Phụ nữ hiểu chuyện, việc gì cũng đến tay?

THU HIẾN - HOÀI THƯƠNG,
Chia sẻ

Không ít người nghĩ rằng phụ nữ không nên hiểu chuyện quá nhiều, ôm quá nhiều công việc vào người sẽ bị thiệt thòi, 'cái gì cũng phải đến tay'. Vậy hiểu chuyện ở phụ nữ trong cuộc sống đời thường như thế nào mới đúng?

 - Ảnh 1.

Nhiều người có quan điểm rằng phụ nữ hiểu chuyện là việc gì cũng phải lo toan và gánh vác được - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Anh cần một người vợ hiểu chuyện, em đừng có gì cũng làm phiền anh" - anh gắt gỏng với tôi rồi đóng sầm cánh cửa, đi ra ngoài, bỏ lại tôi đầm đìa nước mắt giữa lúc con ốm, con khóc, đống đồ chơi bề bộn, bồn rửa chén đầy ắp lõng bõng nước...

Chia sẻ chứ không chia đôi

Sau một năm được bạn bè mai mối, tìm hiểu, chị N.T. (32 tuổi, TP.HCM) kết hôn, chồng chị nhỏ hơn 5 tuổi, là dân công nghệ thông tin trong một công ty lớn.

Chị T. làm kế toán ở một công ty tư nhân nhỏ, lương hằng tháng của chị chỉ bằng nửa lương chồng. Từ ngày cưới, chồng chị thông báo mỗi tháng sẽ đưa cho vợ nửa tháng lương, và vợ cũng cần đóng góp tiền lương của mình để chi trả những khoản chi tiêu trong gia đình.

Ba năm trôi qua, con gái đã vào nhà trẻ, chị T. vừa đi làm ở văn phòng, ngoài giờ kiêm thêm sửa quần áo để có thêm thu nhập. Đã vậy, khi về nhà, mọi việc trong nhà ngoài cửa, con đau ốm, học hành, nấu cơm, rửa chén... việc gì chị cũng phải làm.

Đêm muộn, nhà cửa đã yên ắng sạch sẽ, chị nằm đuối trên giường, chồng chị lại dán mắt vào màn hình điện thoại chơi game, chẳng ai nói với ai câu nào.

"Đã không ít lần, chồng nói ngày yêu tôi vì tôi là người hiểu chuyện, biết chuyện, không làm nũng, nhõng nhẽo đòi hỏi, yêu sách như những cô gái anh đã từng quen, và tin rằng tôi sẽ là người vợ tốt, biết ăn bữa nay lo bữa mai, gia đình sẽ êm ấm. Nhưng nay anh lại nói tính cách của tôi tại sao lại thay đổi nhanh như vậy, dẫn đến những cuộc cãi vã triền miên", chị T. kể.

Hoàn cảnh chị H.P. còn khó tính hơn. Chị H.P. (30 tuổi, Hà Nội) kết hôn và sinh được hai cô công chúa nhỏ. Xuất phát từ những người dân tỉnh lẻ lên Hà Nội sinh sống và làm việc, do vậy khi kết hôn cả hai vợ chồng cùng lao động để lo cho gia đình.

Không ít lần chị H.P. và chồng mình to tiếng với nhau vì phân chia công việc trong thường ngày. "Có lần gần đây nhất, khi bà nội trở về quê không chăm được cháu, vợ chồng tôi đã cãi vã một trận lớn chỉ bởi vì tôi nấu cơm, chăm con còn anh lại mải mê làm những việc vô ích.

Sau nhiều lần cãi vã như vậy tôi rút ra kinh nghiệm, phụ nữ càng ôm hết mọi việc vào người thì chỉ có mệt mỏi thêm.

Ví dụ khi con cái ốm đau, mình đề nghị chồng đi mua thuốc, miếng dán hạ sốt, nhưng chồng lại nói không biết loại nào, phải ghi rõ ra. Đôi khi những chuyện mình biết rõ, có thể làm được nhưng cũng ngó lơ đi để chồng phụ thêm", chị P. kể.

Chị P. cho rằng đối với hoàn cảnh của chị để giữ được một gia đình hạnh phúc khi cả hai vợ chồng đều đi làm như nhau thì phải cần sự chia sẻ, bù trừ cho nhau. Các công việc thường ngày vợ bận thì chồng làm và ngược lại.

Việc phân chia công việc một cách rõ ràng và ấn định giờ giấc đôi khi lại tạo áp lực cho cả đôi bên. Chúng ta chia sẻ chứ không chia đôi.

Vơ hết công việc là tự làm khổ mình!

Chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa cho biết tâm lý chung của nhiều phụ nữ là càng hiểu chuyện lại càng gồng gánh, vơ mọi việc vào tay mình hơn.

Hơn nữa, khi hiểu biết chuyện quá nhiều, nhiều phụ nữ lại trong tâm thế nghi ngờ, thiếu tin tưởng, không muốn bất cứ người nào chia sẻ công việc vì họ luôn muốn mình làm chủ mọi thứ, đúng như ý mình, chính điều đó làm khổ phụ nữ.

Khi sống trong gia đình, lúc nào cũng cho rằng mình đúng, ai làm gì cũng không vừa lòng, dẫn đến vợ chồng xích mích nhau. Việc hiểu chuyện nhưng gắn với sự đồng cảm, chia sẻ tìm tiếng nói, dung hòa được với chồng và các thành viên trong gia đình đó mới thực sự là hiểu chuyện.

"Chỉ một việc nhỏ trong gia đình, vì lo lắng quá mức, hiểu biết quá nhiều, nếu chồng và con làm thì vợ lại tỏ ra khó chịu, ôm hết mọi việc vào mình dẫn đến bực bội, khó chịu chỉ làm khổ thêm.

Như trường hợp con có phòng riêng, phụ nữ chỉ cần hỗ trợ con, còn việc sắp xếp thì theo ý con và con tự chịu trách nhiệm với căn phòng của mình, không nên chỉ vì con thiết kế không đẹp, không đúng theo ý mình rồi lại bắt đầu sắp xếp lại từ đầu", thạc sĩ Minh Hoa nói.

Theo thạc sĩ Minh Hoa, trong công việc gia đình phụ nữ không nên ôm hết tất cả mọi việc, phải biết chia sẻ với các thành viên trong gia đình, tuổi lớn làm việc lớn, tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Nếu ai chưa làm vừa ý mình, không nên vội vã nóng giận mà từ từ giải quyết dần mọi việc sẽ vào nếp.

Giáo dục con đóng vai trò quan trọng

"Hiện lớp trẻ của Việt Nam chịu khó vào bếp, do đó việc phân chia công việc bếp núc dễ dàng hơn, còn đối với lớp lớn tuổi (trên 40 tuổi) nhiều gia đình việc phân chia công việc của chồng với vợ vẫn còn khó khăn và ít được chia sẻ.

Nhiều người đàn ông vẫn còn giữ thói quen gia trưởng, công việc gia đình vẫn là người phụ nữ.

Muốn thay đổi được điều này, việc giáo dục con cái đóng vai trò rất quan trọng, ngay từ bây giờ chúng ta có thể dạy con biết cách nấu ăn, chia sẻ công việc... như vậy mới dễ có hạnh phúc", thạc sĩ Minh Hoa phân tích.

Chia sẻ