Nỗi khó của dạy con hôm nay

,
Chia sẻ

Vai trò của gia đình trong giáo dục con cái thì đã rõ. Nhưng thực tế lại nảy sinh nhiều hiện tượng khó giải thích và đúng với quy luật thông thường (ít ra là về hình thức bên ngoài).

Thí dụ như có nhà "thả" con ra với đời thì con lại thành công hơn là ở một gia đình kèm cặp con rất sát sao.

Rồi lại có nhà cả cha mẹ đều là các cán bộ hiền lành chăm chỉ làm ăn thì con cái lại hư và không thành đạt bằng con nhà hàng xóm có cha mẹ buôn gian bán lận, chạy chọt như ma quỷ!

Sở dĩ có vẻ mâu thuẫn như vậy vì xã hội đang trong quá trình định hình nên những giá trị mới chưa rõ ràng trong khi xã hội còn đầy những thành kiến.
 

Dạy con trong thời đại bây giờ không còn là điều dễ dàng

Báo chí, các nhà tâm lý ra sức kêu gọi các bậc cha mẹ ý thức là người thầy đầu tiên dạy con nhiều đức tính quý báu của dân tộc. Đồng ý ngay! Nhưng các bậc cha mẹ bây giờ thường phải đau đầu tìm ra phương cách giải các bài toán thực tế hóc búa. Nếu theo lối giáo dục truyền thống kiểu áp đặt, theo sát thì bị phê phán là lạc hậu. Và theo sát được con cái trong điều kiện hiện nay không phải dễ. Có những câu chuyện dở khóc dở cười ai cũng biết là nhiều cậu ấm cô chiêu vẫn "đi học" đều, xin tiền đóng học phí đều, té ra không hề đến lớp.

Có người nói đó là việc lối giáo dục truyền thống kiểu theo sát đã được thay bằng sự lới lỏng của gia đình (được cho là đã tạo cho con cái khoảng tự do cần thiết để phát triển nhân cách độc lập). Không thể phủ nhận một sự thật là có nhiều gia đình gương mẫu của xã hội đã trở thành những gia đình có vấn đề. Có chuyên gia nghiên cứu cho rằng "xã hội hiện nay có xu hướng đòi hỏi qúa nhiều ở gia đình trong khi tạo điều kiện quá ít cho nó".

Ở gia đình hiện đại ngày nay, nhất là giới có học, làm ăn kinh tế khá, trung lưu, tiếp cận nhiều cái mới, thì thường có được một sự thay đổi rất rõ: Đó là con cái được tôn trọng và được đầu tư khá tốt để học hành. Những người tối mặt tối mày lo cơm áo, lo làm ăn đến quên cả giáo dục con cái bây giờ lại không hoàn toàn là nhà giàu. Mà là nhà còn nghèo khó. Con nhà giàu chưa chắc đã dễ hư hơn con nhà nghèo như xưa nay ta vẫn nghĩ.

Khi sử dụng tiền bạc, người ta đã khôn hơn trước nhiều và con cái với tương lai của chúng được coi là đối tượng, là mục đích lao động đầu tư của nhiều bậc cha mẹ. Nếu có con nhà giàu hư hỏng thì lại hư kiểu khác, tiêu tiền, ăn chơi như phá, không có trách nhiệm... Nhưng nhìn chung, các bậc cha mẹ đã tinh tường hơn trước nhiều trong việc đối xử với con cái. Sự tôn trọng đã được hình thành trong mối quan hệ gia đình.

Người ta thường hỏi: Vậy gia đình nên làm gì, bắt đầu từ đâu để có mối quan hệ tốt? Có lẽ câu trả lời là tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Ngày xưa cha mẹ là nguồn tri thức chủ yếu cung cấp kiến thức cho con thì ngày nay giới trẻ lại có nhiều điều kiện tiếp cận các giá trị hiện đại hơn. Không hiếm gì cảnh ông bà, bố mẹ loay hoay với các thiết bị kỹ thuật số, mở cái tivi điều chỉnh các nút bấm dò kênh có khi thua thằng cháu mới lên năm chẳng hạn. Đứa ba, bốn tuổi bây giờ đã chơi game nhoay nhoáy và thằng cu bảy, tám tuổi xem phim phụ đề nhanh hơn cả ông bà. Các cô cậu thanh niên thì khỏi phải nói, chơi blog, chat chit, tra cứu trên mạng, cài đặt trò chơi, các chương trình...khó có người già nào theo kịp.

Các bậc cha mẹ mỗi khi gặp khủng hoảng về giáo dục con cái thường có xu hướng quay về với phương pháp cũ cho an toàn. Và từ đó mâu thuẫn thế hệ thường nảy sinh.

Các bậc cha mẹ khôn ngoan thường trau dồi cho mình tiến bộ cùng thời đại, để có thể hiểu biết văn hóa, hiểu biết con người nói chung, từ đó dễ hiểu biết con cái của mình với các đặc điểm thế hệ, nhờ vậy mà không phải loay hoay lựa chọn giữa việc mình sẽ áp đặt hay là nới lỏng kiểm soát. Họ luôn có những lựa chọn mới mẻ, tùy thuộc vào sự phát triển của mối quan hệ của mình với con cái.
 
Theo Hoàng Duy
Doanh nhân
Chia sẻ