Sơ cứu vết thương an toàn ở nhà cho bé
Một vài chỉ dẫn, mẹ hoàn toàn có thể tự xoay xở nếu chẳng may bé bị tai nạn đáng tiếc ở trong nhà. Nếu bé có bị chảy máu hay bầm tím, mẹ cũng không phải lo lắng!
Nếu bé bị bầm tím, sưng u
Chẳng may bé chạy nhảy và nghịch, bị u đầu, mẹ có thể dùng ngay nước lạnh hoặc đá lạnh để chườm cho con. Việc chườm này làm co mạch và các thớ cơ, ngăn chặn tình trạng xuất huyết, giảm sưng cho bé.
Mẹ nên dùng khăn sạch thấm nước lạnh hoặc dùng khăn “gói” đá vào bên trong, lăn qua lăn lại chỗ bé bị sưng để bé nhanh hết đau. Mẹ nên chườm cho bé nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau từ 1 – 2 tiếng. Mẹ có thể dán miếng Salonpas lên phần vết bị sưng u của bé, chỉ cần cắt miếng Salonpas bằng đúng với vết thương.
Mẹ cũng nhắc bé hạn chế cử động chỗ bị thương. Ví dụ như chân tay bị sưng, có thể đưa lên cao tránh máu bị dồn/tụ, bầm tím và cũng góp phần làm giảm đau.
Lưu ý: trước khi trườm đá lạnh cho bé, mẹ nên nói với bé để tránh bé bị lạnh đột ngột. Theo khuyến cáo của bác sỹ chuyên khoa, mẹ nên bỏ thói quen bôi dầu cao, dầu gió vào chỗ vết thương của bé. Vì sức nóng của các loại thuốc này có thể làm giãn mạnh, gây chảy máu.
Nếu mẹ thấy bé bị bàm tím, tụ máu quá rộng và căng tức, đau dồn quá mức, hoặc bé bị chấn thương, kèm theo hôn mê, co giật thì cần đưa bé đi khám ngay lập tức.
Bé bị chảy máu
Khi vết thương của bé đã cầm máu, mẹ dùng nước muối sinh lý để rửa vết thương cho con không bị nhiễm trùng. Nếu có những dị vật trong vết thương như mảnh thủy tinh, mảnh bát vỡ... mẹ nên lấy panh hoặc nhíp để lấy ra cho bé. Sau đó, dùng băng gạc sạch thấm sạch vết thương.
Sau khi đã cầm máu và rửa vết thương, mẹ có thể để hở vết thương của bé cho thoáng. Chỉ vết thương rộng, dễ bị nhiễm trùng mới cần dùng băng y tế băng lại. Còn không, chỉ cần băng cho bé băng Urgo là đủ. Sau đó cần theo dõi hàng ngày vết thương của bé.
Mẹ lưu ý: khi vết thương lên da non, bé dễ bị ngứa và hay gãi, mẹ cần nhắc bé xoa nhẹ chứ không gãi để vết thương nhanh lành. Mẹ không nên dùng xà phòng hoặc cồn, ôxy già để rửa vết thương cho bé. Vì những chất đó sẽ làm cho vết thương của bé sâu hơn và lâu lành hơn.
Cách tốt nhất để tránh cho bé khỏi bị bầm tím và xây xước, chảy máu, mẹ nên dặn bé cẩn thận khi chạy nhảy, đùa nghịch trong nhà. Tránh để những vật sắc nhọn hoặc vật dễ vỡ trong tầm tay với của bé.
Khi bé đã không may bị thương, không nên mắng mỏ làm bé sợ. Mẹ chỉ nên dặn dò, nhắc nhở bé: “Vì như thế, mà con bị như thế này. Lần sau con không nên làm thế này, thế kia nữa nhé”.