Nhường nhịn mới là bảo vệ mình

Ngọc Trang,
Chia sẻ

Dạy con kỹ năng quan tâm, yêu thương và biết chia sẻ với mọi người xung quanh là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Nhường nhịn mới là bảo vệ mình - Ảnh 1.

Trẻ cần được dạy về cách chia sẻ cảm xúc, giúp đỡ người khác,… để trở thành những em bé hạnh phúc. Ảnh minh hoạ

Nhường nhịn mới là bảo vệ mình

Theo cô Nguyễn Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, cha mẹ không chỉ là người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm mà đôi khi còn là bạn của con, nói chuyện với con bằng ngôn ngữ “cùng trang lứa”.

“Làm cha mẹ không chỉ là bản năng mà còn cần kỹ năng. Khi có con, ở mỗi lứa tuổi, người mẹ lại dạy con những đức tính cần thiết để trở thành người tốt, thành công trong cuộc sống, tự tin, tự chủ với những lựa chọn.

Một trong những đức tính mà cha mẹ nên dạy con sớm nhất, đó là sự nhường nhịn, biết chia sẻ. Khi con còn chưa biết nói, con trẻ đã có thể sử dụng tiếng khóc, hờn dỗi để đòi hay yêu cầu người khác chiều theo ý của mình. Vì vậy, cần “chiều” con đúng cách, nhất là đừng tự huyễn hoặc rằng biết đòi hỏi chính là lanh lẹ, thông minh”, cô Nguyễn Ngọc Hà cho hay.

Cũng theo cô Hà, biết chia sẻ là một đức tính tốt mà cha mẹ cần phải dạy con từ nhỏ, vì điều này là một trong những yếu tố để hình thành nên nhân cách trẻ sau này.

Quả thật, không ít phụ huynh vẫn giữ trong lòng ý nghĩ “nhường nhịn thường thua thiệt”.

Chị Nguyễn Hải Hà (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Cát Linh, HN) chia sẻ: “Khi con trai vào lớp 1, thấy con tự tin, lúc nào cũng dẫn đầu các bạn, cả nhà luôn tự hào vì cho rằng con có tố chất lãnh đạo. Như được ủng hộ, con càng bộc lộ rõ ràng, lên sân khấu tranh mic của bạn, sốt ruột khi chưa đến lượt mình thi đấu, luôn muốn giành phần hơn đối với bạn bè, muốn mình phải chiến thắng và được đáp ứng mọi yêu cầu.

Ban đầu, gia đình mình tặc lưỡi nghĩ rằng trẻ nhỏ thôi mà, nó lanh lẹ một chút càng đỡ lo con mình bị ăn hiếp. Thế nhưng, theo thời gian, khi thói quen thích tranh giành ấy ngấm sâu, con trai luôn đòi hỏi mình phải có ngay thứ mình thích, không biết chờ tới lượt, thậm chí muốn gây sự, bắt nạt các bạn, các em nhỏ hơn mình thì bố mẹ mới bắt đầu lo lắng”.

Cô Hà cho rằng, trường hợp trên không phải là tâm lý hiếm gặp. Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng con biết tranh giành sẽ không chịu thiệt thòi và yên tâm khi con lớn lên, ra ngoài xã hội cũng không cần ai bảo vệ. Thế nhưng, “tranh giành không phải là tự tin, nhường nhịn mới là tự bảo vệ mình”. Tất nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng sẵn sàng “nhường” và “nhịn” mà cần hiểu đúng tính chất của sự chia sẻ để chia sẻ.

Cụ thể hơn, nữ nhà giáo phân tích: “Khi con còn nhỏ, việc chiếm hữu có thể khiến con nghĩ là mình chiến thắng nhưng khi lớn hơn, con sẽ nhận phần thiệt về mình là không có bạn bè, luôn cảm thấy cô đơn ở đám đông.

Bởi, không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn, chắc hẳn chẳng ai muốn chơi cùng với những người luôn thích tranh giành lợi ích về mình. Từ đó, bé sẽ không cảm nhận được niềm vui được chơi chung, được chờ đến lượt, được có những tình bạn chân thành. Không chỉ thế, người thân trong gia đình, đặc biệt là anh chị em ruột của bé cũng sẽ rất dễ bất hòa nhau”.

Nhường nhịn mới là bảo vệ mình - Ảnh 2.

Dạy con nguyên tắc chờ đến lượt

Theo cô Hà, cha mẹ không nên quá quan trọng hoá việc dạy con biết chia sẻ. Đôi khi chỉ đơn giản là “chờ đến lượt”. Trong nhiều trường hợp, luôn nhắc nhở với các con “cứ chờ rồi sẽ đến lượt mình”.

Ví dụ, khi đi siêu thị, con có thể lanh chanh chen lấn lên trên để được thanh toán trước thay vì xếp hàng. Cha mẹ giúp con hiểu, những việc như thế cần có một trật tự, nếu ai cũng chen lấn để được dẫn đầu thì thời gian đến lượt còn bị kéo dài hơn.

Hay con ra công viên chơi, khi thấy bạn khác đang chơi chiếc xích đu mà con thích, đừng đồng tình với việc con giành với bạn, mà hãy chờ... Nếu không thì hướng con đến sự chờ đợi bằng cách, để con nói với bạn “khi nào chơi xong thì cho mình chơi nhé”,… Cũng chính từ việc chờ đợi này, con sẽ tự khắc biết chia sẻ với cảm giác của người khác mà “biết chia sẻ”. Có thể, lần sau, khi ai đó đang chờ con chơi xong để được chơi, con sẽ sẵn sàng đứng lên nhường cho bạn.

Theo cô Hà, hãy cố gắng đưa ra những cách giải quyết ổn thỏa đối với trẻ, thỉnh thoảng mới nhường và nhường trong chừng mực mà bé chấp nhận được. Khi trẻ nhất định không nhường, cha mẹ cũng đừng la mắng hay dùng hình phạt để giải quyết, chuyện nhường nhịn không phải ngay lập tức có thể làm được ngay.

Thay vào đó, người lớn hãy để con hiểu rằng, nếu con cho người khác chơi cùng hoặc được chơi món đồ đó một lúc, họ sẽ cảm thấy rất vui, còn con vẫn có thể chơi sau đó. Còn trong gia đình, muốn dạy trẻ yêu thương nhau thì trước hết cha mẹ cần công bằng với mọi việc, kể cả việc ăn, sử dụng đồ của các con.

Ngoài ra, theo cô Hà, chúng ta không hiếm bắt gặp nhiều trẻ sống rất thờ ơ, không quan tâm đến những người xung quanh hay ngay cả người thân trong nhà. Điều này, thực sự không hề tốt chút nào, có thể bạn nghĩ chúng chỉ là vấn đề nhỏ nhưng nó ảnh hưởng khá nhiều trong việc hình thành nhân cách và lối sống của trẻ sau này.

“Do đó, người lớn cũng có thể dạy con cách chia sẻ việc nhà, chia sẻ cảm xúc, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn,… cha mẹ đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên chưa để ý, chưa hiểu biết được vấn đề. Người lớn hãy luôn bên cạnh, dùng tình yêu thương của mình để cùng đồng hành, định hướng và uốn nắn cho con nên người và trở thành những em bé hạnh phúc”, cô Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