Răng sún - cột mốc quan trọng của tuổi thơ

,
Chia sẻ

"Dì ơi, con bị sún răng rồi"! Chỉ là những con chữ vô tri mà tưởng như có thể nghe được giọng nói, nhìn được nét mặt, hiểu được cảm giác... của cô nhóc sún răng.

Không thể nào nhịn cười được, bấm số gọi ngược lại. Ở đầu kia, "đương sự" mắc cỡ trình báo sự việc, giọng nói trong điện thoại cũng hơi khác. Cũng có thể vì răng rụng còn đau. Mà cũng có thể vì người ta đang mắc cỡ. Mà cũng có thể vì cái lỗ hổng ở hàm dưới làm tiếng nói người ta bị biến dạng đi chút xíu.

"Người lớn" 6 tuổi

Khác với mọi lần hay luyên thuyên, cái người bị sún răng hôm nay nói có mấy câu rồi "dì nói chuyện với mẹ con nghen", xong chạy mất tiêu. Ở đâu đây bên kia, mẹ nó cười ngặt nghẽo, nói không nghe được câu nào. Toàn là "Nó mất một cái răng, giờ nhìn cái mắt buồn cười lắm"... Trời ơi, mẹ gì kỳ quá. Lại còn thêm cậu út, cũng giành lấy cái điện thoại mà cười như nắc nẻ. "Chị ơi, bé Hân bị sún răng rồi...". Cả nhà loạn hết cả lên, xôn xao người nọ kể cho người kia.

Tội nghiệp quá, hồi chiều đang chơi, vẫn quen thói lấy lưỡi đá qua đá lại cái răng lung lay để nghịch, bỗng cái răng rời đánh phựt một cái ra, chắc là hoảng lắm. Bây giờ, mọi người cứ trêu cười như thế thì lại mắc cỡ, từ chiều đến giờ chẳng dám nói chuyện với ai, toàn là bụm miệng, che tay với lại chạy trốn, đến giọng nói cũng chẳng được tự nhiên.
 
Ảnh minh họa.
 
Bỗng nhiên lại nhớ, mình ngày xưa cũng từng sún răng. Nếu nói theo cách nói "mỗi người lớn đều từng là một đứa trẻ" thì đúng là ai mà không từng trải qua những kỷ niệm... Không có răng. Cho nên dù buồn cười đến mấy, vẫn cố nín hơi để cho giọng nói được nghiêm túc mà gọi điện lại lần nữa cho cô bé sún răng 6 tuổi kia để an ủi: "Hân rụng 1 cái răng nhìn chắc xinh lắm nhỉ! Dì thích nhìn con nít sún răng lắm, trông yêu ơi là yêu. Nếu bây giờ đang ở nhà, dì cũng muốn ngắm cái hàm răng sún của Hân nữa. Trẻ con sún răng nhìn rất dễ thương. Dì nói thiệt đấy!".

Cột mốc quan trọng của tuổi thơ

Răng sữa lung lay và rụng để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn - đối với các bé, đây là giai đoạn rất quan trọng, một "cột mốc lịch sử" đáng tự hào. Các bé thường hãnh diện khoe với bạn bè sự kiện này (dù ngoài mặt cũng tỏ ra mắc cỡ, nhất là khi vị trí rơi rụng là răng cửa), bé cảm thấy mình lớn hơn, không còn là những em bé với những cái răng sữa nhỏ xiu xiu nữa.

Thông thường, thứ tự thay răng sẽ tương tự như lúc bé mọc răng sữa chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Thế nên khi bé đang trong giai đoạn mọc răng, người mẹ hãy ghi lại thứ tự mọc, đến khi bé thay răng, mẹ có thể đoán thứ tự rụng của những chiếc răng sữa này, xác suất đúng tương đối cao. Bắt đầu là răng cửa, răng nanh và cuối cùng là răng hàm. Đầu tiên 2 răng cửa hàm dưới sẽ được thay trước, tiếp đó là 2 chiếc răng cửa của hàm trên và những chiếc răng kế tiếp.

