Phát hiện và dự phòng nguy cơ sảy thai
Sự cố sảy thai thường dễ xảy ra trong vòng 20 tuần lễ đầu tiên của thai kỳ. Sau khoảng thời gian này, nguy cơ sảy thai sẽ giảm đi đáng kể.
Nguyên nhân gây sảy thai
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sảy thai và rất nhiều trường hợp sảy thai mà bác sĩ cũng không chẩn đoán được rõ nguyên nhân chính.
Trong quý I của thai kỳ, yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai lớn nhất là tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể. Biểu hiện là những trục trặc trong tế bào trứng và tinh trùng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai khác là:
- Rối loạn hormone trong cơ thể mẹ.
- Người mẹ mắc các chứng bệnh truyền nhiễm.
- Trứng và tinh trùng làm tổ không đúng chỗ trong tử cung.
- Tâm lý căng thẳng, stress…
Ngoài ra, sảy thai có thể do quan hệ tình dục không đúng cách, tập thể dục không an toàn, làm việc trong điều kiện nguy hiểm…
Nếu bạn xuất hiện những triệu chứng sau, tốt nhất bạn nên đi khám sớm.
- Sút cân nhanh.
- Những cơn đau lưng có dấu hiệu ngày một trầm trọng.
- Âm đạo tiết chất nhầy màu trắng hồng.
- Ra máu có màu đỏ tươi hoặc nâu đỏ đi kèm (hoặc không) với chứng chuột rút: khoảng 20-30% thai phụ chảy máu trong giai đoạn đầu mang thai có liên quan đến việc sảy thai.
- Đột nhiên mất các triệu chứng mang thai như ốm nghén…
Ngăn ngừa sảy thai
Trừ yếu tố trục trặc nhiễm sắc thể, các nguyên nhân dọa sảy thai khác có thể được phát hiện và dự phòng từ trước đó. Bước quan trọng nhất là bạn nên duy trì một sức khỏe tốt trước khi có ý định mang thai.
Ngoài ra, trong quá trình mang thai, người mẹ nên lưu ý một số điểm sau
- Tập thể dục đều đặn với cường độ hợp lý.
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh.
- Kiểm soát stress.
- Bổ sung axit folic hàng ngày.
- Tránh hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng chất kích thích…
- Giữ cho bản thân luôn trong điều kiện an toàn, tránh va đập, chấn thương…
Hội chứng buồn chán sau sảy thai
Khoảng 72% bà mẹ có triệu chứng chán nản nặng trong vòng 1 tháng sau sảy. Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm thống kê sức khỏe Hoa Kỳ. Cuộc khảo sát cũng cho biết, nguy cơ thất vọng tăng gấp đôi đối với những bà mẹ lần đầu mang thai nhưng lại bị sảy. Chính tâm trạng này sẽ cản trở việc phụ nữ muốn có con lại sau đó.
Cách tốt nhất với những bà mẹ trong hoàn cảnh này là nghỉ ngơi đầy đủ, giảm stress và coi nhẹ việc đã từng bị sảy thai để sống lạc quan hơn.
Khả năng mang thai lại sau sảy
Có đến 60-70% số bà mẹ sảy thai đều có khả năng mang thai lại thành công sau đó. Hơn nữa, nếu tìm được ra nguyên nhân gây sảy thai thì tỷ lệ thành công này có thể lên tới 90%. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng cân bằng, sinh hoạt hợp lý cũng góp phần làm gia tăng tỷ lệ thụ thai cho nhóm phụ nữ này.
Quan niệm không đúng về sảy thai
Nhiều người cho rằng việc sử dụng một số loại thuốc mát như sâm, nước dừa, nước rau má, trà atiso… sẽ làm bào thai mới hình thành bị “loãng” và hỏng. Do đó, nếu trong những tuần đầu mang thai, bà mẹ uống một trong số loại nước kia thì chắc chắn sẽ bị sảy thai. Thậm chí, những người mê tín còn khẳng định rằng, sảy thai là do “trời báo” nên muốn tránh cũng không được.