các con bạn liên tục cãi cọ nhau. “Ghen tị là một phần trong quá trình phát triển của con trẻ, đó là cảm xúc nảy sinh khi chúng đánh mất đi vị trí của mình”, nhà tâm thần học người Pháp Sylvie Angel lý giải như vậy. Điều đó có thể được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tuỳ theo đó là con trai hay con gái. Tuy nhiên khi bạn nhận thấy có vẻ như cãi nhau là cách giao tiếp duy nhất của bọn trẻ thì đó là lúc cần có sự can thiệp của cha mẹ.

Hãy dành cho chúng một vị trí trong gia đình

Có em trai hay em gái, đó là bài học đầu tiên về cuộc sống cộng đồng của bọn trẻ. Vì vậy, cần phải dành cho chúng một vị trí nhất định trong gia đình. Sylvie Angel giải thích rằng: “Con lớn là người sẽ phải mang một trách nhiệm khá nặng nề, chúng sẽ phải hoàn thành những mơ ước mà cha mẹ chúng đã từng cố gắng nhưng chưa làm được. Ngược lại, đối với con út, đứa trẻ ra đời khi cha mẹ chúng đã có chút ít kinh nghiệm, họ không còn nhiều lo lắng như khi sinh con đầu. Chúng thường gần gũi với hơn với cha mẹ và thường được chiều chuộng hơn”. Chính điều này sẽ làm nảy sinh sự ghen tị từ phía con lớn, do đó chúng hay có những thái độ với đứa em vì sợ đánh mất vị trí.

Hãy dành thời gian cho cả bọn trẻ

Khi xuất hiện sự ghen tị giữa bọn trẻ, Marcel Rufo, nhà tâm thần học trẻ em khuyên các bậc cha mẹ hãy nói với chúng: “Bố/mẹ thấy là con đang ghen với em, đúng không?” Và cần phải có thời gian gần gũi với từng đứa trẻ, theo cùng một cách. Ông còn nhấn mạnh lợi ích từ những câu nói theo kiểu “Bố/mẹ yêu các con như nhau.”

Giải quyết khéo léo những xích mích của con trẻ là một việc dễ hiểu nhưng trên thực tế không phải là dễ làm. Hãy thể hiện tình yêu đối với các con mình theo những cách khác nhau, đối với từng đứa một. Vì cách yêu con khác nhau không có nghĩa là yêu nhiều hay ít hơn. Nhưng có một điều mà các bậc cha mẹ, hay những người chuẩn bị làm cha mẹ cần phải nhớ là phải tôn trọng con trẻ, dù đó là con đầu hay con thứ.

Hoàng Nhuỵ
Theo Catherine Maillard
Chia sẻ