Những ông bố đơn thân cùng con gái

,
Chia sẻ

Mái tóc dài của con giờ trở thành tóc tém. Áo con rách anh đành để rách hẳn. Khoảng cách giới tính khiến anh ngại quan tâm khi vào tuổi dậy thì, khiến con cô đơn và tủi thân…

Đó là một số ít những trúc trắc của bố khi sống đơn thân cùng con gái.

Bố học “làm mẹ”
 
Li hôn vì vợ ngoại tình, anh Hải (ở Giáp Bát - Hà Nội) đã sống đơn thân từ 7 năm nay và đảm nhận nuôi con gái, lúc đó mới được 5 tuổi.

Anh kể: “Những ngày đầu tiên sống đơn thân đúng là thử thách, nhiều chuyện bi hài không tả nổi.”

Tài nấu nướng của anh thường xuyên cho ra đời những món sống, khê hoặc “điệp khúc”.

Những khi con ốm, anh thành bà bảo mẫu thực sự, thức đêm trông con, vật lộn với việc vệ sinh, tắm rửa cho con. Hai bố con thi nhau gầy xọp đi. Thế nhưng anh sĩ diện, không nhờ vợ bao giờ.

Nhiều hôm, anh đến cơ quan với hai mắt thâm quầng. Lâu dần thành quen, đồng nghiệp tặng anh danh hiệu “ông bố giỏi… làm mẹ”.

Chuyện hài và bi nhất xảy ra khi con gái anh bước sang tuổi 12. Một buổi sáng, anh giật mình tỉnh dậy vì tiếng gọi “Bố ơi!” thất thanh của con. Vội vàng chạy sang, anh thấy con gái rượu đang ngồi khóc hu hu ngay cạnh cái ga giường đỏ vết máu.

Anh nín cười, kiên nhẫn ngồi giải thích và trấn an con. Sau đó, hai bố con dắt nhau đi mua băng vệ sinh và anh tiếp tục “làm mẹ”, hướng dẫn con vệ sinh trong những ngày đèn đỏ.

Nhưng dường như con gái anh cảm nhận mình “đã lớn” nên ngại để bố chăm sóc. Nhìn con gái lóng ngóng tự làm lấy mọi việc, anh hiểu đến lúc cần người bên cạnh giúp đỡ con khi bước vào tuổi dậy thì. Tới đây, anh Hải mới chịu nhờ vợ tư vấn cho con, mời mẹ ở quê lên bầu bạn với cháu.
 

Bố làm mẹ, làm bạn

Trong thực tế, không phải ông bố nào cũng tinh tế, tỉ mỉ và chu toàn như anh Hải nên có người chỉ quan tâm con nhiều ở đời sống vật chất.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thanh Giang, trung tâm tư vấn Linh Tâm kể: Đã có nhiều trường hợp, sự hạn chế trong việc chăm sóc và thể hiện tình cảm của bố khiến con gái cảm thấy rất cô đơn trong cuộc sống.

Chị từng gặp một trường hợp người bố gọi đến tư vấn: Từ khi li hôn, con gái anh vốn rất nhí nhảnh trở nên trầm tính, ít nói.

Là đàn ông, anh không biết thể hiện những tình cảm yêu thương sao cho con hiểu, khiến cô bé rất ít chia sẻ với bố. Chỉ có cuộc sống vật chất là đầy đủ.
 
Chính vì luôn thấy trống trải, cô đơn nên con gái anh dễ dàng sa vào chuyện yêu đương với một thanh niên hư hỏng khi mới học lớp 8. Anh ngăn cấm, cô bé nói với bố: cậu con trai đó mới khiến cô cảm thấy được hiểu, được chia sẻ và bớt buồn tủi.

Lúc này, anh nhận thấy sự vô tâm của mình đã tạo ra khoảng cách cha con, đánh rơi mất vị trí của mình trong lòng con khi cô bé gần như chỉ nghe theo lời người yêu, sẵn sàng bỏ nhà đi nếu bố tiếp tục ngăn cản.

Một trường hợp khác, sau li hôn, cả bố và mẹ đều không thôi dằn vặt nhau về lỗi của từng người trong quá khứ.

Con gái ở với bố không được mẹ quan tâm và từ nhỏ đến lớn, gần như một mình học hành, tự chăm sóc bản thân, một mình với những vui buồn ở trường lớp. Mỗi lúc bố rảnh, bố lại bận đôi co với mẹ.

Từ đó, mọi cuộc trò chuyện của hai bố con kết thúc bằng những cuộc cãi vã và cô bé bỏ nhà đi “dạt”. Đến khi bố nhận ra sự tổn thương của con thì con gái đã thuộc về một thế giới khác của đám thanh niên đua đòi, chơi bời hư hỏng.

Tinh tế như bố... chăm con gái

Chị Thanh Giang chia sẻ:

Đàn ông thường khó thể hiện tình yêu thương bằng lời nói và những cử chỉ ôm ấp, vỗ về với con cái, nhất là khi chúng lớn. Khi phải nuôi con một mình, họ mới biết rằng có vô số những tiểu tiết chăm sóc con. Trước đây, họ thường tham gia dạy con những điều “lớn lao”.

Vì vậy, khi bố đối diện với thử tháchh nuôi con một mình, bố hãy cố gắng thay đổi bản thân.
 
Nếu bố vẫn dành cho con những tình cảm đầy ắp thì con trẻ sẽ vẫn thấy yêu thương tràn đầy quanh chúng.

Chỉ cần những việc làm nhỏ bé của bố như giúp con chải tóc, đưa con đi chơi, đi mua quần áo, dành thời gian trò chuyện cùng con… là con trẻ đã rất hạnh phúc.

Khi chăm sóc con gái, nghĩa là bố hãy sẵn sàng đối mặt với tuổi dậy thì phức tạp của con, để giúp đỡ và bảo vệ con đi qua giai đoạn này, cả về sinh lý lẫn tâm lý. Nếu không được định hướng, trẻ sẽ cảm thấy cô đơn về tinh thần, thậm chí đến mức trầm cảm, ảnh hưởng đến tính cách, khả năng hoà đồng và sức khoẻ sau này.

Bố hãy nhớ chủ động đón tuổi dậy thì cùng con. Lúc này, không có ai gần con gái như bố nên những việc làm của bố như mua cho con gói băng vệ sinh, tặng con những cuốn sách giới tính sẽ khiến con rất cảm động.

Là bố, thật khó và đôi khi thật ngại, vì khoảng cách giới tính. Nhưng bố có nhiều cách để làm việc này.

Chị Thanh Giang từng biết một ông bố đã hành xử rất thông minh khi một mình anh phải nuôi con gái đang lớn.

Thời gian đầu, anh ghi nhớ chu kỳ, chuẩn bị những gói băng vệ sinh để sẵn trong tủ áo riêng của con gái. Anh luôn chủ động trò chuyện cùng con mỗi khi thấy con vui hay buồn.

Mua những quyển sách hay về tuổi mới lớn, anh đặt lên bàn con với những lời nhắn. Thậm chí, anh đã tặng con cả bộ đồ bikini cùng với dòng chữ: “Bố không biết con mặc cỡ bao nhiêu. Nếu không vừa, con cho bố biết để đổi nhé!”…

Những giao tiếp tế nhị thường được anh thông qua tin nhắn. Dần dần, con gái anh coi bố như người bạn tâm giao, mọi chuyện đều chia sẻ với bố.
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