Sự khác biệt giữa trẻ thích mút tay và không mút tay, hóa ra có liên quan mật thiết tới não bộ

PHAN HIỀN,
Chia sẻ

Thói quen mút tay ở trẻ là việc cực kỳ bình thường, nhưng đằng sau đó là những mối liên quan tới não bộ và một số điều mà bố mẹ nào cũng cần phải biết.

Nhiều người mẹ thắc mắc ngón tay có gì mà lại khiến hầu hết những đứa trẻ đều rất thích và mút rất say mê. Họ cũng cho rằng, thói quen mút tay ở trẻ là việc rất bình thường và trẻ sẽ quên nhanh nếu có một món đồ chơi nào đó thay thế. Nhưng một số cha mẹ lại cho đây là thói quen không tốt, mất vệ sinh và cần phải sửa ngay khi trẻ còn nhỏ.

Mặc dù mọi người đều có lý do riêng của mình, nhưng ít ai hiểu được đằng sau của thói quen mút tay ở trẻ là có nguyên nhân.

Mút tay là thói quen đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình lớn lên của trẻ

Khi trẻ sơ sinh được 2-3 tháng tuổi, chúng bắt đầu hình thành thói quen mút tay, nhưng không phải lúc nào cũng có thể đưa tay vào một cách chính xác. Sau đó, trẻ càng lớn dần thì tần suất mút tay càng tăng lên, chúng dễ dàng phối hợp các động tác chuẩn xác hơn.

Sự khác biệt giữa trẻ thích mút tay và không mút tay hóa ra có liên quan mật thiết tới sự phát triển của não bộ - Ảnh 1.

Thói quen mút tay ở trẻ có nhiều lợi ích. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, thói quen mút tay của trẻ không hẳn là điều xấu, mà nó đánh dấu cột mốc phát triển quan trọng. Lý giải cho điều này có 2 nguyên nhân, đó là:

- Có sự phối hợp giữa tay và mắt ngày càng tốt hơn

Trẻ sơ sinh thường thích cào mặt hoặc đầu vì chúng chưa thể điều khiển một cách có chủ ý với đôi tay của mình. Nhưng khi trẻ có thể đưa ngón tay vào miệng một cách chính xác và nhanh chóng, điều này chứng tỏ chúng có khả năng điều khiển tay. Khi tay và mắt được phối hợp tốt với nhau, đương nhiên nó cũng chứng tỏ não bộ đang phát triển tốt.

- Thời kỳ miệng

Bác sĩ thần kinh và là nhà tâm lý học người Do Thái Sigmund Freud từng chỉ ra rằng, từ 0 đến 1 tuổi là "thời kỳ miệng" của trẻ sơ sinh. Điều này có nghĩa là trẻ hiểu biết về thế giới bên ngoài thông qua miệng, cụ thể là hành động mút và nhấm nháp.

Vào thời điểm này, trẻ không chỉ mút tay mà còn mút cả chân. Đây cũng là cách để trẻ có thể nhận biết cơ thể và tự bảo vệ mình.

Sự khác biệt giữa trẻ mút tay và không mút tay

Có rất nhiều lợi ích trong việc để trẻ thoải mái mút tay và đương nhiên nó cũng có sự khác biệt rõ ràng giữa 2 đứa trẻ mút và không mút tay.

- Trẻ mút tay có kỹ năng quản lý cảm xúc mạnh mẽ

Trước 2 tuổi là thời điểm quan trọng mà một đứa trẻ cần hình thành cảm giác gắn bó và an toàn. Nếu người mẹ không đáp ứng được nhu cầu này của trẻ, chúng sẽ trở nên dễ cáu kỉnh. Vậy nên, hành động mút tay là giải pháp giúp xoa dịu tâm trạng của trẻ. Khi thấy trẻ đang mút tay, nếu bố mẹ ngăn cản hành động này, trẻ sẽ dễ bực bội và khóc to.

Sự khác biệt giữa trẻ thích mút tay và không mút tay, hóa ra có liên quan mật thiết tới sự phát triển của não bộ - Ảnh 2.

- Trẻ mút tay có khả năng thích ứng mạnh mẽ

Khi được đưa đến một môi trường xa lạ, ngoài tính tò mò, trẻ còn có tâm lý bất an, cảm giác khó chịu này sẽ khiến trẻ sợ hãi và quấy khó. Lúc này, hành động mút tay có thể phần nào xoa dịu sự lo lắng của trẻ và cho phép chúng thích nghi với môi trường mới nhanh hơn.

- Trẻ mút tay có khả năng vận động tốt hơn

Khi trẻ được 2 tháng tuổi, chúng đã bắt đầu có nhận thức chủ động cầm nắm đồ vật, nhưng khả năng vẫn còn hạn chế. Từ 4 đến 8 tháng tuổi là lúc trẻ nắm đồ vật một cách hoàn hảo.

Quá trình cầm nắm đồ vật rất tốt cho sự phát triển não bộ, vì nó có sự phối hợp giữa tay và mắt. Mút tay chính là cách để phát triển khả năng cầm nắm đồ vật tốt hơn, trẻ có thể học hỏi nhanh hơn thông qua hành động này.

Sự khác biệt giữa trẻ thích mút tay và không mút tay hóa ra có liên quan mật thiết tới sự phát triển của não bộ - Ảnh 3.

Mặc dù thói quen mút tay có một số lợi ích cho trẻ, nhưng bố mẹ không nên để trẻ nghiện. (Ảnh minh họa)

Những điều cần chú ý khi trẻ nghiện mút tay và không bỏ được

Mặc dù thói quen mút tay có một số lợi ích cho trẻ, nhưng bố mẹ không nên để trẻ nghiện, nếu không sẽ không có lợi cho sự phát triển răng miệng sau này. Bố mẹ cần lưu ý một số điều sau:

- Không để trẻ mút tay khi ngủ

Ban ngày, trẻ mút tay không có vấn đề gì cả, nhưng nếu vẫn để trẻ mút tay khi ngủ vào ban đêm sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sự phát triển răng và cả ngón tay.

- Đừng cho trẻ ăn dặm quá trễ

Thời điểm cho trẻ ăn dặm không nên sớm trước 4 tháng tuổi và trễ sau 8 tháng tuổi, 6 tháng tuổi là thích hợp nhất. Vào lúc này, trẻ khám phá được nhiều hương vị khác nhau qua đường miệng, dần dần chúng sẽ không còn mút tay nữa.

- Chú ý vệ sinh tay và hạn chế thời gian mút tay đối với trẻ

Thời điểm nên giúp trẻ từ bỏ thói quen mút tay này là sau 1 tuổi, không để quá 2 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi không nhất thiết phải ép buộc trẻ từ bỏ thói quen này, chỉ cần đảm bảo vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên là được. Đặc biệt, sau 6 tháng, bố mẹ nên chuyển hướng sự chú ý của trẻ thông qua các trò chơi cầm nắm, từ từ trẻ sẽ không bị lệ thuộc vào việc mút tay nữa.

Nguồn: Sohu

Chia sẻ