Nỗi khổ của các "mẹ Hổ" Nhật Bản
Nếu như xã hội phương Tây khuyến khích trẻ em phát triển với những thế mạnh mình sẵn có, thì các "mẹ Hổ" ở Nhật có một niềm tin mãnh liệt có thể đảo ngược thế cờ và đạt thành công nếu mẹ và con nỗ lực hết sức.
So với sự đưa đón vất vả của cha mẹ Việt, sự tham gia của cha mẹ Nhật đối với quá trình nuôi dạy con, từ chính khóa tới ngoại khóa quả là nhọc nhằn. Sự tham gia và đòi hỏi tham gia quá mức này khiến người nước ngoài nhìn vào có chút giễu nhại, cho rằng nó biến các bậc phụ huynh Nhật trở thành "helicopter parents" trong văn hóa phương Tây, hay mẹ Hổ kiểu châu Á. Ở Nhật, các bậc phụ huynh như vậy, được gọi bằng cái tên tao nhã hơn: Kyoiku mama - "bà mẹ giáo dục".
Kyoiku mama trong xã hội hiện đại Nhật Bản là thuật ngữ giễu nhại miêu tả người mẹ không ngừng chạy theo chuyện học tập của con. Ở nghĩa tích cực, họ đóng vai trò xã hội ghi nhận là một người vợ tốt, người mẹ khôn ngoan. Ở nghĩa tiêu cực, họ là người gây tổn hại cho sự phát triển thể chất và xã hội của đứa trẻ, khi những đứa trẻ có cha mẹ bao bọc và thúc ép thái quá có xu hướng lớn lên trở thành những kẻ hách dịch, tự ti hoặc chống đối xã hội. Không hiếm các trường hợp trẻ em vì bị mẹ thúc ép học tập đã dẫn tới chán ghét học đường và gia đình, gây nên các hệ lụy như trầm cảm, tự tử. Hình ảnh trào phúng về các bà mẹ kyoiku là những người bị ám ảnh về học đường, về sự hoàn hảo, ghen tị với những bà mẹ và những đứa trẻ có thành tích tốt hơn con mình.
Kyoiku mama trong xã hội hiện đại Nhật Bản là thuật ngữ giễu nhại miêu tả người mẹ không ngừng chạy theo chuyện học tập của con (Ảnh minh họa).
Niềm vui của mẹ đến từ danh tiếng trường học của con
Đi dạo quanh Tokyo hoặc bất kỳ thành phố lớn khác của Nhật vào buổi tối muộn, bạn có thể nhận thấy những bà mẹ bất chấp thời tiết đứng tụm lại trò chuyện và trao đổi thông tin, và sau đó là những đứa con túa ra từ lớp Juku - hay nôm na là những lò luyện thi như ở Việt Nam, nơi mẹ chúng đang chờ sẵn. Juku là các cơ sở tư nhân được lập nên để giúp trẻ vượt qua các kỳ thi tuyển sinh khó khăn để vào được các trường trung học và đại học ưu tú. Số tiền cho những lớp học thi này không hề nhỏ, có thể lên tới 1000$/tháng. Không chỉ giúp con học các lễ nghi đúng đắn của một xã hội đầy quy tắc, bọn trẻ còn được mẹ cho học bơi lội, các môn nghệ thuật và thư pháp từ khi còn rất nhỏ.... để chứng minh khả năng giỏi giang của trẻ, nhằm nhận được sự ấn tượng và ưu tiên vào các trường mẫu giáo tư danh tiếng. Nhà tâm lý học nổi tiếng Machizawa Shizuo nói: "Những bà mẹ này cho rằng được nhận học vào các trường tiểu học tư nhân đắt đỏ là niềm vui cho con cái, gia đình và bản thân họ.
Vốn được xã hội gán cho trọng trách chính yếu trong việc nuôi dưỡng một thế hệ tiếp theo, với việc con cái phải đạt được điểm cao trong kỳ thi trung học, vào được đại học top đầu mới có công việc tốt, mới hòng có được một người vợ lý tưởng, các bà mẹ buộc phải đi theo lộ trình chọn lựa những trường học tốt nhất cho con từ thời mẫu giáo trở đi. Không hiếm các bà mẹ Nhật cũng lén lút đi cửa sau hòng giúp cho con mình vào được những trường có tỉ lệ chọi lớn. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại các thành phố lớn, nhiều bà mẹ không ngại ngần đi theo, thuê khách sạn và chờ đợi trong khi con mình ứng thí.
Những bà mẹ bất chấp thời tiết đứng tụm lại trò chuyện và trao đổi thông tin, và sau đó là những đứa con túa ra từ lớp Juku (Ảnh minh họa).
Vì ghen tị mà giết con người khác
Cuối năm 1999, nước Nhật từng rúng động vì một thiếu phụ 35 tuổi tên Yamada, vì ghen tị mà giết chết cô gái nhỏ 2 tuổi nhà hàng xóm, khi cô bé đó được nhận vào trường mẫu giáo "điểm", còn con gái của Yamada thì không. Và kể từ khi câu chuyện diễn ra, báo chí và truyền thông Nhật đã tốn nhiều giấy mực và thời giờ để gióng lên cảnh báo về hệ thống giáo dục khắc nghiệt cũng như vai trò đầy áp lực của các bà nội trợ. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là trong rất nhiều phản hồi của công chúng với truyền thông, có không ít bà mẹ bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ mình "từng có một ý tưởng tương tự" như Yamada.
