Quá gần gũi con cũng gây bi kịch

,
Chia sẻ

Không có gì lạ khi người mẹ cưng cậu con trai nhất, hoặc người bố coi con gái là hạt ngọc quý. Nhưng tai họa có thể xảy ra nếu bạn bất cẩn, suồng sã trong những cử chỉ hằng ngày, hoặc gần gũi, chăm sóc con thái quá.

Đã nhiều người cầu cứu chuyên gia tâm lý khi con họ có biểu hiện tình cảm không bình thường với người sinh ra hay nuôi dưỡng, chăm sóc mình, chẳng hạn một chàng trai không thể yêu cô gái nào vì trong tim chỉ có hình ảnh hoàn hảo của mẹ, một cậu bé rất thích sự đụng chạm thể xác với người cô vẫn thay mẹ chăm mình từ bé… Khi phát hiện ra điều đó, họ kinh hoàng trách móc số phận sao lại cho mình một người con bệnh hoạn như vậy mà không biết rằng, sự lệch lạc ấy là do hoàn cảnh và cách nuôi dạy tạo ra.

Yêu con là tình cảm trời sinh, nhưng để tình yêu ấy không biến thành nỗi đau khổ

Tai họa mang tên mặc cảm Edip, một vị vua trong bi kịch cổ Hy Lạp, vì số phận trớ trêu mà phạm tội giết cha, cưới mẹ. Đứa con trai coi mẹ như một người yêu. Tình cảm này dẫn đến sự ghen tuông, tranh giành ngấm ngầm với bố. Biết như thế là tội lỗi, nó xấu hổ, dằn vặt, lo sợ bị phát hiện, bị dè bỉu và dẫn đến những rối loạn khác về tâm lý.

Thạc sĩ Trần Văn Tính, chuyên gia tâm lý của trường mầm non Hoàng Gia (Hà Nội), từng gặp một ca mặc cảm Edip mà nạn nhân là một chàng trai tuổi 20. Từ bé, cậu đã coi mẹ là thần tượng bởi bà vừa giỏi giang trong sự nghiệp, là trụ cột gia đình, lại vừa hết lòng yêu thương cậu.

Trong khi miệt mài kiếm tiền để gia đình có cuộc sống sung túc, bà vẫn đi mua cho con từ cái quần sịp,vẫn ôm hôn, vuốt ve con như thuở bé dại. Bà không ngại thay quần áo trước mặt cậu, không hề biết rằng cảm xúc của con đối với mình đã dần mang sắc thái giới tính. Và tình cảm đó khiến cậu khổ sở. Chàng trai thấy mình nhơ bẩn, bệnh hoạn, nhưng vẫn không thể xóa bỏ những ám ảnh về mẹ. Sự sợ hãi bản thân, sợ hãi bố, sợ quy tắc đạo đức xã hội khiến cậu bị trầm cảm, lo âu.

Tình trạng có cảm xúc yêu đương với mẹ cũng còn có thể xảy ra ở trẻ nhỏ, như trường hợp cháu Nguyễn Khắc Tường, 7 tuổi, ở thành phố Nam Định. Mới đây, bố cháu nhận ra con trai hay nhìn trộm mẹ tắm với một vẻ mặt, dáng vẻ khác lạ đến mức khiến anh rùng mình. Để ý hơn, anh thấy mỗi lần vợ âu yếm con, thằng bé cũng lợi dụng để đụng chạm, cung cách, thái độ không giống những em bé khác khi gần gũi mẹ.

Trong nhà còn có mấy người cô cũng trẻ đẹp và yêu cháu, nhưng Tường đối với họ hoàn toàn bình thường. Đến một trung tâm tư vấn, nói chuyện với chuyên gia tâm lý, anh biết rằng lần cậu bé bắt gặp vợ chồng anh “yêu nhau” có thể là khởi nguồn của tai họa. Hình ảnh mẹ mà Tường nhìn thấy trong đêm ấy cứ đọng lại trong tâm trí khiến cháu nhìn mẹ trong một vai trò khác.

Người mẹ có vai trò vượt xa chồng về công việc hay tình cảm đối với con, chăm sóc con quá tỉ mỉ, thân mật với con quá mức, hoặc hớ hênh khi thay đồ, khi quan hệ tình dục… là những yếu tố có thể dẫn đến mặc cảm Edip. Với con gái, tình trạng tương tự cũng xảy ra nếu người bố gần gũi con đến mức làm thay cả những công việc lẽ ra là của mẹ như tắm rửa, thay quần áo cho con, ôm ấp khi con ngủ…

Điều này khiến cô bé tôn thờ bố, coi bố là toàn bộ thế giới tình cảm của mình và không muốn chia sẻ tình yêu đó với một ai khác, khiến người mẹ dần dần trở thành “đối thủ”. Cô bé thấy bố là người đàn ông tuyệt vời nhất, hướng về bố cả với cảm xúc của một phụ nữ dành cho nam giới và trở thành nạn nhân của hội chứng “mặc cảm Electra”.

Yêu con là tình cảm trời sinh, nhưng để tình yêu ấy không biến thành nỗi đau khổ, các chuyên gia khuyên người làm cha mẹ nên giữ khoảng cách nhất định với đứa con khác giới của mình. Ngay khi con ở tuổi mầm non, bạn phải tránh thay quần áo trước mặt trẻ. Nếu không có điều kiện cho con ngủ riêng, cần đảm bảo để trẻ không bắt gặp chuyện ái ân của bố mẹ.

Ngay cả lúc chăm sóc con, từ khi trẻ 3 tuổi trở đi, nên tránh đụng chạm đến những vùng nhạy cảm của bé. Và nếu trẻ đã lớn, bạn hãy bớt dần sự quan tâm tỉ mỉ để con phát triển tính độc lập và sự bình thường về tâm sinh lý.

Theo Lam Giang
Đất Việt
Chia sẻ