Nuôi cả 5 con đều xi tè cho con đâu ra đấy, bí quyết của bà mẹ chỉ nhờ 2 mẹo đơn giản không ngờ
Bà mẹ áp dụng cách xi tè, xi ị cho con từ rất sớm và chỉ ở tuổi chập chững biết đi, tất cả các con đều "cai" được bỉm.
Nhiều năm trước khi sinh con, có một điều khiến Andrea (sống tại Asheville, Bắc Carolinae, Hoa Kỳ) e ngại không muốn làm mẹ đó là những chiếc tã chứa đầy phân của trẻ con. Nhưng sau đó, Andrea đọc được một chia sẻ trên Facebook và nó đã thay đổi tất cả.
“Một người bạn của bạn tôi tiết lộ trên Facebook rằng, họ không hề dùng bỉm cho con. Họ chỉ đơn giản là bế em bé ngồi trên bồn cầu hoặc trên bô, trên mặt đất, ngay từ lúc bé chào đời và tuyệt đối tránh những chiếc bỉm dính phân”, Andrea kể.
4 năm trôi qua thật nhanh. Và Andrea mang thai đứa con đầu lòng. Cô lập tức nhớ đến chia sẻ từng đọc trên Facebook - và đã mua một cuốn sách về phương pháp xi tè (Elimination Communication - EC).
Quá trình lắng nghe các dấu hiệu và tín hiệu của bé khi bé muốn tiểu tiện hoặc đại tiện rồi giúp con giữ sạch sẽ và khô ráo bằng cách sử dụng bô hoặc nhà vệ sinh có vẻ không quá khó khăn. Nhưng Andrea vẫn cảm thấy lo lắng bởi cô sẽ áp dụng phương pháp xi tè cho con mình như thế nào khi việc làm mẹ đã quá bận rộn rồi.
Cả 5 người con đều "cai bỉm" từ sớm
Vào ngày sinh bé trai đầu lòng, Andrea đã lấy một cái bô ngay khi nhận thấy con có dấu hiệu ngọ nguậy và gập người xuống. Cô bèn bế con lên phía trên chiếc bô, đúng như hình minh họa trong cuốn sách đã đọc cho đến khi bé ị xong.
“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng, từ ngày đó trở đi, tôi cứ thế tiến bước đầy tự tin, không còn chút lo lắng nào hết. Phương pháp này quá sức tuyệt vời. Tôi đã dành nhiều tâm huyết cho việc thấu hiểu các tín hiệu của con theo cách này, và tôi chắc chắn mình đã trở thành một người mẹ tốt hơn nhờ đó.
Tôi kết nối và gắn bó chặt chẽ với con. Tôi có cảm giác ít nhất mình đã biết và làm tốt 2 việc khi chăm con: cho con bú và xi con tè, ị. Đối với tôi, việc đó giúp tôi tự tin rất nhiều trên hành trình làm mẹ”.
Trong 8 năm tiếp theo, Andrea có thêm 4 đứa trẻ nữa - tất cả đều được cô áp dụng phương pháp xi tè từ khi các bé mới sinh. Đối với cô, bắt đầu sớm đồng nghĩa với việc Andrea tránh được việc phải thay những chiếc tã “đầy chất thải” cho con. Không những thế, còn có một lợi ích lớn lao nữa: giúp cho sợi dây gắn kết siêu khăng khít với các con.
Về cơ bản, mỗi khi 1 trong 5 đứa con thức dậy, Andrea hoặc ông xã sẽ mang bô đến cho bé tè/ị trước khi làm bất cứ việc nào khác.
“Làm vậy giúp các con chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn. Các con bớt quấy khóc, ít mè nheo và khỏe mạnh hơn.
Chúng tôi không hề phải đối mặt với tình trạng hăm tã, hiện tượng táo bón liên quan tới các yếu tố y khoa, vô số tai nạn không hồi kết, những cơn ăn vạ không cần thiết, hành vi thất thường và cả vụ đái dầm nữa. Chúng tôi đã tiết kiệm được khoảng 10.000 đô la Mỹ (khoảng gần 232 triệu đồng) tiền mua bỉm và việc nuôi nấng con cái hoàn toàn vắng bóng nhiệm vụ thay bỉm”.
2 mẹo đơn giản giúp rèn con đi vệ sinh
Andrea hoàn toàn thấu hiểu việc nhiều phụ huynh coi phương pháp xi tè là điều mà bạn chỉ có thể thực hiện nếu thường xuyên ở bên con. Là một bà mẹ toàn thời gian, Andrea còn điều hành 3 doanh nghiệp và đã cải tạo ngôi nhà của mình trong 8 năm qua.
Cô tin rằng thành công của mình với phương pháp xi tè nhờ 2 mẹo đơn giản:
“Trước tiên, chúng tôi thực hiện xì tè, xi ị cho con trong tất cả các lần con đi vệ sinh. Chúng tôi luôn coi tã bỉm là biện pháp dự phòng thôi chứ không phải "nhà vệ sinh".
Thứ hai, chúng tôi vẫn dùng tã khi dạy con thói quen vệ sinh cho đến khi các bé bắt đầu biết đi. Chúng tôi cảm thấy bớt căng thẳng hơn nhờ linh hoạt duy trì mức độ đều đặn thực hiện phương pháp xi tè dựa trên cách thức có thể dự đoán được, và tất cả bọn trẻ đều hợp tác”.
Với cả 5 đứa con, Andrea đều tuân thủ quy tắc: không đóng bỉm cho con vào ban ngày kể từ khi chúng biết đi.
Vào ban đêm, họ cố gắng có thể đưa bô cho con nếu bọn trẻ thức giấc. Như vậy nghĩa là 5 anh em thường không tè suốt đêm kể từ thời điểm khoảng 26 tháng tuổi.
"Em bé của bạn hoàn toàn có thể làm được như vậy", Andrea nhấn mạnh. "Bạn chỉ cần bắt đầu dạy con những bước cơ bản ban đầu và sau đó buông tay đúng lúc. Ôi, cảm giác hãnh diện mà bọn có thể trẻ cảm thấy khi tự chủ việc vệ sinh của mình!
Một khi làm được, trẻ được tự do, thoải mái để học hỏi những điều tiếp theo. Nhờ đó, hành vi của trẻ sẽ không gặp rắc rối gì. Những đứa con tôi đều độc lập, tự tin và khá giỏi trong việc tự kiểm soát bản thân".