Răng sữa sau một thời gian lung lay thường sẽ tự rụng, những tai nạn nho nhỏ như răng rụng khi đang nhai thức ăn hay thậm chí nuốt răng thỉnh thoảng vẫn xảy ra hầu hết các trường hợp đều không để lại hậu quả khá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp những cái răng "cứng đầu", lung lay mãi mà nhất định không chịu rụng, xử lý thế nào đây? Trước tiên, phải lưu ý là các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên dùng dây chỉ để tự nhổ răng cho bé tại nhà. Việc làm này sẽ dễ gây chảy máu nướu răng và tạo một vết thương hở ở nướu răng, thêm vào đó, việc đưa tay vào miệng bé sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn từ tay bé hay mẹ sẽ dễ xâm nhập vào vết thương này, khả năng gây ra tình trạng nhiễm trùng rất cao, đặc biệt là nhiễm khuẩn uốn ván. Ngoài ra, nếu bé có một số bệnh về máu như bệnh máu không đông... thì rất dễ sinh ra tai biến rất nguy hiểm từ việc tự nhổ răng lung lay.
 

Việc chăm sóc răng bé trong trong thời điểm thay răng là điều rất cần thiết và quan trọng, bởi những chiếc răng mới mọc lên này sẽ "đồng hành" cùng bé yêu trong cả quãng đời về sau. Khi bước vào giai đoạn thay răng, trẻ thường cảm thấy khó chịu do lợi bị đau, chảy máu, và cảm giác trống trải, thiếu hụt của chiếc răng đã bị thay đi. Điều này cũng gây nên cho trẻ cảm giác không thoải mái trong khi bé nhai thức ăn, hay nói chuyện.

Phụ huynh nên cho bé đến khám tại phòng khám răng hàm mặt ngay khi răng bắt đầu có dấu hiệu lung lay Bé sẽ được các bác sỹ chọn lựa cách xử trí thích hợp, hoặc nhổ ngay hoặc tiếp tục chờ đợi. Đặc biệt, nếu răng vĩnh viễn đang chồi lên có vị trí kẹt thì đôi khi các chuyên gia sẽ cho chỉ định nhổ hoặc mài bớt cạnh cửa răng sữa lân cận để răng vĩnh viễn dễ dàng mọc lên đúng vị trí.

Nếu việc thay răng sữa diễn ra quá trễ thì có thể sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của bé. Đôi khi răng vĩnh viễn sẽ lách ra hướng khác mọc lên và kết quả là sẽ mọc theo hướng lệch đi, làm xấu về mặt thẩm mỹ cũng như không phát huy được tác dụng ăn nhai của răng. Nếu một răng sữa nào đó đã qá tuổi thay mà vẫn chưa có dấu hiệu lung lay, hoặc răng sữa nhổ đã lâu mà không thấy răng vĩnh viễn thay thế mọc lên thì mẹ cho bé đến gặp nha sỹ.

Thông thường, chỉ cần quan sát biểu hiện của vùng nướu, các bác sỹ sẽ dễ dàng kết luận là răng vĩnh viễn đang mọc hoặc sẽ mọc. Đôi khi, các bác sỹ có thể yêu cầu chụp Xquang để sớm xác định có hay không sự hiện diện của mầm răng vĩnh viễn trong xương hàm của bé. Khi chiếc răng sữa đầu tiên rụng xuống, có thể cả bé và cha mẹ đều thấy lạ, thấy buồn cười hay mắc cỡ. Nhưng rồi răng nọ rụng đi răng khác mọc lên, quãng thời gian thay răng của trẻ sẽ qua rất nhanh.

Trẻ sẽ trưởng thành, sẽ là "người lớn". Và những mắc cỡ ngày hôm qua, rồi bé sẽ quên, nhưng có thể bố mẹ và ông bà, cô dì sẽ nhớ. Vì đây là một ngày rất đặc biệt, ngày em bé của cả nhà sún cái răng đầu tiên. Và nhớ cả một lời mếu máo thảm thiết qua điện thoại: "Dì ơi, con sún răng rồi"!!!

Theo Tiêu Dùng

Chia sẻ