Sao “con sâu” của bố lại chui vào bụng mẹ?
Sau khi được mẹ giải thích cách sinh em bé, bé Tũn đã dồn mẹ vào thế bí bằng 1 loạt câu hỏi: “Mẹ ơi sao bố lại có con sâu? Sao con sâu ấy chui vào bụng mẹ”.
1. Đang chơi đùa với mẹ, bé Tũn (5 tuổi) hỏi mẹ: “Mẹ ơi mẹ sinh con ra bằng cách nào?”. Mẹ Tũn rất vui vẻ giải thích với con: “Trong bụng mẹ có quả trứng, còn bố có "con sâu". Nếu mẹ muốn có em bé thì quả trứng ấy gặp "con sâu" của bố sẽ nở thành em bé, lớn dần trong bụng mẹ, 9 tháng sau em bé chui ra".
Tưởng thế là tạm được, ai dè đêm qua trước khi đi ngủ, Tũn hỏi: “Mẹ ơi sao bố lại có con sâu? Con sâu ấy nó thế nào? Sao lại chui vào bụng mẹ”. Bị hỏi đột ngột, mẹ cuống quá trả lời lung tung, đến nay chẳng nhớ nói gì nữa. Có lúc còn bảo: “Mẹ đùa đấy, em bé được con cò mang đến, nhà nào muốn có em bé thì xin với cò, cò thả vào trong bụng cho”. Nhưng xem ra Tũn không đồng tình với cách giải thích này của mẹ tí nào.
2. Còn mẹ bé Vika (3,5 tuổi) khi được con hỏi câu đó thì giải thích: “Mẹ đến bệnh viện, bác sĩ nhét quả trứng vào bụng mẹ”. Vika vặn vẹo: “Nhét thế nào?”, mẹ bảo: “Nhét qua rốn. Thế rồi mẹ ấp con/ mang bầu con, cũng như gà ấp trứng ấy. Đủ 9 tháng, mẹ đến bệnh viện để bác sĩ lấy con ra, cũng... qua đường rốn”. Mẹ thấy cô nàng có vẻ thích cách giải thích này. Sau này khi lớn lên, đã biết chính xác trẻ con được đẻ ra từ đâu, cô nàng cứ tự cười mình hồi bé mẹ nói thế mà cũng tin.
4. Ở độ tuổi này, trẻ đã ý thức được sự khác nhau về giới tính và bắt đầu quan tâm đến vai trò riêng của bố và mẹ trong việc tạo ra em bé. Đây là giai đoạn các bé gái và các bé trai bắt đầu chú ý và thích so sánh sự khác biệt về “chỗ ấy” của chúng với những trẻ khác. Đây cũng chính là độ tuổi trẻ thích chơi trò “làm bác sĩ”, hay “làm bố mẹ”. Chúng muốn tìm hiểu người ta làm thế nào để sinh ra em bé. Có hai câu hỏi bé rất quan tâm, đó là :
- Em bé đã vào bụng mẹ như thế nào?
- Mẹ sinh em bé bằng cách nào?
Tùy theo độ tuổi của con mà cha mẹ có những cách giải thích khác nhau sao cho con hiểu. Khi trẻ tầm 3-6 tuổi, các mẹ có thể nghĩ ra cách giải thích vui vui. Nhưng khi trẻ tầm 8 tuổi trở lên, các bé sẽ khó chấp nhận những cách giải thích đó mà thường yêu cầu câu trả lời “chính xác” hơn. Nhưng dù là bằng cách nào, thì cha mẹ cũng tránh nên cũng những từ ngữ quá thô để giải thích cho con.
Ví dụ, trẻ em thường tỏ ra ngạc nhiên tại sao em bé to như vậy lại có thể ra khỏi bụng mẹ. Để tránh mô tả quá chi tiết về "chỗ ấy", mẹ Vika gợi ý một kinh nghiệm đơn giản sau: Các mẹ có thể dùng một chiếc tất nhỏ, bỏ vào đó một củ khoai tây, hay quả táo, vừa khẽ đẩy quả táo ra dần khỏi chiếc tất, vừa giải thích cho bé hiểu rằng, cái lối mà em bé có thể chui ra đó có khả năng co giãn như chiếc tất, nên dù em bé có lớn, nó vẫn giãn đủ để em bé qua vừa như thế này.
Khi những câu hỏi của bé yêu cầu sự giải thích chính xác hơn từ bố mẹ, nếu không tìm được cách giải thích chính đáng và thấu đáo cho con hiểu, các mẹ có thể tìm đọc những cuốn sách hỏi đáp về tình yêu và giới tính để tham khảo, từ đó tìm cách giải thích hay nhất và dễ hiểu nhất cho con.