Những kỹ năng thoát thân trong vòng chưa đầy 1 phút bố mẹ nhất định phải dạy con
Những kỹ năng này sẽ có thể cứu con của bạn trước khi cảnh sát hay ai đó kịp đến giải thoát chúng khỏi kẻ bắt cóc.
Bắt cóc trẻ em đang trở thành vấn nạn vô cùng đáng lo ngại với các bậc cha mẹ. Đáng báo động, số vụ bắt cóc trẻ em ngày càng gia tăng với thủ đoạn vô cùng tinh vi và khó lường khi mà tại nước ta, mỗi năm, có hàng trăm vụ trẻ em mất tích vì bị mua bán, bắt cóc và bị bán ra nước ngoài và cứ khoảng 1 tuần lại có đến 2-3 trẻ em Việt Nam bị mất tích.
Tuy nhiên, theo một thống kê thì trong 84% các vụ bắt cóc thất bại, trẻ thoát được nhờ hành động của chính mình thì có tới 35% chủ động chống cự và 49% bỏ chạy. Điều đó còn thể hiện ngay trong 1 clip vừa được đăng tải vào ngày 2/9 lên mạng xã hội facebook. Clip quay lại hình ảnh về việc một cô bé đã thoát ra được khỏi sợi dây trói tay mình bằng cách đơn giản như thế nào.
Video mô tả cách cô bé thoát khỏi sợi dây trói chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút hơn 40 triệu lượt xem cùng hàng mấy chục nghìn lượt chia sẻ chỉ sau vài ngày ngắn ngủi.
Vì vậy, có thể thấy rằng việc trang bị cho trẻ những kỹ năng thoát hiểm, tự vệ để có thể ứng phó trước những tình huống nguy hiểm là điều vô cùng quan trọng. Trước khi con bạn có thể không may gặp phải tình huống xấu, hãy trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết nhất để bảo vệ chính mình.
Kỹ năng cởi trói
Có thể nói nếu không may bị bắt cóc, khả năng rất lớn là trẻ sẽ bị trói. Hành động này của kẻ xấu nhằm cho trẻ không thể hành động gì được. Chính vì vậy, một trong những kỹ năng đầu tiên mà cha mẹ cần trang bị cho trẻ đó chính là cởi trói.
Theo thống kê, những phương tiện kẻ xấu hay sử dụng để trói chính là dây kéo nhựa (dây zip), băng dính và dây thừng. Bị trói bằng những vật dụng này đều có thể thoát ra nếu biết cách. Vì vậy, trước tiên, hãy dạy trẻ cách đánh lừa kẻ xấu trước khi bị trói.
Cụ thể, hãy dạy trẻ rằng khi "đưa tay chịu trói", trẻ hãy chụm tay lại, khuỳnh cổ tay hoặc để tay bắt chéo và hơi gồng tay lên, vì khi đó các cơ bắp và gân sẽ khiến bàn tay to ra. Như vậy khi thả lỏng, trẻ sẽ thoát ra dễ dàng hơn.
Tuy nhiên nếu kẻ xấu cũng không dễ bị đánh lừa. Lúc này, trẻ có thể làm theo cách là đưa tay quá đầu rồi dập xuống thật mạnh theo hướng cổ tay mở ra, khuỷu tay đánh về phía sau. Nguyên nhân là vì dù rất chắc chắn, nhưng phần khóa kéo của dây kéo nhựa rất dễ bị bẻ gãy. Trong khi đó, tư thế này sẽ giúp kết hợp lực của toàn bộ phần thân trên, và kết quả là trẻ sẽ thoát khỏi thứ đang trói buộc chúng. Lưu ý hãy cố gắng thít phần khóa chặt lại, vì càng chặt càng dễ thoát. Cách này cũng sẽ cứu bạn khi bị trói bằng băng dính.
Cách thoát khỏi sợi dây trói là dây zip.
Để thoát khỏi dây trói bằng băng dính, hãy dạy trẻ giơ tay lên cao quá đầu, khuỷu tay gập về phía sau lưng, sau đó lấy hết sức vung 2 tay thật mạnh sang 2 bên là có thể làm bung đoạn băng dính trói ở cổ tay.
Cách thoát khỏi dây trói là băng dính.
Với dây thừng, việc tự cởi trói sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với dây zip và băng dính, bạn cần tập cho bé sự kiên nhẫn khi thực hiện.
Đầu tiên, bạn hướng dẫn trẻ nắm chặt bàn tay lại (như kiểu nắm đấm) sau đó, sẽ đặt 2 bàn tay úp vào với nhau. Như vậy, trông trẻ có vẻ rất hợp tác với kẻ bắt cóc, nhưng thực chất, chính việc nắm tay và úp tay vào với nhau đã giúp tạo một khoảng trống giữa 2 phần cổ tay của trẻ. Và khi kẻ xấu đi, hãy xoay xoay cổ tay của mình nhiều lần. Khi đã đạt được độ giãn mong muốn của sợi dây, trẻ sẽ dùng răng kéo 1 sợi dây vòng qua 1 cổ tay của mình và tiếp tục làm vậy cho đến khi tay có thể rút ra khỏi sợi dây.
Việc thoát khỏi dây thừng đòi hỏi sự kiên nhẫn
Kỹ năng tự vệ
Hãy dạy trẻ cách tự vệ khi bị kẻ xấu tiếp cận. Đầu tiên, các bé được học cách la lớn đồng thời giãy giụa quyết liệt khi bị kẻ bắt cóc lôi đi. Sau đó, hãy hướng dẫn trẻ dùng tay hoặc chân tấn công vào kẻ bắt cóc mọi lúc có thể. Vì khi bắt cóc trẻ em, kẻ xấu sẽ thường phải dùng hai tay bế trẻ đưa đi nên bố mẹ hãy dạy trẻ lợi dụng lúc này để tấn công, có thể là vào chân, đầu gối hay vùng nhạy cảm của kẻ lạ.
Cắn cũng là một trong những cách để trẻ tấn công kẻ bắt cóc. Và cuối cùng là cố gắng nằm ra sàn vài dùng chân đạp liên tiếp vào mặt kẻ bắt cóc. Kỹ năng này không chỉ có thể giúp trẻ kéo dài thời gian hơn mà còn tăng cơ hội có thể vùng lên chạy thoát.
Kỹ năng đối phó tình huống khi ở trong thang máy
Nếu con bạn gặp phải kẻ xấu khi ở trong thang máy, bé sẽ phải làm gì? Hãy dạy bé rằng nếu bé cảm nhận thấy tình huống quá sức nguy hiểm, hãy bấm dừng tại tất cả các tầng và kêu cứu. Chắc chắn không ai dám tấn công bé khi cửa thang máy cứ liên tục mở.
Nguồn: Tổng hợp