Tai hại tự mua thuốc cho trẻ

,
Chia sẻ

Tận mắt chứng kiến những bé phải cấp cứu vì phản ứng thuốc, không ít bà mẹ sẽ giật mình với thói quen tự mua thuốc cho con uống...

 Chống viêm, hạ sốt cũng gây dị ứng

Nằm thiêm thiếp trên chiếc giường trải ga trắng, bé Minh mới được 5 tháng tuổi nhắm nghiền mắt, da xanh xao, thóp phập phồng theo từng hơi thở nặng nhọc. Tính cả ngày hôm ấy, bé Minh đã nằm viện được 3 ngày. Trước đó, bé bị ho, sốt cao tới 39,50C, mẹ bé chạy ra ngoài hiệu thuốc gần nhà kể về các triệu chứng của bé và được tư vấn mua thuốc hạ sốt và kháng sinh chữa ho, viêm họng.

Sau khi uống thuốc xong chừng 30 phút, hơi thở bé bắt đầu nặng nhọc, mắt có biểu hiện lơ mơ. Bà nội bé hoảng hốt vội ôm cháu chạy sang bệnh viện cấp cứu. “Sau khi chụp ống thở và cấp cứu cho cháu xong, bác sĩ mới bảo chỉ cần chậm tí nữa thì cháu sẽ bị nguy kịch, khó cứu. 
 
Theo các bác sĩ, thống kê từ các ca dị ứng thuốc cho thấy kháng sinh là nhóm thuốc đứng đầu bảng nguyên nhân gây dị ứng, chiếm tới hơn 50%, thuốc chống viêm giảm sốt chiếm khoảng 10%.

Tự chữa cảm cúm, “rước” con vào viện!

 Chị Nguyễn Thị Hằng ở thị xã Tuyên Quang kể “Con gái tôi đang học lớp 2, hôm đó giữa trưa nắng cháu đi học về và đến chiều thì bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi. Tôi đã tự ra ngoài mua kháng sinh cho cháu uống. Nhưng nửa giờ sau, cháu bắt đầu sốt cao, khắp người nổi ban đỏ, một số vùng trên da còn xuất hiện bọng nước. Cháu kêu là chóng mặt chóng mặt, mệt và buồn nôn... Ngay sau đó, tôi lập tức đưa cháu đến bệnh viện. Làm xét nghiệm xong, tôi mới ngã ngửa vì không ngờ cháu lại bị dị ứng với thuốc nhưng tôi lại không biết điều đó nên vẫn cho cháu uống”.  Những bọng nước sau này sẽ để lại sẹo do sự bất cẩn của tôi, chị Hằng buồn bã trả lời

Theo lời khuyên của bác sĩ, khi trẻ bị sốt, cảm cúm không nhất thiết phải dùng đến kháng sinh vì có thể trẻ không bị viêm nhiễm. Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt, nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn. Có thể trẻ bị sốt do mọc răng hoặc cảm nắng.

Khi trẻ sốt thì không nên cho uống kháng sinh ngay, trước tiên phải hạ nhiệt cho bé bằng cách lau nước ấm, đắp trán hoặc dùng Paracetamol. Những trường hợp bé bị cảm cúm, viêm mũi, viêm họng do virus thì kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng, nếu dùng bừa bãi có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Tốt nhất  hãy cho trẻ đến khám bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân do viêm nhiễm hay virút để có cách điều trị thích hợp. 

Thuốc bổ thành thuốc... hại!

Nghiên cứu y khoa cho thấy, không chỉ có các loại kháng sinh nằm trong danh sách đỏ về gây dị ứng mà thậm chí các loại thuốc bổ và lành như vitamin, thuốc đông y cũng có thể gây dị ứng, chiếm khoảng hơn 7%.

Theo các bác sĩ, thuốc đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc dễ gây dị ứng. Nguy cơ bị dị ứng bởi thuốc đông y càng tăng cao vì phần lớn người dân đều có quan niệm thuốc đông y lành, không độc, mát, bổ. Chính vì quan niệm này mà không ít người chẳng có bệnh tật, ốm đau gì nhưng “hứng” lên một cái là lại đi bốc thuốc đông y về uống. Có người xuất hiện triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày. Thậm chí có những trường hợp xuất hiện muộn thì có khi nhiều tuần sau mới có biểu hiện.

Có những trường hợp xuất hiện triệu chứng sốt, mẩn ngứa nhưng ở thời điểm sau khi uống thuốc đông y hàng tuần nên thường lầm tưởng bị bệnh chứ không phải do dị ứng nên đã uống thuốc chữa khiến dị ứng càng nặng hơn. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (Bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, ngay cả với vitamin B1, loại thuốc bổ được xem là “lành” nhất cũng có thể gây dị ứng, nhất là với người có cơ địa dị ứng thuốc. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng thuốc ngày càng phổ biến là do tình trạng tự dùng thuốc bừa bãi của người dân. Nặng nhất là sốc phản vệ dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy tim mạch, thậm chí có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Một số phản ứng thuốc còn có thể gây điếc, gây suy tuỷ, ngộ độc. Ở trẻ sơ sinh dễ dẫn đến hội chứng xanh tái. Một số trường hợp dị ứng thuốc còn gây giảm hồng cầu, bạch cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu, tế bào gan bị tổn thương.

 Để tránh cho trẻ bị dị ứng thuốc, không nên dùng nhiều loại thuốc một lúc và không nên dùng thuốc kéo dài. Đặc biệt, phải thông báo rõ về tiền sử dị ứng thuốc hoặc dị ứng thức ăn trước khi bác sĩ kê đơn thuốc.

Theo Lã Xưa
Giadinh.net

Chia sẻ