Ôi, cơm nhá!

,
Chia sẻ

Có nói, bà chỉ phủi đi: “Hồi xưa, tao nuôi bao nhiêu đứa cũng như thế này, có sao đâu. Cứ vẽ”. Mẹ chỉ biết ấm ức nhìn con ăn cơm nhá, không dám “bật” lại bà.

Bà nhá cơm – mẹ chỉ biết ấm ức

Chị Hoa (Sở Điện lực Hà Nội) suốt ngày “phải” than phiền với các bạn đồng nghiệp: “Em rất sợ nhìn bà nhai thức ăn, rồi nhè ra, mớm cho cháu. Có lúc bà thổi thức ăn, cho vào mồm, lộn đi, lộn lại rồi lại nhè ra thìa, đút cho con em ăn”.

Quả thật, từ thời xưa, các cụ vẫn có thói quen nhá cơm cho con. Các con vẫn lớn lên theo cách ấy một cách bình thường khỏe mạnh. Đến bây giờ, các mẹ lại rất “sợ” khi thấy bà nhá cơm cho bé ăn. Có nói, bà chỉ phủi đi: “Hồi xưa, tao nuôi bao nhiêu đứa cũng như thế này, có sao đâu. Cứ vẽ”. Mẹ chỉ biết ấm ức nhìn con ăn cơm nhá, không dám “bật” lại bà.

Với nhiều dụng cụ chăm sóc bé hiện nay như máy xay sinh tố, máy xay tay,… việc nhá cơm cho bé không còn được khuyến khích. Trên thực tế, nhiều bà, nhiều mẹ nhai cơm hoặc thức ăn cho bé nhưng đều không nhớ vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

Tuy nhiên, các mẹ không nên phản ứng gay gắt với bà về việc nhá cơm cho bé. Nếu mẹ không muốn bà nhá cơm cho bé và bé cũng không thích ăn kiểu đó, mẹ hãy chọn thời gian phù hợp giải thích cho bà hiểu:

- Nhá cơm là việc làm mất vệ sinh. Vi khuẩn (thậm chí cả mầm bệnh) từ miệng người lớn có thể truyền sang bé, trong khi sức đề kháng của bé còn yếu.

- Khi nhá cơm, một phần chất dinh dưỡng đã bị mất đi, khiến dưỡng chất trong món ăn của bé "nghèo" hơn.

- Bé trải qua nhiều giai đoạn ăn khác nhau: sữa - bột - cháo - cơm nhão - cơm thường. Nên để bé thích nghi một cách tự nhiên để kỹ năng nhai và hệ tiêu hóa được thích ứng dần dần. Hơn nữa, bé phải tự nhai mới có cảm giác ngon miệng.

- Nhá cơm thực chất là cho bé ăn cơm nát. Mẹ và bà có thể nấu cơm nhão hay cơm nát cho bé ăn. Nhá cơm kiểu của bà là hoàn toàn không cần thiết.

Các mẹ hãy chọn những cách nói lọt tai, tránh làm bà tự ái. Ví dụ như: “"Mẹ ơi, mẹ để con nấu cháo, rồi xay cho cháu ăn. Mẹ đỡ phải mớm cho cháu vất vả. Cháu thích ăn cháo xay lắm mẹ ạ”.

Mẹ nên tập cho bé ăn cơm nát, thay vì nhá cơm

Cơm nhá - không phải không có lợi

Một người mẹ ở Hà Nội đã tâm sự trên diễn đàn: “Mình nhá cơm cho con ăn suốt 6 tháng đây. Vì lúc đó bé không ăn gì khác ngoài cơm mẹ nhá cả. Lúc đó bé mới 10 tháng, mới mọc răng cửa, chả nhai được. Con mình lúc ấy còn suy dinh dưỡng rồi cơ, không ăn cháo, không uống sữa, chỉ ăn bim bim. Nếu không có cơm nhá chắc không xong nổi”. 

Đúng là cơm nhá, không phải là không có lợi. Nếu bé biết ăn cơm từ sớm, chịu nhai, không ăn chá, mẹ có thể nhai hộ bé những món khô cứng. Trên thực tế, nhai thức ăn cũng là một cách truyền thêm men tiêu hóa cho bé, giúp bé hấp thụ được nhiều đồ ăn hơn.

Điều quan trọng nhất chính là bé thích ăn cơm nhá. Mẹ Hà (Đài truyền hình Việt  Nam) cho biết: “Con nhà tớ 15 tháng, ăn đúng theo khoa học: cháo xay, bột sữa ninh nấu đủ cả mà vẫn ốm yếu. Ở nhà với bà, bà nhá cơm với thịt và rau, ăn hết gần 1 bát, lên hẳn 1kg. Bây giờ thỉnh thoảng bé mệt, tớ lại nhá cơm cho bé. Ăn thun thút”.

Trong những bữa liên hoan gia đình, có nhiều món cứng như bò bít-tết, gà quay, bé chưa nhai được, mẹ có thể nhá sơ hộ bé, để bé được thưởng thức cùng cả nhà. Nhiều bé lười ăn, nhưng thấy mẹ ăn hoặc nhá sơ, bé cũng thích, bé nhìn và nếm thử. Chỉ cần mỗi lần trước khi nhá cơm hoặc thức ăn cho bé, các mẹ đều nên đánh răng và xúc miệng sạch sẽ.

Mẹ Hải (Bộ Xây dựng) hay nhá cơm cho con, lại rất tự hào kể một câu chuyện vui về bé: “Bé nhà tôi học nhá cơm y như mẹ. Có lần mẹ mệt, bảo bà là con không muốn ăn gì. Thế là bé nhai thịt, mớm cho mẹ, để mẹ ăn. Bé cũng hay “áp dụng” việc nhá thức ăn cho bà hoặc cô giúp việc. Nói chung là quý lắm mới được bé nhá cơm cho đấy”.

Việc nhá cơm cho bé ăn còn nhiều quan điểm trái ngược. Tuy nhiên, không nên khuyến khích các mẹ nhá cơm khi bé có nhiều sự lựa chọn khác (cháo xay, cơm nhão, cơm nát…). Chỉ khi nào bé “đình công” không chịu măm mà lại thích mẹ nhá, các mẹ đành chịu khó vậy. “Thà vi trùng một chút còn hơn bé không ăn gì”.

Nam Hải

Chia sẻ