Nuôi dưỡng những phẩm chất tích cực cho trẻ từ tuổi mầm non

Vân Huyền,
Chia sẻ

Những nguyên tắc ứng xử sao cho đúng mực, phải phép sẽ là hành trang quý giá cho con lớn lên.

Nuôi dưỡng những phẩm chất tích cực cho trẻ từ tuổi mầm non - Ảnh 1.

Ngay khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được cha mẹ chú trọng dạy dỗ những quy tắc ứng xử lịch thiệp, nhân văn. Ảnh minh họa: ITN.

Bài học đầu tiên của đứa trẻ bắt đầu từ gia đình. Hơn nữa, trẻ em học bằng cách xem những điều cha mẹ làm. Do đó, để dạy trẻ cư xử tốt, cha mẹ cũng phải có những hành vi và cách ứng xử tốt trước mặt con.

Những nguyên tắc ứng xử sao cho đúng mực, phải phép sẽ là hành trang quý giá cho con lớn lên. Bên cạnh đó, việc trang bị cho con những kiến thức giao tiếp, ứng xử xã hội còn giúp trẻ trở thành người con ngoan, biết yêu thương, trân trọng gia đình.

Bài học từ giáo dục Nhật Bản

Cách ứng xử đúng mực là thứ trẻ cần được rèn từ ấu thơ. Có như vậy, lớn lên trẻ mới trở thành người có văn hóa.

Những nguyên tắc ứng xử mà cha mẹ hướng dẫn chính là cơ sở để nuôi dưỡng những phẩm chất lẫn thói quen tích cực khi trẻ trưởng thành.

Chọn độ tuổi thích hợp để tạo cho trẻ thói quen tốt là một trong những cách giáo dục gia đình khôn ngoan nhất.

Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng nói: “Gieo hành động gặt thói quen; gieo thói quen gặt tính cách; gieo tính cách gặt số phận”. Tuy nhiên, để hình thành thói quen tốt không phải trong ngày một ngày hai. Đây là lý do vì sao trong giai đoạn trẻ ở tuổi mầm non, cha mẹ cần chú trọng đến các thói quen của trẻ như nếp sống, làm việc và phép tắc xã giao.

Chỉ những đứa trẻ phát triển hành vi tốt từ khi còn nhỏ mới có thể gặp nhiều lợi ích đến suốt cuộc đời.

Đặc biệt, phụ huynh Nhật Bản được biết đến với cách dạy con ứng xử tuyệt vời. Người nước ngoài khi tiếp xúc với người Nhật có lẽ đều ấn tượng trước hành động tinh tế, sâu sắc, luôn biết đặt mình vào vị trí của người khác để hành động của họ. Đó là bởi ngay khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được cha mẹ chú trọng dạy dỗ những quy tắc ứng xử lịch thiệp, nhân văn trong đời sống hàng ngày, từ gia đình, đến nhà trường, nơi làm việc và nơi công cộng.

Trẻ em Nhật Bản được dạy khi ăn không vừa nhai vừa nói. Không chọc đũa, dùng đũa bới thức ăn trong đĩa. Không nghịch ném đồ ăn, không chọc người khác cười khi họ đang ăn, không ho hay hắt xì vào bàn ăn.

Trẻ cũng được dạy không uống ực một hơi hết cốc sữa. Thay vào đó, cần thưởng thức một cách từ tốn để tỏ lòng cảm ơn những người đã làm ra thức ăn cho mình.

Khi đang ăn cơm, trẻ cũng không xem tivi để tôn trọng người cùng ăn. Khi đi đâu, cần nói cho người nhà biết: Đi đến đâu, mấy giờ về, chơi cùng ai và về nhà trước khi trời tối. Cha mẹ Nhật cũng dạy trẻ kiểm tra lại trước khi ra khỏi nhà tắm hay nhà vệ sinh: Đã tắt vòi chưa, tóc có rớt ở bồn không; đã xả nước, đóng nắp chưa. Cần suy nghĩ cho người dùng sau.

