Quan sát người Mỹ dạy "mẫu giáo lớn"

,
Chia sẻ

Thạc sỹ Phạm Thị Thu Hiền (từng là giáo viên Văn của trường Nguyễn Tất Thành - ĐHSP Hà Nội) đã chia sẻ những quan sát của mình về cách người Mỹ dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Trong nhiều năm gần đây, ở thành phố, thị xã, trẻ đã được học viết chữ, làm toán trước khi vào lớp 1. Phần lớn việc "học trước" này là ở bên ngoài nhà trường, sau đó khi chính thức vào lớp 1, các em học lại từ đầu. Nhiều nơi, cùng vào lớp 1, nhưng có những em đã đọc thông, viết thạo, song cũng có nhiều em chưa biết mặt các chữ cái, con số.

Vì thế, tình trạng lộn xộn và chênh lệch về nhận thức đã xảy ra trong lớp học đầu đời của trẻ.

Từ Mỹ, thạc sỹ Phạm Thị Thu Hiền (từng là giáo viên Văn của trường THPT Nguyễn Tất Thành - ĐHSP Hà Nội) đã chia sẻ những quan sát của mình về cách mà người Mỹ dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Quan sát người Mỹ dạy lớp mẫu giáo lớn

Ở Mỹ, mỗi bang có một Uỷ ban Giáo dục (UBGD) riêng. Một trong những nhiệm vụ của UBGD là đưa ra "những yêu cầu cần đạt" (còn gọi là "chuẩn" kiến thức và kĩ năng) đối với học sinh (HS) ở từng môn học, tại những khối lớp cụ thể trong các trường công lập. Dựa vào "những yêu cầu cần đạt" đó, các trường và giáo viên (GV) soạn bài học cụ thể cho HS.

Mỹ có 13 khối lớp (grade) phổ thông, bao gồm cả lớp mẫu giáo lớn (gọi là Kindergarten), và lớp 1 đến lớp 12. Đối với lớp mẫu giáo lớn, tương đương lớp 5 tuổi ở Việt Nam, UBGD cũng đưa ra "những yêu cầu cần đạt". Chẳng hạn tại California, bang có nền giáo dục rất phát triển, SGK mà các trường công lập sử dụng và những bài kiểm tra mà giáo viên đưa ra đều dựa trên những “chuẩn” đó.

Những chuyên gia hoạch định chiến lược, những nhà nghiên cứu, nhà giáo dục cho rằng “chuẩn” của bang California nằm trong số các “chuẩn” mang tính chặt chẽ và cao nhất so với cả nước, hết sức tích cực với nền giáo dục quốc gia.

Xin trích ra những “chuẩn” đối với lớp mẫu giáo lớn ở các trường công lập của bang này, cụ thể:

1. Đối với môn Tiếng Anh – ngôn ngữ nghệ thuật (tương đương với môn Tiếng Việt ở Việt Nam), HS cần đạt được những yêu cầu sau:

Về kĩ năng đọc:

- Biết được các chữ cái, các từ và âm thanh của chúng. Vận dụng các kiến thức này để đọc các câu đơn giản.

- Khái niệm về in ấn: Nhận biết được bìa trước, bìa sau và trang tiêu đề, trang viết lời tựa của một cuốn sách; Theo dõi được từ ngữ trong một trang giấy in từ trái sang phải, từ trên xuống dưới; Hiểu được rằng những kí hiệu được in ra là để cung cấp thông tin;  Nhận biết được các câu trong bản in được tạo thành từ những từ riêng biệt; Phân biệt được các chữ cái với các từ; Nhận biết và gọi tên được tất cả những chữ viết hoa và viết thường trong bảng chữ cái.

- Nhận biết âm vị:  Biết nối âm và biểu thị đúng ngữ điệu, thay đổi giọng điệu; sắp xếp được 2 hoặc 3 nhóm âm vị; Biết kết hợp các phụ âm và nguyên âm trong khi nói để tạo nên các từ hoặc âm tiết; Nhận biết và tạo được những từ ngữ có vần điệu trong câu trả lời ngay tức khắc; Nhận biết được các từ đơn âm tiết và phân biệt được âm đầu, âm cuối; Nghe được sự nối âm giữa các từ trong câu và các âm tiết trong một từ; Đếm được các tiếng trong các âm tiết và các âm tiết trong các từ.

