Phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (HHCT) là bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.
Những trẻ nào có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này?
Nhiễm khuẩn HHCT không chỉ là bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi mà còn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở lứa tuổi này. Nguy cơ cao trước hết thuộc về những trẻ đẻ non, nhẹ cân hay trẻ không được bú sữa mẹ. Các trường hợp suy dinh dưỡng, còi xương, mắc bệnh bẩm sinh như tim, phổi hay bị suy giảm miễn dịch (bẩm sinh hoặc mắc phải) đều có nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố khách quan như chế độ nuôi dưỡng kém, sống trong môi trường ô nhiễm khói thuốc lá, thuốc lào, khói than tổ ong, khói bếp, sống gần nhà máy khói bụi hay sản xuất các hóa chất độc hại, hay nơi ở chật chội, ẩm thấp... cũng dễ làm trẻ nhiễm bệnh.
Vi khuẩn và các vi sinh vật khác là nguyên nhân gây ra căn bệnh này ở trẻ. Hai vi khuẩn hay gặp nhất gây nhiễm khuẩn HHCT ở trẻ em là Heamophilus influenza và Strepcococcus pneumoniae. Vi sinh vật gây ra bệnh này chủ yếu là virut hợp bào hô hấp (VRS), virut cúm và á cúm, Adenovirus và myxovirus. Nhóm vi sinh vật còn có các loại nấm ký sinh trong mũi, họng, phổi.
Những dấu hiệu bệnh cần được nhận biết
Trẻ bị nhiễm khuẩn HHCT thường khởi phát bằng triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, ho, hắt hơi, biếng ăn, quấy khóc, sốt nhẹ. Sau 1-2 ngày trẻ có thể biểu hiện triệu chứng rõ rệt hơn như sốt cao lên, ho nhiều hơn, tiếng thở khò khè. Trẻ có thể bị khó thở, ho có thể kèm theo đờm, lúc đầu đờm trong, trắng và dính sau chuyển sang vàng, xanh. Dấu hiệu nhận biết trẻ khó thở dựa vào 2 dấu hiệu lâm sàng quan trọng là:
- Trẻ thở nhanh, tần số thở trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi); từ 50- 60 lần/phút (trẻ từ 2 tháng- 1 tuổi); trên 40 lần/phút (trẻ trên 1 tuổi).
- Dấu hiệu rút lõm lồng ngực, đó là biểu hiện vùng ranh giới giữa vùng lồng ngực và bụng bị lõm sâu khi trẻ hít vào.
Nếu trẻ khó thở nặng hơn có thể xuất hiện dấu hiệu tím tái quanh môi, tím đầu chi, vật vã kích thích, vã mồ hôi thậm chí ngừng thở.
Những biến chứng có thể xảy ra
Nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị xử trí sớm và đúng thì có thể sẽ xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp, áp-xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.
Xử trí và phòng bệnh như thế nào?
Nếu nhiễm khuẩn HHCT thể nhẹ thường do virut, trẻ không khó thở thì không nên dùng thuốc ho, thuốc hạ sốt dân tộc (các loại thuốc cây, hoa theo kinh nghiệm dân gian), không dùng kháng sinh, khi chưa có sự thăm khám và chỉ định của thầy thuốc, chăm sóc trẻ chu đáo, có chế độ dinh dưỡng tốt. Cần theo dõi sát những diễn biến của bệnh, nếu bệnh nặng dần lên phải đưa ngay đến các cơ sở y tế để có các biện pháp chống suy hô hấp, dùng kháng sinh ức chế vi khuẩn, bồi phụ nước điện giải...
Để phòng bệnh cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ calo, vitamin, nước..., cải thiện môi trường sống, đặc biệt chăm sóc trẻ ở những thời điểm thay đổi thời tiết, quần áo mặc đủ ấm không lạnh quá cũng không nóng quá. Rửa mũi, mắt cho trẻ mỗi khi đi ra ngoài đường bằng nước muối sinh lý 0,9%. Cho trẻ bú sữa mẹ, tránh tiếp xúc với trẻ em, người lớn đang mắc bệnh. Đưa trẻ đi tiêm phòng vaccin đầy đủ, đúng lịch, vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ và người chăm sóc.
Theo Lê Thị Hảo (ghi)