Một số quy tắc cư xử khác bao gồm: Luôn suy nghĩ đến lập trường của người khác để hành động; khi bị cha mẹ nhắc nhở làm gì hãy lập tức làm ngay. Từ đó, tạo thói quen phản xạ, hành động cho bản thân.

Trẻ cũng được dạy không lấy lí do “Vì mọi người đều như vậy” để đòi hỏi điều gì đó. Thay vào đó, cần nói lập trường của chính mình.

Nuôi dưỡng những phẩm chất tích cực cho trẻ từ tuổi mầm non - Ảnh 2.

Phụ huynh cũng hãy dạy trẻ thường xuyên nói “làm ơn” và “cảm ơn”. Ảnh minh họa: ITN.

Thói quen xấu trẻ có thể mắc

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, việc dạy con không hề đơn giản. Nếu cha mẹ không có cách giáo dục khoa học và đúng đắn thì sẽ làm hư con mình. Xét trong thực tế cuộc sống hàng ngày của các gia đình, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa biết những thói quen của mình có thể góp phần làm con trẻ hư.

Trong đó, trẻ có thể mắc thói thiếu tôn trọng tập thể. Nếu không phải bị bắt ép thì trẻ sẵn sàng đến muộn, nghỉ không cần báo, không áy náy hay xin lỗi nếu chưa đúng hoặc làm sai. Trẻ có thể trở thành người đòi hỏi.

Cụ thể, nếu là tự nguyện hoặc được có thì trẻ mặc sức bày tỏ thái độ, hành vi theo sự đòi hỏi. Đồng thời, không cần quan tâm đến các nguyên tắc, quy tắc, hay mục đích của vấn đề. Trẻ cũng có thể mắc thói kêu ca, phàn nàn, chê bai, hiếu thắng ăn thua, dễ dàng tỏ thái độ, hành vi bất cần hoặc trêu ngươi, cười khẩy… khi lắng nghe, khi nói.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh không dạy trẻ quy tắc ứng xử về việc cảm ơn, xin lỗi, xin phép, chào hỏi. Trẻ cho mình quyền không cần làm như vậy hoặc ghét, không thích thì không làm. Nhiều phụ huynh còn thường cẩu thả, bừa bộn, khiến trẻ cũng có thói quen xấu “làm đâu vứt đó”.

Chia sẻ về vấn đề này, blogger Lê Hữu Tân cho biết, những nguyên tắc ứng xử sao cho đúng mực và phải phép sẽ là hành trang vô cũng quý cho con khi lớn lên. Bên cạnh đó, việc trang bị cho con những kiến thức giao tiếp ứng xử xã hội cũng sẽ giúp trẻ trở thành người ngoan, biết thương, trân trọng gia đình.

Nuôi dưỡng những phẩm chất tích cực cho trẻ từ tuổi mầm non - Ảnh 3.

Chọn độ tuổi thích hợp để tạo cho trẻ thói quen tốt là một trong những cách giáo dục gia đình khôn ngoan nhất. Ảnh minh họa: ITN.

Trong đó, cha mẹ cần dạy trẻ chờ đến lượt mình và không chen ngang khi người khác đang nói. Thực tế, không ai có thể được lắng nghe nếu như có quá nhiều người nói cùng một lúc.

Đặc biệt, xen vào lúc người khác đang nói là bất lịch sự. Đồng thời, thể hiện sự thiếu tôn trọng với người đang nói. Những lúc như vậy, cha mẹ nên nhắc nhở con hãy chờ đến khi người khác nói xong mình mới nên nói tiếp. Phụ huynh có thể nhẹ nhàng nói con chờ cho đến khi người khác nói xong.

Cần chắc chắn rằng, cha mẹ sẽ dành cho con toàn bộ sự chú ý khi đến lượt trẻ nói. Bởi, điều đó sẽ tăng cường thêm động lực cho trẻ khi chờ đến lượt nói.

