Nói với trẻ về nỗi đau mất người thân

,
Chia sẻ

"Không, ông không tự nhiên biến mất, ông không đi du lịch xa... " Khi một thành viên trong gia đình qua đời, tốt hơn cả là những lời nói thật.

Trẻ con làm quen với khái niệm cái chết từ rất sớm, qua những câu chuyện, những trò chơi, những bộ phim, những bức tranh.
 
Trước năm tuổi, nhận thức của trẻ hầu như rất hồn nhiên đơn giản rằng, cái chết là nằm bất động. Chúng thậm chí chơi trò đánh nhau, bắn giết, chỉ để cười, ngã lăn ra rồi lại nhỏm dậy, vì với chúng việc hồi sinh thật dễ dàng. Sau giai đoạn này, đứa trẻ sẽ dần có ý thức rằng cái chết là điều quyết định cuối cùng, là không tránh khỏi. Vào cái tuổi trẻ biết lo sợ, biết hoảng hốt một cách có ý thức, vì những lý do cụ thể, cũng là khi những vẫn đề có thật về cái chết sẽ xuất hiện.
 
Việc những người thân qua đời sẽ cho trẻ hiểu về sự ra đi vĩnh viễn thật sự, và về vòng đời của con người. Vì sự phát triển của trẻ, cần cho trẻ biết, cho trẻ tham gia vào những sự kiện tình cảm của gia đình, và cũng là sự kiện tất yếu của xã hội loài người. Nếu không vì những lý do thật đặc biệt, không nên giấu trẻ sự thật khi một người thân qua đời.
 
Để thông báo cho các con bạn chuyện này, hãy chọn một thời gian bình lặng giữa cơn bão táp ấy, những không nên chờ quá lâu; dù sao, ngay cả khi cụ không ở gần chúng, bằng cách này hay cách khác, bọn trẻ đã biết được có chuyện xảy ra. Cho dù bạn cảm thấy đau đớn, bạn cảm thấy không dễ dàng, nhưng bạn cần phải thông báo một cách rõ ràng, đơn giản rằng: “Cụ đã chết rồi các con ạ, vừa mới hôm nay.” Buộc phải dùng những từ đơn giản và thật nhất bạn ạ. Nếu nói với trẻ rằng, “cụ vừa bỏ chúng ta đi”, “cụ vừa đi ra ngoài”, rất có thể sẽ tạo ra một tâm lý chờ đợi với trẻ. Thậm chí, tang lễ cử hành sẽ giống như một tội ác, một sai lầm, vì đứa trẻ muốn chờ cụ trở về.
 
Đừng e ngại nói về nỗi buồn đau của bạn, đồng thời cũng nói cho con hiểu là đó là điều thông thường khi người ta vừa mất đi một người thân yêu. Không kiềm chế nỗi buồn của mình, cũng là bạn giúp cho trẻ được bộc lộ tình cảm thật của trẻ, được khóc, được buồn. Điều cần làm là không để trẻ tự gây thương tổn vì nỗi đau. Hãy cho trẻ được nói, được hỏi, được hồi tưởng về người đã qua đời, đó không phải là điều cấm kị.
 
Tùy theo độ tuổi, sức khỏe, và sự nhạy cảm của trẻ, hãy gợi ý, nhưng đừng ép buộc trẻ tham dự tang lễ. Hãy nói và giải thích cho trẻ biết trẻ sẽ trông thấy những gì, và những gì sẽ diễn ra ở đó. Nếu trẻ muốn tham gia, điều quan trọng là cần một người lớn, gần gũi, ở bên để trông chừng trẻ trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ. Nếu trẻ không muốn, hãy đồng ý với lựa chọn của trẻ, và có thể gợi ý rằng: con có thể tin tưởng giao cho mẹ một món quà để mẹ đặt lên mộ cụ và nói rằng đấy là quà con dành cho cụ không? Đó cũng là cách trẻ tham dự vào tang lễ.
 
Trong những tuần sau đó, sẽ có những cảm xúc liên quan đến cái chết được bé thể hiện qua những trò chơi, những bức tranh, hay những khó chịu về sức khỏe: như đau bụng, khó ngủ, mất tập trung... Hãy tiếp tục trò chuyện cởi mở với trẻ và hiểu rằng, những biểu hiện đó là rất thông thường và những nỗi đau như vậy sẽ được xoa dịu với thời gian.
 
Thanh Ngọc
(Madame le Figaro)
Chia sẻ