Săn “cu rồng” năm Nhâm Thìn

Theo PNO,
Chia sẻ

Trong khi các cán bộ dân số cố gắng tuyên truyền, ngăn chặn mức sinh cao và tỷ lệ chênh lệch giới tính thì nhiều ông bố, bà mẹ vẫn rục rịch kế hoạch săn “cu rồng” năm Nhâm Thìn.

Kẻ quyết người... liệt

Nhiều người vì mê con trai đã làm giàu cho các thầy bói, các bác sĩ hám lợi. Chưa biết họ có đạt được ý nguyện không, chỉ thấy trước mắt là tốn thời gian, công sức, tiền bạc, thậm chí vợ chồng xào xáo, bất hòa.

Tìm gặp một người tự xưng là “truyền nhân” trong chuyện cầu con trai, chị Hồng Phúc (25 tuổi, Q.3) cung cấp chi tiết ngày tháng năm sinh của hai vợ chồng để nhờ thầy xem ngày giờ “hành sự”. Thầy phán, vợ chồng phải gần nhau trong giờ Mùi (13g - 15g) ngày rằm tháng sau thì sang năm chắc chắn sẽ sinh được hoàng tử. Y lệnh, chị về hẹn “lịch giao ban” với chồng thì bị anh phản ứng kịch liệt. Anh chỉ muốn để mọi việc diễn ra tự nhiên, sinh trai cũng được mà gái cũng không sao. Dù vậy, chị vẫn nhất quyết phải kiếm được cu cậu vì các chị em ruột của chị đã sinh toàn con gái. 
 
Ngày rằm đến, chị Phúc nhắc chồng đầu giờ chiều phải về nhà để “câu rồng”. Chồng chị công việc lu bù nên chỉ trả lời “OK” cho qua. Đến giờ, chẳng thấy chồng đâu. Chị Phúc gọi điện nhắc nhở, chồng bực mình lớn tiếng: “Dẹp cái trò bói toán đi, trai gái gì chả được! Chừng nào xong việc mới về được chứ!”.

Bao công sức tìm thầy giỏi, rồi ăn uống cả tháng toàn thực phẩm dương tính, giờ phải đổ sông đổ biển vì chồng không hợp tác, chị ấm ức gọi chồng, vừa nói vừa khóc: “Chuyện gì quan trọng hơn chuyện sinh con chứ... Tôi không muốn sinh con gái để đời nó khổ như tôi, bị chồng xem thường, bỏ bê”. Đang bực mình lại nghe vợ khóc kể, chồng phang ngang: “Cô kiếm ai được thì đẻ con với người ta đi”. Chị tức nghẹn không nói nên lời. Huốt giờ Mùi, chị lại tìm thầy hỏi “phương án hai”. Thầy phán: “làm việc” giờ Hợi (21g - 23g) ngày rằm cũng có khả năng đẻ con trai. Chị hí hửng chờ đợi. Nửa đêm, anh về nhà, người hôi như hũ hèm, đặt lưng xuống là ngáy như sấm, bất kể vợ muốn gì.

Cầm trịch trong việc kiếm con trai không phải lúc nào cũng do các bà vợ. Là đàn ông, lại tốt nghiệp trung cấp ngành điện nhưng anh Minh Hưng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) còn rất nặng cách nghĩ cổ hủ. Khao khát kiếm con trai nối dõi tông đường khiến anh luôn dòm ngó, lượm lặt những phương pháp săn “rồng đực” bằng mọi giá. Anh chị đã có một cô con gái bốn tuổi khỏe mạnh, xinh xắn, chị thấy không nhất thiết phải sinh thêm mà nên dồn sức lo cho con ăn học; anh lại muốn chị phải sinh đến khi nào được con trai. Theo anh và gia đình anh, sinh được con trai vào năm Nhâm là cực tốt, không được bỏ lỡ cơ hội.

Vì thế, mấy tháng qua, chị hết sức mệt mỏi vì bị anh bắt áp dụng những biện pháp rắc rối, mà hiệu quả chẳng biết thế nào. Nhiều tháng “câu rồng” không dính có phần vì chị bị stress bởi những trò can thiệp thô bạo của chồng. Có lúc chị đang chăm sóc cho mẹ ở bệnh viện, anh giật một giật hai gọi về. Anh bắt chị phải ăn mãi những dạng thực phẩm này, cấm kỵ nhóm thực phẩm khác.

Chị bị cao huyết áp nhưng anh vẫn bắt phải ăn nhiều muối, không được ăn chua vì ăn chua sẽ tiếp tục tòi ra một "vịt trời". Anh không chỉ kéo vợ đi siêu âm, dùng que thử nước tiểu, uống thuốc kích rụng trứng mà còn áp dụng những kiểu quan hệ dị hợm (vì nghe có người nói làm vậy thì dễ đậu con trai). Đến màn anh đòi bơm một thứ dung dịch gì đấy vào vùng kín của chị trước lúc “hành sự” thì chị nhất định không chấp nhận. Chiến tranh nổ ra ngay trên giường. Bực chồng lạc hậu, ấu trĩ, chị ôm con gái bỏ về nhà mẹ ruột.

