Những sự thật bất ngờ về trẻ sơ sinh mà các mẹ không hay biết

Lan Dương,
Chia sẻ

Hầu hết các mẹ đều mong muốn con mình sinh ra có đôi má ửng hồng, làn da trắng sữa và mái tóc đáng yêu. Nhưng thực tế, trẻ sơ sinh mang nhiều đặc điểm khiến bố mẹ không khỏi bất ngờ.

1. Mắt bé bị lé

Trong sáu tuần đầu tiên, đôi mắt của nhiều trẻ sơ sinh dường như bị lé. Mẹ đừng quá lo về điều đó. Giống như tất cả các cơ trong cơ thể, bé sơ sinh chưa có khả năng kiểm soát hoàn toàn cơ mắt của mình. Sẽ có lúc mẹ thấy bé nhìn thẳng vào mẹ. Lại có lúc, hai mắt của bé như đi theo hai hướng khác nhau. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Phải mất 4 tháng, hai mắt của bé mới hoàn toàn có thể hoạt động nhất quán. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý quan sát những biểu hiện khác lạ của mắt bé và đưa bé đến gặp các bác sỹ chuyên khoa khi mẹ nghi ngờ có điều gì bất ổn với đôi mắt của bé yêu.

Trẻ sơ sinh

2. Giấc ngủ ồn ào

Có thể mẹ sẽ thất vọng trước những hình dung ban đầu về giấc ngủ của bé. Vì não bộ chưa thể kiểm soát được cơ quan hô hấp của bé nên mẹ sẽ thấy những âm thanh “lạ” xuất hiện trong giấc ngủ của bé như tiếng mưa rơi lộp bộp, tiếng khò khè và thậm chí là cả tiếng òng ọc như nước chảy.

3. Phản xạ Moro

Phản xạ Moro hay còn gọi là phản xạ do giật mình. Khi có cảm giác như đang rơi hoặc khi giật mình, bé sẽ duỗi thẳng hai tay và chân... Mẹ đừng lo bởi đây là một trong số các phản xạ đáp ứng với bản năng sinh tồn tự nhiên của bé. Phản xạ này là một phần trong sự phát triển của trẻ sơ sinh và sẽ kéo dài 3 – 4 tháng đầu tiên. Nếu bé của bạn thường xuyên giật mình thức giấc, mẹ hãy xem lại cách quấn tã cho bé và bảo đảm rằng chiếc tã được quấn không quá lỏng lẻo.

Trẻ sơ sinh

4. Những vết bớt

Những vết bớt rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Những vết có màu hồng nhạt là dạng thông thường nhất của bớt có liên quan đến các mạch máu gần với da. Dạng bớt này còn được gọi là “nụ hôn của thiên thần” nếu chúng nằm trên trán, giữa hai mắt hoặc trên mí mắt của bé. Nếu nằm trên lưng, trên cổ hay sau gáy, chúng được gọi là “vết cò mổ”. Chúng cũng có thể nằm trên đầu mũi, trên môi hoặc bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể của bé sơ sinh. “Nụ hôn của thiên thần” hầu hết sẽ biến mất ở tuổi lên hai, nhưng “vết cò mổ” thì có thể tồn tại cho tới lớn. Các vết bớt này vô hại và không cần điều trị.

5. Lớp lông tơ

Từ tuần thứ 14 hoặc 15 của thai kỳ, những sợi lông nhỏ bắt đầu mọc qua da, hình thành những chân tóc rất sớm cho bé. Quá trình mọc tóc diễn ra liên tục trên đầu bé. Ở tuần thứ 14, đầu em bé được phủ kín bởi một lớp lông tơ để giữ ấm đầu. Lông tơ cũng mọc ở khắp người bé giống như một chiếc áo khoác giữ ấm cơ thể. Nhưng cho đến tuần 30, lớp lông tơ đó sẽ rụng đi. Tuy nhiên, một số bé khi sinh ra vẫn còn lớp lông đó trên lưng, vai, má hay trán. Thông thường chúng cũng sẽ tự biến mất, nhưng nếu mẹ lo lắng về điều khác lạ này của bé, mẹ có thể nhờ bác sỹ nhi kiểm tra cho bé.

