Sinh con dưới nước tại nhà có thực sự an toàn?

An Chi,
Chia sẻ

Các mẹ cần phải nắm được những lợi ích cũng như rủi ro khi quyết định sinh con dưới nước ngay tại nhà.

Phương pháp "sinh nở dưới nước" có lẽ không còn lạ lẫm với nhiều bà mẹ, khi mẹ bầu sẽ chào đón đứa con của mình trong một môi trường nước. Phương pháp này được biết đến với một số lợi ích nhất định, tuy nhiên cũng không thiếu những rủi ro tiềm ẩn. Để thực hiện phương pháp sinh nở này, mẹ bầu cần chuẩn bị kiến thức kỹ lưỡng và tinh thần phải thực sự vững vàng, và quan trọng không kém, cần có sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên nghiệp để đề phòng các tình huống nguy cấp có thể xuất hiện.

Những ngày gần đây, MXH xôn xao câu chuyện một mẹ bỉm tự khoe clip đẻ thường trong bể bơi bằng phao tại nhà. Việc này đã gây ra luồng tranh cãi gay gắt dư luận, hầu hết mọi người đều cho rằng việc tự sinh nở như vậy khi không có bác sĩ hay người có chuyên môn là vô cùng nguy hiểm. 

Nhiều mẹ bỉm cũng băn khoăn liệu có nên sinh con dưới nước tại nhà hay không, và nếu quyết định làm vậy thì cần phải chú ý những lợi ích cũng như rủi ro như thế nào? Tại sao một số mẹ bỉm hiện nay lại thích trải nghiệm này tới vậy?

Trải nghiệm sinh con dưới nước

1. Sinh con dưới nước là gì?

Phương pháp sinh nở dưới nước, còn được biết đến với việc sinh con tại nhà, ngày càng phổ biến ở những quốc gia phát triển vì nó có thể làm giảm cảm giác đau đớn và mang lại trải nghiệm dễ chịu hơn so với phương pháp sinh thường. Mẹ bầu hiện đại hoặc lần đầu tiên làm mẹ thường thích thú trước những hình ảnh và video về quá trình sinh nở này. 

Trong quá trình sinh nở, người mẹ sẽ nằm trong bồn tắm với nước nhiệt độ khoảng 33-35 độ C, mô phỏng môi trường âm đạo, giúp bé ra đời nhẹ nhàng, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho trẻ sơ sinh và làm giảm căng thẳng, áp lực cho người mẹ. 

Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng sinh nở dưới nước cần có chi phí đầu tư và phải được thực hiện dưới sự giám sát của các bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh có kinh nghiệm tại những cơ sở y tế đáng tin cậy hoặc bởi những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.

Sinh con dưới nước an toàn không

2. Lợi ích và rủi ro khi sinh con dưới nước

- Lợi ích

+ Sinh nở dưới nước mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái cho người mẹ, hỗ trợ việc di chuyển và thay đổi tư thế dễ dàng hơn. 

+ Nhờ độ nổi của nước, mẹ bầu có thể rặn mà không cần nỗ lực quá sức. Phương pháp này còn có ưu điểm là giảm nguy cơ cao huyết áp, làm giảm sự tiết hormone gây stress, tăng cường endorphin giúp giảm cảm giác đau. 

+ Ngâm mình trong nước cũng thúc đẩy sự lưu thông máu, giúp máu đến tử cung nhanh chóng, và oxy hóa đầy đủ cho em bé. Nó còn giảm thiểu nguy cơ bị rách ở tầng sinh môn do đáy chậu trở nên mềm mại và đàn hồi trong nước. 

+ Sinh nở dưới nước cũng giúp giảm bớt cảm giác sợ hãi và lo lắng cho các mẹ bầu.

+ Việc sinh nở dưới nước mang lại sự thích ứng tốt cho trẻ sơ sinh, nhờ vào một môi trường giống hệt như dịch ối, giảm đi sức ép từ ánh sáng và âm thanh đối với em bé. 

+ Mẹ bầu khi sinh trong nước cũng cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn, từ đó tạo nên một cảm giác an toàn cho bé.

- Rủi ro

+ Các chuyên gia nghiên cứu ở châu Âu nhận định rằng phương pháp sinh nở dưới nước có mức độ an toàn tương đương với sinh thường. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm hoi như trẻ sơ sinh có thể bị hít nước hoặc gặp vấn đề về hô hấp vẫn có thể xảy ra. 

+ Mẹ bầu cũng cần lưu ý tình trạng mất nước do ngâm mình quá lâu hoặc do nhiệt độ nước quá cao, việc duy trì nhiệt độ nước ở mức từ 33 đến 35 độ C là quan trọng. 

+ Thêm vào đó, việc dây rốn có thể bị đứt khi đưa trẻ lên khỏi mặt nước là một rủi ro cần được quan tâm đặc biệt. 

+ Mặc dù phương pháp này đã trở nên khá phổ biến ở các quốc gia phát triển, nhưng tại Việt Nam vẫn chưa có bệnh viện hay cơ sở y tế nào triển khai thực hiện.

Sinh con dưới nước tại nhà

3. Nếu quyết định sinh con dưới nước tại nhà, mẹ bầu cần phải làm gì?

- Nước trong bồn tắm cần có nhiệt độ tương đương với cơ thể mẹ, tức là khoảng 33-35 độ C, để giảm bớt co thắt và mang lại cảm giác dễ chịu cho lưng và xương chậu. Tuy nhiên, cần thận trọng để bé không hít phải nước khi lấy hơi lần đầu. 

- Bể tắm cũng cần đủ sâu để ngập bụng mẹ và phải được khử trùng, giữ gìn vệ sinh.

- Mẹ bầu nên lưu ý không nên vào bể quá sớm vì có thể gây giảm oxytocin, làm tăng thời gian chuyển dạ. Nếu cần, mẹ có thể rời bể và đi lại nhẹ nhàng để giảm bớt cảm giác đau đẻ.

- Những người mẹ có các vấn đề sức khỏe nhất định không được khuyến nghị sinh nở dưới nước.

4. Những mẹ bầu có tình trạng thế nào được khuyên không nên sinh con dưới nước?

Mặc dù phương pháp sinh nở dưới nước mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải tất cả mẹ bầu đều phù hợp với phương pháp này. Cụ thể, những đối tượng không nên lựa chọn sinh nở dưới nước bao gồm:

- Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi hoặc dưới 17 tuổi. 

- Những người mẹ gặp phải các vấn đề viêm nhiễm. 

- Phụ nữ mang thai đôi, thai ba, thai lớn bất thường hoặc có tình trạng thai ngược, sinh non và các trường hợp tương tự. 

- Mẹ bầu có các biến chứng như tiền sản giật, đái tháo đường và một số tình trạng y khoa khác.  

Chia sẻ