Nỗi niềm trẻ muốn mẹ sinh em bé

Phương Lê,
Chia sẻ

Bên cạnh một số bé rất khó chịu, hay mè nheo khi mẹ có em bé, sợ mẹ sẽ bênh vực em bé mà “bỏ rơi” mình, thì rất nhiều bé lại nằng nặc đòi mẹ phải sinh em bé.

Nỗi niềm con một

Tôi rất bất ngờ khi tình cờ nghe được câu dỗ dành con của chị Hải, Q. Phú Nhuận, TP.HCM: “Bé Bi ngoan, ráng ăn hết chén cơm này, ngoan đi mai mốt mẹ sẽ sinh em bé cho con, mẹ hứa đấy!”. Bi đã vào lớp mẫu giáo nhưng vẫn còn rất nhõng nhẽo, bữa ăn nào cũng đòi mẹ phải đút ăn. Ở trên trường, có bạn bè đông vui, bé ăn rất ngoan nhưng khi về nhà, phải ngồi ăn một mình là bé kiếm đủ thứ lý do để “Bi không ăn cơm đâu”. Lúc nào bé cũng đòi mẹ đẻ em bé để “em bé chơi với Bi và ăn cơm chung với Bi nữa”.

Chị Nhi ở Q.3, TPHCM cũng đang đau đầu với bé Cún nhà mình. Vì không muốn con phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức khi còn quá nhỏ nên thứ Bảy, Chủ nhật chị chị cho con ở nhà chơi, không đi học thêm như các bạn.
 

Là chủ một tiệm salon làm tóc, trang điểm tại nhà nên thường những ngày cuối tuần khách khá đông. Những lúc thợ làm không xuể, hay những lúc có khách hàng quen thuộc của tiệm, chị phải xuống làm cho khách. Không cho con xuống tiệm vì sợ hóa chất này nọ, chị để con phải chơi một mình trên lầu.

Sợ con buồn, nên mỗi lúc có khách hàng gọi chị hay chần chừ, nán lại chơi với con thêm một lát. Thấy vậy, bé Cún ngoan ngoãn: “Mẹ cứ làm việc đi, Cún ở trên này Cún chơi với búp bê cũng được rồi, miễn mẹ hứa ít bữa sẽ sinh em bé giống như mẹ bạn Khánh Vy, giống dì Út nữa là Cún hết buồn liền”.

Bố mẹ… nhìn nhau

Chọn thời điểm thích hợp để sinh con thứ hai là việc không hề đơn giản. Không ít ông bố bà mẹ hiện nay vì quá bận rộn cho công việc mà việc sinh con cứ phải lần lữa mãi. Cũng không ít trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau mà một số cặp vợ chồng chỉ có thể “dừng lại ở một con”.

Vừa được đề bạt lên vị trí trưởng phòng trong một công ty kinh doanh nên chị Hải vô cùng bận rộn. Cương vị mới đòi hỏi chị phải đảm đương rất nhiều việc khác nhau. Công việc của chồng chị cũng khá căng thẳng nên mỗi lần nghe con mè nheo chuyện có em bé, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau cười trừ. Anh chị muốn sắp xếp cho công việc ổn định, đợi con lớn hơn chút nữa để bé có thể tự chăm sóc mình rồi mới tính đến chuyện “viết tiếp tập hai”.
 
Có mẹ chơi cùng nhưng vẫn không vui bằng chơi với em bé
(Ảnh minh họa)

Nhưng mỗi lần dỗ dành con, bé đều phụng phịu: “Bi lớn rồi mà, Bi có thể trông em giúp mẹ”. Gần đây, vợ chồng chị Hải đã mua cho bé Bi một con chó nhỏ để con có bạn chơi đùa cho đỡ buồn, con bé đặt tên chú cún con là Lulu. Từ ngày có Lulu, bé vui vẻ hơn nhiều nhưng thỉnh thoảng bé vẫn “nhắc chừng” mẹ chuyện có em bé.

Còn bé Cún thì nhiều lúc đang chơi, bé bỗng đòi chị Nhi chở qua nhà dì Út cho bé “nhìn em bé một tí”.

Trẻ con vốn thích đông vui, thích có người để chơi đùa cùng. Trên trường học, trẻ có thể chơi đùa với nhiều bạn nhưng khi về nhà, nếu bố mẹ bận rộn, không có ai chơi cùng, các bé sẽ cảm thấy rất cô đơn. Ngoài ra, các bé cũng thích tỏ ra làm người lớn. Tâm lý trẻ con, nếu có em bé, tức là được làm anh, làm chị, các bé sẽ ra được ra dáng người lớn, sẽ tự cảm thấy mình rất là.. oai!

Việc các bé không những không tỏ ra ganh tỵ, sợ em bé sẽ giành mất bố mẹ của mình mà trái lại, đòi mẹ phải sinh em bé, đôi khi cùng là một… áp lực của không ít cặp vợ chồng!

Chia sẻ