6. Lớp vảy trên đầu bé

Ở một số bé sơ sinh, trên đỉnh đầu thường có một lớp vảy màu vàng tro như dầu mỡ, hoặc màu nâu vàng, hay màu đen lởm chởm dày mỏng không đều nhau (thường gọi là “cứt trâu”). Lớp vảy này phần lớn là do bố mẹ khi gội đầu và tắm rửa cho bé không dám lau kỹ do nhìn thấy thóp trên đầu bé phập phồng lên xuống, sợ động chạm vào sẽ ảnh hưởng tới bé yêu. Thực chất, lớp vảy ấy được hình thành do tuyến nhờn của da tiết ra chất nhờn và da đầu bị chết rồi hoá sừng, tích tụ lại trong thời gian dài tạo nên một lớp vảy lỗ chỗ, dày mỏng không đều nhau. 

Mẹ lo rằng chúng có thể gây rắc rối và ảnh hưởng tới sức khỏe của bé - sự phát triển của tóc bé hoặc làm da đầu bé bị phát ban do nhiễm trùng, chảy nước… Tuy nhiên, nó thường tự hết trong vòng một vài tháng. Mẹ có thể nhẹ nhàng lau da đầu bé với bàn chải đánh răng lông mềm, hoặc rửa bằng một loại dầu gội nhẹ để giúp các vảy trên da đầu bé nhanh chóng bong ra. 

Mẹ cũng lưu ý không cố cậy các lớp vảy trên đầu bé vì có thể làm cho da đầu bé bị tổn thương, gây nhiễm trùng, sưng, viêm da. Để tránh chúng tái phát, mẹ nên dùng dầu gội dành riêng cho bé thường xuyên để làm sạch chất nhờn hàng ngày trên da.

7. Các vết đốm khu vòm miệng

Những chấm như ngọc trai màu trắng và nhỏ này xuất hiện ở trên nướu răng và vòm miệng của bé. Mẹ đừng lo bởi những đốm này không nguy hiểm và thường tự biến mất trong khoảng 1 - 2 tuần sau đó.

8. Ngực của bé bị sưng

Nếu vòng một của trẻ sơ sinh nở nang như đến tuổi dậy thì, mẹ không cần quá lo. Tương tự dấu hiệu sưng vùng kín (hoặc tiết dịch vùng kín, tiết dịch ở núm vú), ngực phát triển là do sự thay đổi hormone. Sưng vú ở bé hầu hết là lành tính. Nguyên nhân là do từ khi còn nằm trong bụng mẹ, bé đã tiếp xúc với kích thích tố của mẹ. Các kích thích tố này cũng làm ngực mẹ bầu to lên, kích thích các tuyến sữa. Thường vài tuần, thậm chí vài tháng khi bé không tiếp xúc với các hormone từ cơ thể mẹ nữa, các mô vú ở bé bắt đầu co lại, vú không còn sưng nữa. Đôi khi, một số mô ở vú của bé vẫn có những cục nhỏ nhưng không phát triển hoặc không gây khó chịu cho bé.

9. Hiện tượng trào nước mắt

Trẻ sơ sinh

Khi có một vật cản trên đường dẫn nước mắt của trẻ sơ sinh, nước mắt sẽ trào ra ở lỗ lệ, nếu quá trình bị tắc đó kéo dài, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào túi lệ, gây viêm gọi là viêm mủ túi lệ ở trẻ sơ sinh. Chất nhầy màu vàng cũng có thể xuất hiện ở góc của mắt bé. Trong phần lớn các trường hợp, màng tắc đó bị vỡ do bé khóc to hay hắt hơi mạnh, đường dẫn nước mắt sẽ tự thông. Mẹ cần giữ mắt bé sạch sẽ và không bị nhiễm trùng.

10. Thóp đầu của bé

Ngay khi chào đời, xương sọ của bé chưa nối liền với nhau mà giữa chúng có những khoảng không, gọi là khớp nối. Những điểm trũng giữa những khớp nối đó gọi là thóp. Thóp giúp xương sọ được mềm dẻo trong quá trình mẹ sinh bé và phù hợp với sự phát triển của xương sọ khi bé lớn dần lên. 

Sau khi bé ra đời, những chiếc xương dần dần di chuyển trở về chỗ của mình, và sọ của bé lại có hình dáng "bình thường". Thóp của bé tiếp tục bảo vệ sức khỏe cho bé, bảo vệ não bộ khỏi bị căng thẳng quá mức và đôi khi cũng cho tín hiệu về những vấn đề không ổn nho nhỏ trong tình trạng sức khỏe của bé. Hình dạng đầu của bé sẽ trở lại bình thường nhưng nếu mẹ lo lắng, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nhi.
Chia sẻ