Quy trình CAT - bí mật giúp cha mẹ Do Thái tạo ra những đứa trẻ thông minh

Thân Nguyễn,
Chia sẻ

Theo tiến sĩ Kim, bí mật của người Do Thái khiến họ thành công hơn các dân tộc khác là bởi họ có một quy trình sáng tạo. Quy trình này được gọi là CAT.

Nobel là giải thưởng cao nhất cho sự sáng tạo. Mặc dù chỉ chiếm ít hơn 0,2% dân số thế giới, nhưng người Do Thái lại chiếm đến 23% số giải thưởng Nobel. Tại sao lại thế? Vì họ có chỉ số IQ cao chăng?

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Kim, một giáo sư từng đoạt giải thưởng về Đổi mới & Sáng tạo thuộc trường Đại học William & Mary, Mỹ đã cho thấy chỉ số IQ của người Do Thái và những dân tộc khác là tương đương nhau. Như vậy có nghĩa là họ giỏi hơn không phải vì họ thông minh hơn. Mà theo tiến sĩ Kim điều làm cho người Do Thái thành công hơn các dân tộc khác bởi họ có một quy trình sáng tạo. Quy trình này được gọi là CAT. Trong đó, C là “cultivate creative Climates” (ươm mầm sáng tạo),  A là “nurture creative Attitudes” (nuôi dưỡng thái độ sáng tạo) và T là “develop creative Thinking skills” (phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo).

Ươm mầm sáng tạo

Trong quy trình CAT, cha mẹ Do Thái ưu tiên bước đầu tiên là ươm mầm sáng tạo vì họ hiểu rằng đây là giai đoạn quan trọng nhất, nó là nền móng để nuôi dưỡng thái độ sáng tạo và kỹ năng tư duy của trẻ. Cha mẹ Do Thái thực hiện ươm mầm bằng cách thiết lập những kỳ vọng cao và cung cấp những thách thức đối với con của họ bao gồm cả phản hồi trung thực, phản biện tàn nhẫn cùng những mong muốn rõ ràng cụ thể. 

Cha mẹ Do Thái đòi hỏi trẻ phải đạt được những điều như độc lập, tự tin, biết đâu là điểm mạnh của bản thân, có khả năng phục hồi nhanh, và biết chấp nhận thất bại. Hơn nữa, mỗi khi gặp một chuyện gì đó rắc rối thì trẻ em Do Thái phải biết cách biến nó thành một cuộc vận động, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. 

Cha mẹ Do Thái thiết lập những kỳ vọng cao và cung cấp những thách thức để trẻ độc lập, tự tin, biết đâu là điểm mạnh của bản thân, có khả năng phục hồi nhanh, và biết chấp nhận thất bại.

Nuôi dưỡng thái độ sáng tạo

Cha mẹ Do Thái kết hợp với nhà trường, thầy cô cùng nuôi dưỡng thái độ sáng tạo của trẻ: cởi mở, vui vẻ, khéo léo, kiến thức rộng bằng cách cho trẻ tiếp xúc với nhiều lĩnh vực khác nhau và truyền cho trẻ nhiều kinh nghiệm phong phú. Những “nguồn tài nguyên” mà trẻ Do Thái được học bao gồm các dân tộc khác nhau, các nền văn hóa, các khu vực địa lý, ngôn ngữ, tôn giáo, và nghệ thuật. Những kiến thức này mở ra cho trẻ những quan điểm, ý tưởng từ đó làm tăng kỹ năng tư duy sáng tạo. Trong khi truyền cho trẻ các giá trị văn hóa, cha mẹ Do Thái và các thầy cô nuôi dưỡng bản sắc dân tộc bằng cách dạy trẻ về những điểm tương đồng và khác biệt giữa các các nền văn hóa để hiểu và thêm yêu dân tộc của mình.

Trẻ em Do Thái được truyền thụ nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực khác nhau: văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc, địa lý, tôn giáo và nghệ thuật.

Phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo

Bằng cách cung cấp cho trẻ nguồn cảm hứng, khơi gợi tính tò mò và khuyến khích trẻ tìm hiểu là phương pháp cha mẹ Do Thái phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo của trẻ. Trẻ em Do Thái sẽ có thời gian tự do, được ở trong phòng một mình để suy nghĩ về sở thích, về điều trẻ quan tâm, suy nghĩ tại sao sự việc đó lại xảy ra và đưa ra lập luận riêng của mình. Trẻ có thể đọc sách để chắc chắn những suy nghĩ và lập luận của mình là có căn cứ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của tiến sĩ Kim cũng cho thấy rằng các gia đình Do Thái rất hay làm từ thiện. Cho dù bản thân họ giàu hay nghèo thì việc làm từ thiện như một thói quen của mỗi gia đình. Cha mẹ Do Thái muốn thông qua việc này giúp trẻ có thái độ lạc quan, biết yêu thương người khác và sống từ bi – đó là những yếu tố quan trọng cho sự đổi mới và sáng tạo.

Chia sẻ