Phản cảm hội chứng “khoe” con
Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện khá nhiều video clip, album ảnh ghi hình các “diễn viên nhỏ tuổi” làm đủ chuyện, từ đóng hài đến nhảy hiphop, hát karaoke...
Điều đáng nói là những video clip, album ảnh này đều được chính cha mẹ hoặc người thân các em quay và đưa lên mạng.
Dạy con mắng chồng từ nhỏ
Trong đoạn video clip, cô bé 4 tuổi mặc quần áo người lớn, chân đi guốc, vai đeo túi, cầm điện thoại di động “diễn” vai một người vợ chửi chồng với lời lẽ chua ngoa, “mặt sưng, mày sỉa” khiến bất cứ ai xem cũng phải giật mình. Giữa đoạn clip còn có tiếng người ở hậu trường nhắc: “Gọi cho chồng mới đi. Gọi cho chồng kia bảo anh ơi em chán lắm rồi đi, mẹ quay phim”. Và thế là cô bé thích thú làm theo: “Bây giờ em sẽ ở với chồng khác mà không ở với anh. Anh có biết là em rất quan tâm đến anh mà anh chẳng quan tâm đến em…”. Nói rồi cô bé cúp máy và nhấc điện thoại gọi cho người khác: “Chồng cũ của em đi vắng rồi, anh đưa em đi ăn kem đi…”, xen vào đó là lời “chỉ đạo“ của người tự xưng là mẹ cô bé “nói ngắn thế, nói dài lên”…
Đừng bôi bẩn tờ giấy trắng
Sau khi clip bé 4 tuổi nhại giọng người lớn được tung lên youtube, nhiều độc giả đã bày tỏ sự bức xúc và lên án hành động này. Nick nguyenanhtu phẫn nộ: “Những người này không có học hay sao lại làm trò xấu cho con mình như vậy. Chẳng hiểu nổi các ông bố, bà mẹ bây giờ”. Một người khác viết: “Đơn giản là các bậc cha mẹ muốn con mình nổi tiếng bằng mọi cách có thể, kể cả việc tạo ra những tình huống sốc, phản cảm rồi quay đưa lên youtube hay các mạng xã hội để mọi người xem và bình luận. Đây là cách khoe con không thể chấp nhận được. Tâm hồn của các em bé như một tờ giấy trắng, nhưng các ông bố bà mẹ này đã cố tình bôi bẩn. Sau này các em lớn lên hư hỏng không dạy được thì lại đổ tại lỗi này lỗi kia, lúc đó có hối hận cũng không kịp”.
Về vấn đề trên, bà Lê Thị Túy - chuyên gia tư vấn tâm lý - Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam cho rằng, khoe con là nhu cầu chính đáng của các bậc cha mẹ. Trào lưu tung hình ảnh, clip lên mạng xuất phát từ một bộ phận người nổi tiếng thích khoe đời tư của mình, sau đó nhiều người học theo muốn đưa con mình lên mạng để con nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Tuy vậy, việc làm trên chỉ được đồng tình khi nội dung của các hình ảnh, clip mang tính tích cực. Còn với những clip phản cảm, vi phạm pháp luật, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức như clip bé 3 tuổi lái xe, mẹ dạy con chửi chồng... thì cần phải lên án.
Đáng buồn là hiện có không ít người có suy nghĩ thấy con em mình có chút vượt trội thì gán ngay cho bé cái danh “thần đồng” rồi uốn nắn con mình làm những việc vượt quá khả năng, thậm chí là kỳ cục. Điều này sẽ khiến các bé dần hình thành những suy nghĩ lệch lạc. Trong khi đó, từ khi còn rất nhỏ trẻ luôn có ý thức học hỏi những việc làm của người lớn. Ở độ tuổi này, các em chưa phát triển hoàn thiện, chưa có thể phân biệt rõ đúng, sai, tốt, xấu nên thường bắt chước người lớn. Nếu người lớn cứ cổ vũ cho những hành động sai trái của trẻ thì khi lớn lên các em sẽ hiểu đó là việc làm tốt và sẽ bị lệch lạc về giá trị sống.