- Giải mã và nhận biết từ: Chỉ ra tất cả những phụ âm và nguyên âm ngắn tương ứng với các chữ cái thích hợp; Đọc được những từ đơn âm tiết đơn giản và những từ thông dụng; Hiểu được rằng khi thay đổi các chữ cái trong từ thì âm thanh cũng sẽ thay đổi.

- Từ vựng và sự trình bày khái niệm: Nhận biết và lựa chọn được các từ hay dùng trong các phạm trù cơ bản (như màu sắc, hình khối, thức ăn…); Mô tả được các đồ vật và sự kiện đơn giản bằng ngôn ngữ chung (ngôn ngữ sinh hoạt) và ngôn ngữ riêng (ngôn ngữ đặc trưng cho từng loại).

- Đọc hiểu: HS nhận biết được các sự việc căn bản, các ý kiến về những vấn đề mà HS đọc, nghe hoặc nhìn thấy. HS biết vận dụng nhiều cách thức để hiểu vấn đề (ví dụ như: đặt và trả lời các câu hỏi; so sánh những cái mới với cái đã biết…)

Ngoài ra, HS cần nắm được vị trí của tiêu đề, mục lục, tên tác giả, tên người vẽ tranh minh họa; Sử dụng tranh vẽ và ngữ cảnh để dự đoán nội dung câu chuyện; Liên hệ nội dung của văn bản với đời sống thực tế của bản thân; Kể lại những câu chuyện về gia đình; Đặt và trả lời những câu hỏi về nội dung chính của văn bản được đọc.

- Phản hồi và phân tích văn học: Nghe, phân tích các câu chuyện thông qua việc trao đổi về các nhân vật chính, chủ đề, tình tiết, không gian – thời gian…; Phân biệt được các yếu tố hư cấu, các yếu tố hiện thực trong văn bản; Nhận biết được các loại hình in ấn phổ biến như sách, truyện, thơ, báo chí, chữ kí, nhãn hiệu...; Nhận biết được các nhân vật, bối cảnh, sự kiện quan trọng.

Về kĩ năng viết

HS viết được các từ và những câu ngắn, dễ đọc.

- Dùng các chữ cái và các từ để viết về những kinh nghiệm, những câu chuyện, những con người, những đồ vật, những sự kiện...

- Viết các từ có cấu trúc: phụ âm - nguyên âm - phụ âm.

- Viết theo hướng từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

- Viết các chữ cái hoa và các chữ cái thường một cách độc lập và sắp xếp chúng theo thứ tự trong bảng chữ cái,  hoặc sắp xếp chúng thành từng bộ thích hợp (Aa, Bb…)

Những quy ước về viết và nói tiếng Anh

- Nhận biết và sử dụng các câu hoàn chỉnh, mạch lạc trong khi nói.

- Đánh vần rõ ràng bằng cách vận dụng sự hiểu biết về ngữ âm cho trước, âm thanh của các chữ cái và sự hiểu biết về tên của chúng.

Về kĩ năng nghe và nói

- HS nghe và biết trả lời. Bên cạnh đó, có thể nói được những câu rõ ràng, mạch lạc.

- Hiểu và theo kịp những chỉ dẫn bằng lời nói.

- Chia sẻ những thông tin và ý tưởng, thể hiện ra bằng những câu nói hoàn chỉnh, mạch lạc.

- HS  trình bày những kinh nghiệm, sở thích… của mình một cách ngắn gọn, trôi chảy. Tập trung vào thực hành nói về miêu tả người, cảnh vật, đồ vật (kích thước, màu sắc, hình dạng…), hoạt động, nơi ở…

- Học thuộc những bài thơ ngắn, những giai điệu và bài hát.

- Kể lại một kinh nghiệm hoặc sáng tác một câu chuyện có cốt truyện chặt chẽ. 

2. Đối với môn Toán

Đến cuối lớp mẫu giáo lớn, HS cần nắm được các chữ số nhỏ, số lượng, các hình đơn giản có ở xung quanh. HS biết đếm, so sánh, miêu tả và sắp xếp các đồ vật; nắm được các tri thức về các tính chất và các mô hình, kiểu mẫu.