Một nhà bình luận nổi tiếng về các vấn đề của phụ nữ cũng cho hay: Vụ giết người không chỉ phản ánh áp lực nơi các bà mẹ coi mục đích duy nhất của họ là tìm được thành công cho con cái thông qua con đường giáo dục, mà nó còn phản ánh sự vắng mặt của người cha trong gia đình. Rõ ràng Yamada đã không thể chia sẻ với chồng những gì mình đã trải qua và nhận được sự giúp đỡ.
Các bà mẹ coi mục đích duy nhất của họ là tìm được thành công cho con cái thông qua con đường giáo dục (Ảnh minh họa).
Một nhà tâm lý học khác phân tích: Có thể Yamada đã bị nhấn chìm trong một môi trường nơi người ta đánh giá giá trị của cô thông qua vẻ ngoài, quần áo, địa vị của ông chồng, trường học mà con cô đang học và tình trạng kinh tế của gia đình, và cô cảm thấy cuộc sống của mình trở nên nặng nề sau khi gặp các bà mẹ khác. Ngoài những nhân tố này, người phụ nữ không hề có cơ hội nào khác để khẳng định giá trị cá nhân mình.
Không có cơ hội nào khác để là chính mình
Sự căng thẳng đến với các "bà mẹ giáo dục" còn đến từ các tình huống trớ trêu khác: sự phân chia tầng lớp giáo dục. Rất nhiều gia đình thượng lưu, giàu có không thể chịu việc con cái của họ học chung trường với trẻ em đến từ các gia đình bình dân, coi đó là sự sỉ nhục và hạ thấp cộng đồng của mình. Một bà mẹ đến từ một gia đình trung lưu tâm sự cô cảm thấy suy nhược và mỏi mệt khi xung quanh mình là các bà mẹ lái những chiếc xe sang trọng đưa đón con đi học, và tỏ ý lườm nguýt rõ ràng với chiếc xe bình dân của cô. Những bà mẹ giàu có thì đôi khi phát điên khi con cái của những gia đình nghèo hơn đỗ đạt trong các kỳ thi tuyển còn con của mình thì trượt. Tất cả những điều này làm gia tăng thêm số bệnh nhân tìm đến các bác sĩ tâm lý.
"Mẹ Hổ" ở Nhật có một niềm tin mãnh liệt có thể đảo ngược thế cờ và đạt thành công nếu cô và con của mình nỗ lực hết sức (Ảnh minh họa).
Nếu như xã hội phương Tây khuyến khích trẻ em phát triển với những thế mạnh mình sẵn có, thì các bà mẹ giáo dục có một niềm tin mãnh liệt có thể đảo ngược thế cờ và đạt thành công nếu cô và con của mình nỗ lực hết sức. Nếu một đứa trẻ không thành công, chúng và mẹ đã không cố gắng đủ. Thứ áp lực vô hình này khiến cho người mẹ cảm thấy căng thẳng vì họ là người chịu trách nhiệm chính cho kết quả cuối cùng. Người mẹ được coi là không có kỹ năng tự nuôi con, hoặc ích kỷ, khi họ giao con mình cho ai đó chăm sóc hoặc tự theo đuổi mơ ước của mình.
Có một nghiên cứu cho hay, việc người mẹ dành nhiều thời gian gắn với con cái của mình có liên quan đến trình độ học vấn của cô. Điều vô cùng ngược đời là người phụ nữ càng ở tầng lớp trên, có học vấn cao càng tích cực tham gia vào giáo dục con trẻ. Gia đình càng ít học thì con cái càng ít được quan tâm.
Tuy không phải không có mặt trái, nhưng hình ảnh các bà mẹ giáo dục Nhật được coi là hình mẫu được ca ngợi trong nhiều xã hội khác nhau, trong đó không chỉ có Việt Nam mà ngay cả nước Mỹ. Khác với vẻ hung hăng của các helicopter parents tại Mỹ, các kyoiku mama Nhật trong mắt người Mỹ được hình dung như là những bà mẹ nhu mỳ, kiên nhẫn, không ngừng giữ liên lạc với giáo viên, giám sát bài tập về nhà, sắp xếp trợ giúp thêm nếu cần thiết, và củng cố động lực của đứa trẻ.
So với trẻ em Mỹ, thanh thiếu niên Nhật Bản ít sử dụng ma túy và mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên, tuy nhiên người ta không chắc đây là nhờ các bà mẹ hay do luật pháp chặt chẽ và những giá trị xã hội sâu sắc hơn trong văn hoá Nhật Bản.
Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta "ngả mũ" trước cách người Nhật giáo dục trẻ em. Độc giả có thể đọc thêm những bài viết thú vị của mẹ Masao tại đây.