Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ:

Sữa mẹ giúp trẻ tránh nhiều bệnh khi trưởng thành

,
Chia sẻ

Khoa học hiện đại đã chứng minh trẻ được bú mẹ sẽ giảm tỉ lệ trẻ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường khi trưởng thành và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khi về già".

BS Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH, chuyên gia dinh dưỡng trẻ em cho biết như vậy vào chiều 11/8.

Nâng cao nhận thức cho bà mẹ

Theo BS Nguyễn Trọng An trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD), còi xương, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm... trong giai đoạn trưởng thành.

TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng cho rằng, tỉ lệ trẻ em SDD cao ở Việt Nam hiện có liên quan đến sự thiếu hiểu biết hoặc không tin rằng sữa mẹ thực sự tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo TS Mai các bà mẹ cần hiểu rõ lợi ích của sữa mẹ ngay từ trước và trong khi mang thai. Để có đủ sữa cho con, các bà mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng từ lúc có thai; sau khi sinh con cũng cần ăn đủ chất, uống nhiều nước, sữa, rau quả, cho con bú thường xuyên... Trong điều kiện người mẹ phải chia sẻ thời gian cho công việc, cần cố gắng duy trì ít nhất 3 lần bú/ngày cho bé... Khi đi làm có thể vắt sữa để vào bình tiệt trùng, để vào tủ lạnh cho bé, vì sữa mẹ có thể bảo quản trong bình vài giờ ở nhiệt độ bình thường và trong vòng 24 giờ trong tủ lạnh.

Theo BS Nguyễn Thị Yến - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi TƯ, cơ thể con người có thể tăng 25cm, cân nặng gấp 3 lần lúc đầu ở giai đoạn từ 1 - 2 tuổi. Giai đoạn này, hệ cơ và xương phát triển nhanh nhất, đến 2 tuổi bộ não của trẻ em đã hoàn thiện tới 75% của người trưởng thành. Vì vậy, trẻ cần được chăm sóc trong 1 năm đầu, trong đó lưu ý đến việc cho trẻ bú sữa mẹ. Với thực trạng tỉ lệ trẻ được nuôi bằng sữa mẹ giảm, việc quảng cáo sữa hộp làm tăng số lượng bà mẹ cho con bú bình trong năm đầu có chiều hướng tăng lên đã góp phần làm tăng tỉ lệ trẻ SDD.
 
Trẻ khỏe mạnh nhờ được bú sữa mẹ đầy đủ.

Hỗ trợ của hệ thống luật pháp, chính sách   

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho hay, có rất nhiều thách thức đối với việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ tại Việt Nam. Tỉ lệ cho trẻ nhỏ bú bình tại Việt Nam đã tăng từ 2,2% năm 2000 lên 25,6% vào năm 2005; Từ 30 – 80% số trẻ nhỏ được cho ăn thức ăn bổ sung quá sớm trước 6 tháng tuổi; Tỉ lệ trẻ được tiếp tục bú mẹ cho tới khi 2 tuổi theo như khuyến cáo, vẫn dừng ở tỷ lệ thấp 22,9%.

Theo TS Trần Chí Liêm - Thứ trưởng Bộ Y tế, để hỗ trợ và bảo vệ cho bà mẹ và trẻ em nhằm đảm bảo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, thì Chính phủ, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế phải tiếp tục cam kết thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế công cộng, để thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ.
 
Hiện nay, Bộ Y tế và  đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đang chung tay hành động nhằm bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ sữa mẹ; góp phần bảo đảm đạt được mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam là đến năm 2015 sẽ đạt được tỉ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là 50% trên cả nước.
 
“Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc phối hợp, thực hiện và giám sát tất cả các chính sách có liên quan, đặc biệt là Kế hoạch Hành động Quốc gia về nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong giai đoạn 2009 - 2010 và Nghị định số 21/2006/NĐ/CP của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ để thúc đẩy và bảo vệ quyền được bú mẹ của trẻ em”. Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nói.
 
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, tất cả trẻ nhỏ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ đến 2 năm hoặc lâu hơn kết hợp với cho trẻ ăn thêm các bữa ăn bổ sung chế biến từ các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu; 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và khả năng cung cấp này còn khoảng 10% vào năm thứ ba.
 
Hiện nay, có tới 39% bà mẹ cho con ăn thức ăn khác ngoài sữa mẹ ngay trong tuần đầu sau đẻ và có tới 22% trẻ dưới 12 tháng tuổi bú bình. Bú bình có nhiều vấn đề bất lợi, như sẽ khiến trẻ lười bú mẹ - làm cơ mút, cơ nhai của trẻ không phát triển.
 
Bú bình khiến dạ dày trẻ chóng đầy và là thủ phạm làm trẻ hay nôn trớ. Mong ước của chúng tôi là trên 95% bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Về mặt khoa học và kinh nghiệm đều cho thấy rằng, tất cả các bà mẹ được ăn đủ, ngủ đủ, tư tưởng thoải mái và có niềm tin là mình có đủ sữa thì chắc chắn 6 tháng đầu sẽ đủ sữa cho con bú.    
 
TS Đinh Phương Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em, Bộ Y tế
 

Nếu sau đẻ bà mẹ được nghỉ ngơi hoàn toàn ít nhất là 6 tháng, người mẹ sẽ có thời gian tiếp cận với các kiến thức về nuôi dạy trẻ, có thời gian chuẩn bị tốt về dinh dưỡng cho bản thân để có nguồn sữa tốt cho con, mặt khác, cho trẻ bú sữa mẹ còn hạn chế được tình trạng có thai ngoài ý muốn...

Do vậy, việc nghiên cứu, đề xuất có chính sách cho các bà mẹ được nghỉ sau đẻ một thời gian dài hơn, tối thiểu là khoảng 6 tháng là phù hợp nhằm giúp cho trẻ nhỏ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời (như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế); tăng cường sức khỏe cho bà mẹ trẻ em, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.

BS Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH

Theo GĐ&XH

Chia sẻ