Những trường hợp cần cân nhắc khi quyết định làm mẹ
Có một số trường hợp được bác sĩ khuyến cáo phụ nữ cần cân nhắc kỹ khi sinh con để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Được làm mẹ là ước mơ của nhiều phụ nữ nhưng trên thực tế không phải ai cũng phù hợp với việc mang thai và sinh nở, đặc biệt là những người có sức khỏe kém. Mặc dù vậy vẫn có một số phụ nữ bất chấp thể trạng không cho phép, mạo hiểm mang thai để thực hiện mong muốn được làm mẹ của mình.
Yao Yao (Trung Quốc) mắc hội chứng lùn. Cô và chồng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Để thực hiện ước mơ làm mẹ, cô nhất quyết muốn có một đứa con bất chấp sự can ngăn của gia đình.
Trong quá trình khám thai, bác sĩ nhiều lần khuyên Yao Yao nên bỏ đứa trẻ vì thể chất của cô không thích hợp để sinh con. Các bác sĩ lo ngại nếu thai nhi phát triển bình thường sẽ chèn ép các cơ quan của người mẹ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, trẻ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh sau khi sinh. Dù phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng Yao Yao vẫn muốn sinh con.
Quá trình mang thai rất khó khăn với Yao Yao nhưng cô vẫn kiên trì. Cuối cùng đứa trẻ chào đời thuận lợi khiến cả gia đình cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Tuy nhiên, khoảng thời gian vui vẻ đó không kéo dài được bao lâu, đứa trẻ sớm được chẩn đoán mắc bệnh xương thủy tinh. Đây là một căn bệnh khiến xương cực kỳ mỏng manh, gây đau đớn suốt đời. Yao Yao đau lòng khi nghĩ đến cuộc sống khó khăn mà con cô sẽ phải đối mặt.
Khi phụ nữ muốn trở thành mẹ, họ cần xem xét thể trạng của mình có phù hợp hay không. Điều này không chỉ liên quan tới sức khỏe của người mẹ mà cho cả em bé. Những phụ nữ có thể trạng không phù hợp để sinh con cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhóm phụ nữ nào không thích hợp để mang thai?
1. Người bị tiểu đường
Khi mang thai, nhau thai tiết ra các hormone làm tăng lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, có thể dẫn đến các biến chứng như huyết áp cao, sinh non và thai to.
Ngoài ra, thai nhi còn có thể phải đối mặt với nguy cơ hạ đường huyết sau sinh, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng trong trường hợp nặng. Vì vậy, bà bầu mắc bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát lượng đường trong máu và khám thai định kỳ.
2. Người mắc STD (bệnh lây qua đường tình dục)
Nếu phụ nữ mang thai mắc STD nhưng không được điều trị có thể truyền sang thai nhi qua nhau thai hoặc trong khi sinh. Điều này có nghĩa là một đứa trẻ sinh ra có thể mắc STD, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng mắt, viêm phổi và thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh.
Vì vậy, việc sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục trước và trong khi mang thai rất quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và con.
3. Người mắc bệnh tim
Ở những bệnh nhân mắc bệnh tim, gánh nặng lên tim tăng lên đáng kể khi mang thai, điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ sinh non hoặc sảy thai.
Do hệ thống tuần hoàn của bệnh nhân mắc bệnh tim không thể cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng nên chức năng của nhau thai có thể bị ảnh hưởng, cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi.
Để giảm thiểu nguy cơ, phụ nữ mang thai mắc bệnh tim cần được theo dõi tim mạch chặt chẽ và chăm sóc chuyên biệt trong thai kỳ.
4. Người mắc bệnh lùn
Khi người mắc bệnh lùn mang thai, quá trình mang thai có thể gây nhiều căng thẳng cho cơ thể do cấu trúc cơ thể và các cơ quan nội tạng tương đối nhỏ.
Khi thai nhi lớn dần, không gian tử cung bị hạn chế có thể cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi, nó sẽ chèn ép lên các cơ quan của người mẹ, gây ra các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa và các hệ thống khác.
Do đó, việc mang thai của người mắc bệnh lùn được coi là có nguy cơ cao và cần được theo dõi chặt chẽ cũng như hỗ trợ của chuyên gia để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Làm thế nào để phòng ngừa thai nhi có vấn đề?
1. Chú ý khám tiền hôn nhân
Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn là điều vô cùng quan trọng đối với các cặp đôi. Khám tiền hôn nhân bao gồm đánh giá sức khỏe thể chất toàn diện, có thể phát hiện các bệnh di truyền hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác ở 2 vợ chồng.
Ví dụ, một số bệnh di truyền có thể không biểu hiện ở cha hoặc mẹ nhưng có thể truyền sang con cái. Thông qua việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp vợ chồng không chỉ có thể hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của nhau mà còn có những biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho con cái sau này.
2. Duy trì thói quen sinh hoạt tốt
Trong xã hội hiện đại, nhiều người thường thức khuya, hút thuốc, uống rượu do áp lực công việc cao hoặc thói quen sinh hoạt không tốt. Những hành vi này rất có hại cho cơ thể. Thức khuya lâu ngày có thể dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch, hút thuốc và uống rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh mãn tính khác.
Vì vậy, việc duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh rất quan trọng. Một chế độ ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục vừa phải và tránh xa thuốc lá, rượu bia đều có thể giúp nâng cao thể lực, tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa phát sinh nhiều bệnh tật.
3. Khám thai định kỳ
Các bà mẹ tương lai nên chú trọng đến việc khám sức khỏe trước khi sinh, bởi khám thai định kỳ là biện pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm, xét nghiệm máu và các phương pháp khác để hiểu toàn diện về sự phát triển của thai nhi và theo dõi sức khỏe thể chất của sản phụ.
Thông qua việc khám thai, những vấn đề tiềm ẩn như sự phát triển bất thường của thai nhi, huyết áp bất thường ở phụ nữ mang thai có thể được phát hiện và xử lý kịp thời để đảm bảo thai kỳ diễn ra suôn sẻ.
Nếu bỏ qua việc khám thai, một số vấn đề tiềm ẩn có thể không được phát hiện và xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.