Sau buổi lễ Halloween ở trường, con tôi sinh tật sợ ma
Năm nay, tôi phản đối việc tổ chức Halloween tại trường học của con gái, vì cô bé vốn rất mạnh dạn bỗng sinh tật sợ ma sau buổi lễ Halloween ở trường năm ngoái.
Mấy hôm nay, lướt mạng xã hội, thấy giáo viên một số trường mầm non, tiểu học tư thục chia sẻ hình ảnh trang trí dịp Halloween, tôi lại giật mình như chim sợ cành cong, vì bản thân có trải nghiệm xấu về việc tổ chức Halloween theo phong cách ma quái, đáng sợ ở trường học. Đó cũng là lý do mà vừa rồi, trong nhóm Zalo của giáo viên và phụ huynh lớp con gái, tôi phản đối ngay khi ý tưởng tổ chức hội hóa trang Halloween được đề xuất.
Trường tiểu học của con tôi rất quan tâm đến việc tổ chức các sự kiện vui chơi giải trí cho các cháu. Không chỉ Trung thu, 1/6 mà vào nhiều dịp khác, trường cũng kết hợp với phụ huynh tạo ra các sân chơi cho trẻ, và Halloween là một cơ hội như vậy. Tuy đây là một nỗ lực của nhà trường và giáo viên muốn các cháu có thêm những hoạt động vui vẻ, buổi tiệc Halloween thực tế lại tạo thành "bóng ma tâm lý" cho cô con gái 7 tuổi của tôi.
Con tôi vốn không phải là đứa trẻ nhút nhát. Nhưng sau lần bị hù dọa bởi vài nhân vật hóa trang theo phong cách rùng rợn trong đêm tiệc ấy, cháu bỗng trở nên sợ ma, sợ quỷ. Hôm đó, con bé khóc hết nước mắt, dỗ kiểu gì cũng không ở lại chơi với các bạn mà nằng nặc đòi về. Từ đó về sau, cháu đâm ra sợ bóng tối, sợ góc khuất, mỗi lần đi qua lối rẽ hay góc tường thường thảng thốt ngó quanh như sợ có bóng ma nhảy ra... Vợ chồng tôi phải đưa con đến chuyên gia tâm lý một thời gian, nỗi sợ ấy mới dần phai nhạt.
Vì thế, dù bản thân thích tham gia các sự kiện vui vẻ như lễ hội hóa trang Halloween, tôi vẫn phản đối việc tổ chức lễ hội này trong trường học dưới bậc trung học phổ thông. Với tâm lý lứa tuổi các cháu, những hình ảnh mang tính ma quái, kinh dị - rất dễ tạo ra ảnh hưởng xấu.
Không phải vô cớ mà Halloween trở thành lễ hội truyền thống rất được coi trọng ở phương Tây; tuy nhiên khi du nhập Việt Nam, thứ được tiếp nhận nhiều nhất không phải ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu xa của nó mà chủ yếu là cái ngọn - những biểu hiện bề nổi. Đó là khía cạnh giải trí bằng hoạt động hóa trang nhấn mạnh yếu tố kinh dị, rùng rợn. Mọi người thường chỉ đơn giản là mua vui bằng cách cố gắng tìm ý tưởng hóa trang sao cho càng ấn tượng càng tốt.
Tuy nhiên, không phải trò vui nào cũng an toàn với trẻ em. Trong khi đó, các hoạt động vui chơi trong nhà trường cần được chọn lọc để tính giải trí đi cùng với giáo dục. Các màn hóa trang Halloween theo phong cách rùng rợn không có tác dụng gì về giáo dục, không đem lại bài học nào, ngược lại còn có thể xóa bỏ kết quả trước đó của thầy cô, cha mẹ trong việc dạy trẻ đừng sợ bóng tối hay chiến thắng những nỗi sợ vô căn cứ.
Các bộ phim kinh dị luôn giới hạn độ tuổi của khán giả. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, hình ảnh máu me, bạo lực có thể khiến trẻ bị khó ngủ, gặp ác mộng, sợ bóng tối, lo lắng, tăng cảm giác tổn thương; thậm chí gây sang chấn tâm lý đến cả khi trưởng thành.
Hai nhà nghiên cứu Harrison và Cantor của Đại học Wisconsin (Mỹ) đã khảo sát trên 150 sinh viên đại học về ảnh hưởng của việc xem phim kinh dị khi họ còn nhỏ. Kết quả là 25% số người tham gia trả lời rằng họ bị ám ảnh bởi những hình tượng kinh dị suốt một năm, thậm chí nhiều năm sau khi xem nội dung đó.
Ở tuổi mầm non, tiểu học, tâm hồn con trẻ nên được nuôi dưỡng bằng những hình ảnh đẹp đẽ, tươi sáng, đáng yêu, mang giá trị tích cực như cô tiên, công chúa, hoàng tử, anh hùng, siêu nhân thay cho những thế lực đen tối như ma cà rồng, xác ướp hay cô hồn, dã quỷ.
Thế giới người lớn thích chạy theo trào lưu, nhưng trường học lấy mục tiêu giáo dục làm đầu, không thể tùy tiện "đu trend".