"Rồng" kém chất lượng

Con tôi là trai hay gái vậy bác sĩ?” là câu hỏi mà hầu hết các bà mẹ đặt ra khi còn chưa kịp xuống khỏi giường siêu âm thai. Ngoài cửa phòng siêu âm, ông chồng hoặc bà nội, bà ngoại cũng lấp ló, thập thò để nghe xem con cháu mình là công chúa hay hoàng tử. Nhiều bác sĩ không hiểu nổi tại sao các bà mẹ và gia đình lại chỉ chăm chăm vào mỗi “bộ phận ấy” của thai nhi, trong khi tình trạng sức khỏe của mẹ và con thì chỉ là mối quan tâm… phụ. Lẽ ra, câu hỏi nên đặt ra trước phải là: “Cái thai có khỏe không, có lành lặn không?”.
Ảnh minh họa

Dù pháp luật cấm tiết lộ giới tính thai nhi nhưng không ít bác sĩ vẫn “xé rào” vì sản phụ và gia đình cứ nôn nóng đòi biết. Điều này thể hiện tâm lý phân biệt giới tính còn tồn tại trong nhiều gia đình. Đa số các bà vợ, ông chồng thường chỉ muốn sinh con trai đầu lòng cho chắc ăn hoặc phải “có nếp có tẻ” mới xong nhiệm vụ. Nếu chỉ dừng ở mong muốn khao khát thì không có gì đáng nói, đàng này có những người còn nhẫn tâm phá bỏ khi biết bào thai có giới tính trái ý muốn của mình.

Vợ anh Hưng giải thích cho sự phản đối của mình khi chồng ép đẻ “rồng đực”: “Tôi rất dị ứng những can thiệp để chọn lựa giới tính thai nhi vì tôi nghĩ trai - gái không quan trọng, miễn là con khỏe, mẹ khỏe. Thử hỏi, khi mình ốm đau, chắc gì con gái đã thua kém con trai trong việc lo lắng, chăm sóc? Tôi từng chứng kiến một chị đồng nghiệp sau khi siêu âm biết thai là gái đã nạo bỏ, dẫn đến vô sinh. Chị hy vọng sẽ có được con trai ở “mùa sau”, nhưng sau đó phải điều trị tốn mấy trăm triệu đồng mà vẫn chưa đậu thai”.

Bác sĩ Đặng Phi Yến (Quyền Trưởng phòng Truyền thông - giáo dục, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM) khẳng định: “Hiện nay chưa có kỹ thuật nào hiệu quả, chính xác để sinh con trai hay con gái. Khi mang thai, sản phụ chỉ nên quan tâm cách nào để làm mẹ an toàn. Các chị nên khám sức khỏe, tiêm ngừa một số bệnh truyền nhiễm, có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng phù hợp… Hãy để quá trình sinh đẻ diễn ra một cách tự nhiên. Tuyệt đối không nên có sự can thiệp nào về giới tính của thai nhi”.

Bác sĩ Yến cho biết, theo số liệu thống kê sáu tháng đầu năm 2011 của Chi cục, tỷ số giới tính ở trẻ mới sinh tại TP.HCM là 109 nam/100 nữ (cao hơn tỷ lệ cân bằng bình thường là 103 - 107 nam/100 nữ). Dự kiến với đà mất cân bằng giới tính này thì 20 - 30 năm sau, sẽ có hai – ba triệu người đàn ông Việt bị ế vợ, xã hội sẽ nảy sinh nhiều hậu quả xấu.

Ý định ban đầu là gặp bác sĩ để hỏi cách sinh con trai, nhưng sau khi tham dự những buổi truyền thông, vợ chồng chị Thu Lan (38 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM) đã nghĩ đến việc hoãn hoặc hủy kế hoạch sinh con. Lập gia đình muộn, chị sinh con gái đầu lòng năm 2010. Mới đây, chị phát hiện mình bệnh tim, kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng chật vật. Tuy vậy, vợ chồng chị vẫn nuôi ý định “bắt rồng”. Tiếp cận nhiều trường hợp bé sơ sinh èo uột do mẹ lớn tuổi, sức khỏe kém, chị Lan sợ rồi con mình sinh ra cũng sẽ khó nuôi. Cân nhắc nhiều chiều, chị Lan chia sẻ: “Ham con thì vẫn ham nhưng mình phải nén lại, không được suy nghĩ ích kỷ. Cha mẹ phải vì con. Nếu mình sinh con ra yếu đuối, không nuôi dạy tốt thì lớn lên nó cũng đâu sung sướng gì. Là “rồng” đấy, nhưng bay không nổi thì khổ!”.

Chia sẻ