Những ông bố biến mất sau ly hôn
"Sau khi bố mẹ ly hôn, em sống cùng mẹ và kể từ đó bố em hầu như biến mất trong cuộc sống của em. Em ốm đau hay khỏe mạnh, học hành ra sao bố không hề quan tâm".
Lời tâm sự của những đứa con
Hoàng, 14 tuổi (trường THCS NT, HN) kể, bố mẹ em ly hôn từ năm em lên 10 tuổi. Cả bố lẫn mẹ đều không nói cho em biết nguyên nhân vì sao cuộc hôn nhân của họ tan vỡ. Một lần duy nhất em được nghe từ miệng bà nội nói ra rằng mẹ em là người có lỗi, ngoài bố em ra mẹ có thêm một người đàn ông khác. Bố biết chuyện không tha thứ cho mẹ và kiên quyết ly hôn.
Vì giận mẹ, bố không muốn nhận nuôi dưỡng em khi ra tòa, bởi em mang nhiều nét của mẹ, sống với em, bố sẽ không bao giờ quên được kẻ phản bội. Sau khi đường ai nấy đi, bố coi em như người xa lạ không hề thăm hỏi hay có một hành động nào đó gọi là quan tâm, nhớ đến đứa con trai của mình. Mẹ nói cũng vì hận bố gây cho mẹ quá nhiều đau khổ nên đã yêu cầu trước tòa không cần đến khoản trợ cấp nuôi con của chồng để vĩnh viễn không phải gặp nhau.
Khi cha mẹ ly hôn, con cái là người phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất |
Bố mẹ hận nhau, em trở thành nạn nhân. Dù sống cách nhau một khu phố nhưng không bao giờ Hoàng được bố thăm nom hay hỏi han. Nhiều lúc Hoàng nghĩ, nếu bố không muốn gặp mẹ thì có thể hẹn em ra ngoài để gặp, đưa em đi ăn, mua sắm một thứ gì đó. Nhưng không, có lần Hoàng bị ốm nằm viện cả tháng trời vẫn không thấy bố tìm đến thăm nom.
Mỗi lần nhìn cảnh các bạn ốm đau được bố mẹ săn sóc đầy đủ, em không khỏi tủi thân. Không ít lần Hoàng tự hỏi, tại sao bố em có thể đành lòng bỏ đi giọt máu của mình như thế. Từ đó, dù mẹ không trực tiếp tiêm nhiễm cho em lòng hận thù bố nhưng trong thâm tâm Hoàng nguyện sẽ không bao giờ quan tâm hay nhớ đến người bố vô tâm ấy nữa.
Chị Nguyễn Hạ Vi (BĐ, HN) tâm sự, cuộc hôn nhân của chị bị đứt gánh nửa đường do chồng ngoại tình. Dù chị đã tha thứ nhưng chồng chị vẫn như ăn phải bùa mê của tình nhân một hai đòi ly hôn để về sống với cô ta. Vì điều kiện kinh tế khá giả, công việc có thu nhập ổn định, chị nhận nuôi dưỡng cả hai con. Tòa cũng đã có phán quyết mỗi tháng anh ta phải có nghĩa vụ cấp dưỡng để nuôi con là 1,5 triệu đồng.Thế nhưng sau ngày ly hôn anh ta biến mất luôn, nghĩa vụ đối với con cái cũng không thực hiện. Có lần chị gọi điện nhắc nhỏ anh nên có động thái thăm hỏi con cái để chúng khỏi phải tủi thân, riêng khoản tiền cấp dưỡng nếu anh có khó khăn chị... miễn luôn cho, chỉ cần anh qua lại tình cảm với con là được.
Tuy nhiên, chồng cũ của chị vẫn không có động thái gì. Không ít lần chị thấy bối rối không biết giải thích với con thế nào khi chúng cứ nhắc đến bố, chẳng lẽ lại nói sự thật cho chúng là bố đã quên các con rồi hay sao. Thời gian trôi qua, hai đứa trẻ hình như cũng hiểu được sự thờ ơ của bố. Tuy nhiên vốn bản tính tình cảm, chúng vẫn nhớ tới bố. Biết được nơi bố làm việc, có lần chúng đã trốn mẹ tìm đến để gặp cho thỏa nỗi nhớ mong. Nhưng thật khắc nghiệt, bố chúng đã từ chối gặp con với lý do bận việc. Một lần, hai lần cũng không gặp được, hai đứa trẻ bắt đầu đặt câu hỏi nghi vấn.
Chị Vi đã không ít lần cảm thấy nhói lòng khi vô tình bắt gặp những trang nhật kí viết dở của con. Trong nhật kí chúng viét ra vô vàn câu hỏi rằng tại sao bố bỏ rơi chúng sau khi ly hôn với mẹ, tại sao bố không yêu chúng, tại sao bố cố tình không gặp mặt chúng...? Hàng ngàn câu hỏi điệp lên, rồi những tình cảm nhớ nhung, sự khát khao có bố chở che, nhờ bố làm việc này việc nọ, chỉ vì đó là chuyện của con tri không thể hỏi mẹ...
Đứa con gái thì viết về những cảm xúc của nó khi chiều chiều tan học nhìn thấy cảnh bố đến đón các bạn. Nó cũng thèm được ngồi sau xe của bố, được líu lo kể cho bố nghe chuyện học hành, vui chơi ở trường, chuyện bạn kia bắt nạt nó... nhưng tất cả đều chỉ nằm trong tưởng tượng của nó. Bởi bố không còn nhớ tới anh em nó. Bố còn bận với gia đình mới. Hai đứa trẻ, đứa lên 10, đứa lên 8 tự hỏi với nhau tại sao bố lại sinh chúng ra trên đời rồi bỏ rơi như chúng chưa hề tồn tại.