Một quy tắc quan trọng khác mà trẻ cần biết đó là không sử dụng những biệt danh xấu. Ngay cả khi đó chỉ là nói đùa, thì việc gọi người khác bằng những biệt danh xấu có thể làm họ tổn thương.

Trẻ cần hiểu rằng, tuyệt đối không gọi người khác bằng biệt danh xấu do những khác biệt về văn hóa, dân tộc, thể chất, hay trong khi tranh luận… Trong trường hợp một người có những hành vi không đúng đắn làm trẻ khó chịu thì bé cần nói lại hành động của họ một cách lịch sự, từ tốn. Không được bắt chước hành vi của người kia vì như thế là không đúng.

Một quy tắc khác là tự dọn dẹp. Cho dù ở nhà mình hay bạn bè, cha mẹ hãy dạy trẻ luôn dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp khi xong việc, chơi xong. Nếu đó là những lộn xộn bé gây ra, thì trẻ sẽ là người dọn dẹp.

Cha mẹ cũng cần để trẻ biết rằng, việc đặt gia đình lên trên bạn bè là vô cùng quan trọng.

Người lớn phải chỉ ra rằng, người trong gia đình bao giờ cũng là quan trọng nhất, được đặt lên trên tất cả và được đối xử tốt hơn những người khác. Vì thực tế, những lúc khó khăn, hoạn nạn, dù những người khác có bỏ đi thì những người thân bao giờ cũng ở lại bên cạnh, an ủi, động viên và giúp đỡ chúng ta.

Trẻ cũng cần biết rằng, các thành viên trong gia đình phải giúp đỡ, ủng hộ nhau. Đồng thời, không được ghen ghét, đố kị lẫn nhau. Ngược lại, phải ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Biết chia sẻ với nhau cả những “miếng ngon” và cả khó khăn.

Một quy tắc khác trẻ cần biết là đón nhận sự khen ngợi một cách lịch sự. Nếu ai đó khen ngợi, đề cao trẻ, con nên tỏ ra vui vẻ, lịch thiệp và nói rằng “xin cảm ơn”. Trẻ nên tránh việc tự hạ thấp mình hay chỉ ra những sai lầm khiến sự việc chưa hoàn hảo.

Đồng thời, cha mẹ hãy dạy trẻ luôn luôn chào đón những vị khách tới nhà mình. Tùy theo mức độ trang trọng hay lịch sự của gia đình mà cha mẹ có thể hướng dẫn con mình bắt tay người lớn khi họ đến nhà. Việc nói lời chào với những người khách là bắt buộc. Điều đó sẽ giúp họ cảm thấy mình được chào đón hơn.

Phụ huynh cũng hãy dạy trẻ thường xuyên nói “làm ơn” và “cảm ơn”. Điều này giúp thể hiện sự tôn trọng và biết ơn với người khác.

Cụ thể, khi đề nghị người khác làm giúp một điều gì đó, cha mẹ hãy dạy con nói “Làm ơn”. Ví dụ, con nói: “Cho con xin cốc nước” thì cha mẹ nên chỉnh lại ngay là “Mẹ làm ơn cho con xin cốc nước”.

Khi nhờ ai đó giúp đỡ, con nhớ thêm thán từ “Làm ơn”. Đồng thời, trẻ luôn phải nhớ tỏ thái độ cảm kích và nói “Cảm ơn” khi con nhận được quà bánh, sự giúp đỡ... Thêm vào đó, nếu người khác nói cảm ơn, hãy trả lời lịch sự “không có gì”, “rất sẵn lòng”…

Chuyên gia Phạm Hiền cho biết: “Cha mẹ và người lớn trong nhà hãy thay đổi phương pháp giáo dục bằng cách hình thành cho trẻ những thói quen tốt. Từ đó, giúp trẻ biết hiểu được cái gì là đúng và sai, không được phép làm. Có như vậy mới hình thành nhân cách tốt cho trẻ sau này”.
Chia sẻ