Tác giả "Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học": Giáo dục cần xây từ cái gốc, không phải vun từ phần ngọn
"Dạy trẻ mầm non biết đọc biết chữ xong rồi thì làm gì?" - có bao giờ bố mẹ có suy ngẫm về điều này.
Theo chị Aki Nguyễn - tác giả cuốn "Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học", những năm gần đây, nhiều bố mẹ có xu hướng muốn con mình phải biết đọc thành thạo trước khi vào lớp 1. Các lớp tiền tiểu học mọc lên như "nấm sau mưa". Chỉ cần tìm từ khóa 'lớp tiền tiểu học cho bé' là phụ huynh có thể thấy tràn lan quảng cáo những địa điểm dạy các kỹ năng như đọc, viết, làm toán... trước khi vào lớp 1 cho trẻ. Phụ huynh khi chọn trường mầm non cho con cũng sẽ để ý thêm ngôi trường này có đào tạo tiền tiểu học cho bé. Mỗi khi có con chuẩn bị vào "đại học chữ to" là các bố mẹ lại ráo riết hỏi nhau con đã biết đọc, viết, làm Toán, khả năng ngoại ngữ... đến đâu rồi?
Điều đó bắt nguồn từ muôn vàn lý do như điều kiện đầu vào của một số trường chất lượng cao; nỗi lo sợ bố mẹ khi thấy con mình còn chưa thể đánh vần được chính tên của con trong khi bạn khác đã đọc viết thành thạo; nhiều trường công các cô giáo mặc định con phải biết đọc rồi, nên nếu con mình chưa biết thì thường sẽ bị thụt lùi hơn các bạn và rất vất vả khi phải học đuổi...
Tác giả cuốn "Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học" đưa ra câu hỏi:
- Nếu lấy mục đích là biết đọc chữ, vậy trẻ biết đọc rồi thì sẽ làm gì tiếp theo?
- Bao nhiêu trẻ biết đọc chữ rồi sẽ yêu thích/say mê với đọc sách? Hay việc biết đọc chữ và yêu đọc sách là hai việc hoàn toàn chẳng liên quan đến nhau?
Hệ lụy từ việc chạy theo thành tích, giáo dục "phần ngọn"
Theo chị Aki Nguyễn, từ giai đoạn Tết trở ra cho đến khi vào lớp 1, không ít bạn nhỏ phải đi học thêm tiền tiểu học ở nhà các cô giáo để được tập đọc, luyện tô nét. Có nhiều bé có thể đã đọc chữ vanh vách nhưng lại không thích đọc sách truyện... Bố mẹ chỉ chăm chăm muốn con mình biết đọc mà không dành thời gian để nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc từ nhỏ sẽ chỉ là giáo dục từ ngọn. Và kết quả là khi lên tiểu học trẻ biết đọc chữ rồi, nhưng lại lười đọc sách. Con biết chữ rồi lại nảy sinh tâm lý chủ quan. Bố mẹ không dạy kèm con học và dạy con tập đọc... thành ra khi lên đến lớp cao hơn, con sẽ lười học, không thích đọc sách...
"Quan điểm giáo dục của mình đó là “GIÁO DỤC CẦN XÂY TỪ CÁI GỐC, KHÔNG PHẢI VUN TỪ PHẦN NGỌN”. Điều quan trọng bố mẹ cần hướng đến là làm thế nào để con biết đọc và sẽ say mê đọc sách.
Giai đoạn mầm non hãy gieo cho trẻ sự tò mò, háo hức với những cuốn sách ehon. Hãy để trẻ thấy yêu thích việc đọc sách thông qua thói quen được bố mẹ đọc cho nghe hàng ngày, trên trường mầm non được cô đọc cho nghe, được tự do lật mở sách hàng ngày, sống trong môi trường tiếp xúc với sách truyện. Chỉ khi ấy trẻ mới bắt đầu có động lực muốn biết đọc để tự mình đọc, tự do khám phá tri thức.