Về số học

-  Thứ nhất, HS hiểu được mối quan hệ giữa các con số và số lượng (ví dụ: một nhóm các đồ vật có cùng số lượng trong các tình huống khác nhau không kể đến vị trí và sự sắp xếp của chúng).
Theo đó, HS có thể:

+ So sánh hai tập hợp đồ vật trở lên (nhiều nhất là 10 đồ vật trong mỗi nhóm) và nhận ra tập hợp nào bằng, nhiều hơn hoặc ít hơn tập hợp khác.

+ Đếm, nhận biết, miêu tả, gọi tên và sắp xếp các đồ vật (nhiều nhất là 30).

+ Hiểu được rằng các số lớn hơn miêu tả các tập hợp có nhiều đồ vật ở trong đó hơn các số nhỏ.

- Thứ hai, HS hiểu và miêu tả các phép cộng và phép trừ đơn giản:

Sử dụng các đồ vật cụ thể để xác định câu trả lời cho các phép cộng hoặc trừ với hai con số nhỏ hơn 10.

- Thứ ba, sử dụng các chiến lược đánh giá trong sự tính toán và giải bài tập liên quan đến các số có hàng đơn vị và hàng chục (số có 2 chữ số).

Nhận biết khi nào thì một đánh giá được coi là hợp lí.

Về đại số và hàm số

HS có thể nhận biết, sắp xếp và phân loại đồ vật dựa vào thuộc tính và nhận ra các đồ vật không thuộc về một nhóm nào đó (ví dụ: những quả bóng này màu xanh, những quả kia màu đỏ).

Về đo đạc, hình học


HS nắm được các khái niệm về thời gian và các đơn vị đo thời gian; hiểu rằng các đồ vật có các tính chất như chiều dài, khối lượng, thể tích và sự so sánh có thể được tạo nên bằng cách đề cập đến các tính chất ấy.

Chẳng hạn:

+ So sánh chiều dài, khối lượng, thể tích của các vật bằng cách so sánh trực tiếp với các vật được mang ra làm "chuẩn" (chẳng hạn: chú ý đến các vật ngắn hơn, dài hơn, cao hơn, thấp hơn, nhẹ hơn, nặng hơn hoặc chứa được nhiều hơn).

+ Chứng tỏ sự hiểu biết về khái niệm thời gian (sáng, chiều, tối, hôm nay, hôm qua, ngày mai, tuần, năm) và các dụng cụ đo thời gian (đồng hồ, lịch).

+ Đọc tên các ngày của một tuần.

+ Nhận biết thời gian (giờ tiếp theo gần nhất) của các sự kiện hàng ngày (như: bữa ăn trưa vào lúc 12h, giờ đi ngủ là 8h tối).

Ngoài ra, HS nhận biết các đồ vật quen thuộc ở xung quanh và miêu tả các đặc điểm hình dạng như: nhận ra và miêu tả hình dáng của các đồ vật quen thuộc (như: hình tròn, hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình lập phương, hình cầu, hình nón); So sánh các hình phẳng và các hình khối quen thuộc dựa vào các đặc tính phổ biến như: vị trí, hình dạng, kích thước, độ tròn, số góc...

Về thống kê, phân tích dữ liệu và xác suất


HS có thể thu thập thông tin về các đồ vật và các sự kiện trong môi trường xung quanh bằng cách: đưa ra các câu hỏi thu thập dữ liệu, ghi các kết quả bằng cách sử dụng các đồ vật, tranh ảnh, đồ thị...

Đồng thời, nhận biết, miêu tả, mở rộng các mẫu đơn giản (như: hình tròn hay hình tam giác...) bằng cách đề cập đến hình dạng, kích thước, màu sắc của nó.

Về suy luận toán học


HS cần biết làm thế nào để thiết lập một bài toán. Ví dụ như: xác định cách tiếp cận tài liệu, chiến thuật sẽ được sử dụng; Sử dụng các công cụ và chiến lược như: vẽ sơ đồ để mô tả bài tập.

HS cũng biết giải bài tập theo những cách hợp lí và bảo vệ lập luận đó. Đó là: giải thích các lập luận, sử dụng các đồ vật cụ thể hoặc các biểu diễn hình học; giải các phép toán một cách chính xác và kiểm tra tính hợp lí của kết quả.
 
* Đón đọc kì 2: Nên dạy trước cho trẻ
Theo Vietnamnet
Chia sẻ