Phát triển trí tuệ hay "cụ non"?
Chưa hết, buổi tối cả nhà đang quây quần bên mâm cơm, trước chương trình thời sự trên tivi, nhà đài phát clip quảng cáo về loại sản phẩm làm bay mùi hôi ở chỗ nhạy cảm trên cơ thể.
Bỗng cô bé nhăn mặt, buông câu: "Đúng là vô duyên, quảng cáo gì mà lãng xẹt, làm ăn cơm mất cả ngon!". Mà cô bé có lớn gì cho cam, hết hè năm nay mới vào lớp 2!
"Sốc" chưa?
Chị Lê Quyên Xuân, 32 tuổi, chuyên viên tư vấn, nhà quận Phú Nhuận kể về bé Susi - con mình giọng không biết vui hay buồn, mới nứt mắt ra mà cái gì cũng biết, khôn không thể chịu được.
Chị Ngọc Trinh, phụ trách marketing của công ty máy văn phòng góp chuyện, cháu Bột nhà em cũng vậy, bữa nọ ba cô bé vác đâu về cái máy giặt to đùng, vừa mới nhìn thấy, con bé đã đưa ngay ý kiến: "Nhà thì chật mà sao ba mua máy giặt gì mà to thế". "Đây là phần quà ba rút thăm trúng thưởng, chứ đâu có mua", ba cô bé chống chế. "Thế sao ba không đổi cho người khác hay bán cho ai đó lấy tiền?". Nghe con gái lý sự, ba chỉ biết cười trừ.
Còn đây là chuyện khôn kiểu khác: hai cậu bé chừng 9 tuổi ở chung cư BONIC (Q. Bình Thạnh) bàn cãi nhau chuyện nhà có em bé. Một cậu nói: "Ba tớ vừa chở mẹ tớ đi khám thai về, nghe nói mẹ tớ sẽ sinh em gái đấy!". Cậu kia nói: "Chưa sinh làm sao mà cậu biết được, bây giờ Nhà nước cấm siêu âm giới tính thai nhi rồi, tớ nghe trên truyền hình họ nói vậy đấy!".
Một cô bé mới 5 tuổi, mới học lớp lá nhưng đã có những câu nói đến mức người lớn cũng phải choáng. Thấy cô của mình trang điểm, diện quần áo đẹp, cô bé liền làu bàu: "Lại xí xớn để đi chơi với giai đấy!", "Sao mà nó khôn thế không biết?", mẹ cô bé cười nhận xét.
Vui hay buồn?
Những câu nói kiểu như trên của con trẻ đôi lúc mang lại cho cha mẹ chút tự hào vì nghĩ rằng con mình thật khôn ngoan, sắc sảo. Nhưng cũng có lúc sự "thông minh" trước tuổi của chúng khiến người lớn phải phát hoảng.
Chị Quỳnh Giao, 34 tuổi, kế toán công ty truyền thông kể về cô con gái út 6 tuổi. Hôm trước vì ham rẻ chiếc máy xay sinh tố khuyến mãi, chị rinh ngay về dù máy cũ vẫn còn tốt chán. Chỉ lần đầu máy chạy êm ru nhưng đến lần thứ 2 thì máy rung lên bần bật, kêu như bò rống. Phần tiếc của, phần bị chồng trách là sao không xài thử rồi hãy mua, chị đâm ra cáu gắt, bực mình giận ngược lại chồng. Thấy mẹ buồn, con gái hỏi: "Ba làm mẹ buồn à". Phì cười trước câu hỏi của con, chị đùa: "Ừa mẹ chán ba lắm rồi". Nghe mẹ nói, con gái buông ngay câu: "Cũng tại mẹ thôi, thế ai bảo mẹ không chịu thử "xài" ba mấy ngày, nếu được hãy lấy, giờ mẹ còn nói!". Nghe con gái đưa ý kiến, chị không biết vui hay buồn!
Hay như cu Bi 6 tuổi con của bố Hải Tấn, mẹ Tâm Đan ở Thủ Đức thì gây bất ngờ kiểu khác. Anh Tấn kể: "Vợ tôi bệnh, phải cắt bỏ buồng trứng. Trong lúc hai vợ chồng đang trò chuyện vui vẻ, cậu con trai duy nhất vứt bừa đồ chơi ra khắp phòng, đến giờ đi ngủ nhưng không chịu dọn dẹp Vợ tôi đùa: "Con hư quá! Mẹ sanh em bé, cho con ra rìa!". Cậu con liền chu mỏ, ứ sợ: "Mẹ không còn trứng sao có em bé được". Hai chúng tôi sốc luôn" - anh Tấn than thở.
Tại sao?
Theo các chuyên gia tâm lý thì trẻ thường nhận thức thế giới bằng cảm tính thông qua các giác quan và bắt chước cách diễn đạt từ hành vi, cử chỉ, đến điệu bộ của người lớn. Trường hợp như cô bé 5 tuổi mới học lớp lá kể trên đưa ra lời bình phẩm gây choáng là nguyên nhân từ… người lớn. Số là cô bé hay lê la nghe chuyện của mấy bà trong khu phố túm năm tụm ba kể đủ chuyện trên trời dưới đất, nào là chuyện trai gái, chuyện "chăn gối" mà quên rằng đám trẻ con đang vui đùa quanh đấy, dỏng tai nghe.
Mặt khác, cũng theo các chuyên gia tâm lý thì, xã hội ngày càng hiện đại, không ít gia đình sống theo kiểu gia đình hạt nhân - chỉ có bố mẹ và con cái nên hết mực thương yêu, chiều chuộng. Muốn con sớm thành đạt, không ít phụ huynh dạy con theo khuôn mẫu: ăn nói luôn phải có khuôn phép, chững chạc, nhất nhất phải làm theo chỉ dẫn của người lớn như trường hợp cô bé Sushi hay cô cháu gái của chị Ngọc Trinh là ví dụ.