Nền tảng ngôn ngữ ở lứa tuổi tiền tiểu học đến từ việc có vốn từ vựng phong phú, trí tưởng tượng sinh động, khả năng diễn đạt trôi chảy lưu loát điều mình nghĩ cho người khác, chứ không phải việc đã biết đọc chữ. Chính nền tảng này là bước đệm vô cùng quan trọng và cần thiết để các con bước vào lớp 1 và học tốt tiếng Việt cũng như các môn khác" - chị Aki Nguyễn nêu quan điểm.
Vậy bố mẹ cần làm gì để "giáo dục từ phần gốc" cho trẻ?
Khi trả lời được những câu hỏi mà chị Aki Nguyễn đặt ra một cách thỏa đáng, chắc chắn bố mẹ sẽ biết hướng đi cần làm gì thay vì bị áp lực bởi những bạn bè xung quanh. Những trào lưu giáo dục để ép trẻ chín sớm và trở thành sản phẩm công nghiệp thường rất dễ cuốn hút lòng tham (sự kì vọng) của cha mẹ. Thế nên điều duy nhất để bố mẹ tách con ra khỏi được vòng xoáy đó chính là xây dựng nền tảng giáo dục riêng cho gia đình mình, tôn trọng và vun đắp những nét riêng của đứa trẻ.
Tác giả "Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học" chia sẻ: "Bạn Bon nhà mình không biết đọc trước khi vào lớp 1. Đến hết năm lớp 1 thì mẹ vẫn đọc truyện cho nghe hàng ngày chứ con cũng chưa thích tự đọc. Nhưng vào dịp hè chuẩn bị lên lớp 2 con đã tự đọc truyện ehon dài, rồi chuyển sang truyện dày có tranh minh hoạ. Và nghỉ hè lớp 2 lên lớp 3 thì con đã chuyển sang tự đọc hết sách của Kẹp Hạt Dẻ mà trước đó mẹ đã đọc cho con hồi mầm non. Và đến lớp 3 con đã say sưa đọc những cuốn trong bộ truyện Harry Potter dày cả nghìn trang.
Trẻ cần có các bước phát triển đúng với từng giai đoạn. Đừng nóng vội trong việc giáo dục một con người".
Cha mẹ nên nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách của trẻ từ nhỏ.
Ý nghĩa của việc trẻ ham đọc sách trước khi lên lớp 4
Có những nghiên cứu của giáo dục Âu Mỹ và Nhật đã chỉ ra rằng, học sinh học tốt năm lớp 4 đều đến từ nền tảng đọc sách. Những học sinh nào được gieo thói quen đọc sách từ giai đoạn mầm non thì sẽ có một nền tảng đọc hiểu tốt, từ đó dễ dàng vượt qua giai đoạn lớp 4.
Lí giải điều này như sau: Nếu lớp 1-2-3 các kiến thức tương đối nhẹ nhàng, không cần quá nhiều kỹ năng đọc hiểu của học sinh, thì khi lên lớp 4 kiến thức khó hơn, đòi hỏi trình độ tư duy logic, kỹ năng đọc hiểu sâu hơn để hiểu bài, ví dụ như Toán sẽ là dạng Toán có lời giải, văn sẽ viết thành bài văn hoàn chỉnh chủ đề văn miêu tả, kể chuyện… Thế nên trẻ đọc sách nhiều sẽ giúp khả năng đọc hiểu tốt từ đó trẻ học dễ dàng hơn so với những trẻ ít đọc. Lớp 4 kiến thức khó, nhưng nếu bạn nào chăm đọc sách, có khả năng đọc hiểu tốt thì thường sẽ học Toán tốt hơn.
"Nền tảng của việc học là đọc sách. Đó là lí do mình thực sự tha thiết mong muốn các bố mẹ hãy dành thời gian của mình để làm gương cho con trong việc đọc sách, và dành thời gian đọc cùng con.
Đến bây giờ Bon học lớp 3, mỗi khi con muốn xin được xem TV thì mình luôn yêu cầu con “đọc sách trước rồi hãy giải trí”. Đó như một điều bắt buộc để con ý thức được tầm quan trọng của đọc sách và cũng để trì hoãn sự hài lòng trong con. Bất cứ việc gì, chỉ cần có niềm tin và sự kiên trì, nhất định sẽ thành công" - chị Aki Nguyễn cho hay.