Những ông bố cố tình biến mất sau ly hôn
Bao lần con giấu mẹ tìm đến tận công ty bố chỉ để được gặp và nhìn thấy bố. Nhưng cũng không biết bao nhiêu lần bố đi ngang qua trước mặt con một cách dửng dưng... |
"Con cái không có tội tình gì nhưng chỉ vì hận mẹ nó nên tôi đã cắt đứt liên lạc sau khi ly hôn. Nói thật là tôi cũng không còn nhận được tin tức của con sau khi chuyển công tác vào Nam và có gia đình mới". Một người cha tâm sự. Anh cho biết lý do anh cố tình biến mất không liên lạc gì với đứa con là vì "điều kiện hoàn cảnh".
Thứ nhất là do khoảng cách địa lý, thứ hai là do điều kiện kinh tế và thứ ba là do sự ghen tuông của người vợ mới. Tái hôn, kinh tế khó khăn, anh mải mê lo cho gia đình và quên luôn nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa con riêng. Vả lại từ ngày ly hôn, vợ cũ cũng chẳng đả động gì tới chuyện tiền nong nuôi con nên anh cũng cố tình lờ luôn.
Không xa về khoảng cách địa lý cũng chẳng khó khăn đến nỗi không có tiền cấp dưỡng nuôi con gửi cho vợ cũ nhưng anh Nguyễn Trọng V (TX,HN) vẫn cố tình cắt đứt hẳn mối liên hệ cha con sau ngày ly hôn. Anh V nhớ lại những tháng ngày đi ở rể của mình. Bố mẹ vợ giàu có lúc nào cũng đặt tiền lên trên hết mọi quan hệ. Chính ông bà đã tiêm nhiễm vào đầu con trai anh rằng bố nó là kẻ bất tài vô dụng, lấy mẹ nó chỉ vì muốn đào mỏ... không hiểu ông bà còn tác động những gì mà thằng bé coi thường bố và những người thân của bố ra mặt.
Những ngày lễ Tết anh muốn đem vợ con về quê nhưng hết vợ ỏng eo lý do lý trấu không muốn về, đến con trai sợ về quê không có toa lét, không có điều hòa như ở thành phố. Mỗi lần ông bà nội ra thăm cháu cũng chỉ được chốc lát rồi về vì không chịu nổi thái độ coi thường của thông gia, còn dâu lẫn cháu thì xa cách chẳng có tình cảm. Không chịu nổi cô vợ tiểu thư, bố mẹ vợ kênh kiệu, anh đành ly hôn.
Ngày quyết định ra tòa, anh hỏi con trai có muốn về sống với bố không, thằng bé trả lời "không" rõ ràng, lại còn bảo đi theo bố thì chết đói. Anh biết đó không phải là lời con trẻ mà là lời của người lớn tiêm nhiễm vào cho nó. Giờ tuy sống gần nhau nhưng anh V hầu như không qua lại thăm con vì giận bố mẹ vợ và vợ cũ. Anh bảo trước sau gì "lá cũng rụng về cội", có ngày con trai anh sẽ hiểu mà tìm về với bố. Nhưng anh V có nghĩ được rằng nếu như anh không chủ động tìm đến với con thì cái ngày con chủ động tìm về với bố trong tương lai liệu có thành hiện thực?
Có bố cũng như không
"Con có một người bố làm giám đốc một công ty lớn, thỉnh thoảng bố còn lên ti vi phát biểu trông rất đàng hoàng. Nhưng con không hiểu sao bố lại không thừa nhận và cố tình quên đi đứa con gái mà bố đã sinh ra trên đời này. Mẹ nói bố nghi ngờ con không phải là con của bố nên mới chia tay mẹ. Nhưng mẹ khẳng định rằng con là giọt máu của bố 100%. Ngày đó mẹ cũng đã đi làm giám định ADN để cho bố tin. Nhưng bố dã gặt phăng tờ kết quả ấy đi để đến với một người phụ nữ khác.
Con về sống với mẹ sau cái đêm bố phũ phàng xách hết quần áo ra khỏi nhà. Giờ thì con và bố sống cùng thành phố nhưng chẳng bao giờ bố con mình gặp nhau lấy một lần. Con cũng không biết liệu giờ gặp con ở ngoài đường bố còn nhận ra con là đứa con gái 4 tuổi ngày nào. Chắc là không, bởi bao lần con giấu mẹ tìm đến tận công ty bố chỉ để được gặp và nhìn thấy bố. Nhưng cũng không biết bao nhiêu lần bố đi ngang qua trước mặt con một cách dửng dưng..."
Trang nhật kí mạng của một cô bé học lớp 9 mà tôi vô tình đọc được chắc hẳn sẽ làm không ít người bố người mẹ giật mình. Quyền có bố mẹ, được bố mẹ yêu thương là quyền rất chính đáng của tất cả những đứa trẻ sinh ra trên đời. Tuy nhiên, trong cuộc sống có không ít người bố đã vô tình bỏ quên nhữgn đứa con riêng sau khi hôn nhân đổ vỡ. Dù vin vào bất cứ lý do nào thì việc làm đó cũng đáng lên án. Bởi trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi đứa con vẫn khát khao tình cảm yêu thương của bố mẹ dù cuộc sống đã không cho nó được hưởng trọn vẹn tình cảm đó trong một gia đình hạnh phúc.