Những đứa con có bố mà như không

Theo Vnexpress,
Chia sẻ

Với nhiều đứa trẻ, bố là nhân vật xa vời thường chỉ bất ngờ xuất hiện trong các cuộc họp phụ huynh, hoặc đưa ra các hình phạt khi có bảng điểm gửi về nhà.

Xiao Xu (giấu tên thật) từ tỉnh An Huy là sinh viên một trường cao đẳng. Vào kỳ nghỉ hè, gia đình em dự kiến bay sang New York để thăm người chú.

Mặc dầu đã có visa du lịch, họ vẫn chưa đặt vé. "Cháu phải chờ bố", Xu nói. "Cháu không biết khi nào bố sẽ rảnh. Cháu thậm chí còn không biết bố có thực sự muốn đi du lịch cùng cả nhà không".

Bố của Xu là một công chức mẫn cán. "Bố lúc nào cũng bận tham dự các cuộc hội thảo hoặc các hoạt động xã hội. Bố cũng thường đi công tác. Và khi có thời gian rảnh, bố chỉ thích tham gia các cuộc thi hát", cô bé kể với China Daily.

Một người cha chơi với con ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Trong những gia đình cha mẹ gần như đơn thân, thời gian trẻ được chơi với cha cực kỳ quý giá. Ảnh:Chinadaily.

Rất nhiều ông bố có công việc phát đạt thậm chí còn bận kế hoạch kinh doanh hơn nữa, buộc những đứa con của họ sống trong môi trường được mệnh danh là "những gia đình cha mẹ gần như đơn thân".

Không phải là những ông bố này không có chút quan tâm nào đến cuộc sống của con trẻ, mà chỉ là họ quan tâm không theo cách mà lũ trẻ muốn.

"Khi cháu còn học trung học, cha luôn dành thời gian cho cháu để tham dự các buổi họp phụ huynh. Ông ấy hiếm khi nói chuyện với cháu, cũng như cả năm trời không hỏi han việc học hành của cháu, nhưng luôn rầy la nếu cháu có kết quả thi cử không tốt", Xu nói.

Để đền bù, mẹ cô bé lại rất tốt với cô. "Cháu dành phần lớn thời gian bên mẹ. Mẹ không bao giờ la mắng và bênh vực cháu khi cha la hét".

Xu cũng có nhiều sở thích chung với mẹ như nghe nhạc pop Đài Loan hoặc xem phim nhiều tập Hàn Quốc.

"Cháu đã quen với việc vắng mặt lâu ngày của bố. Mặc dầu hơi sợ, nhưng cháu vẫn có thể hiểu bố", Xu nói thêm.

Zuo Sha, từ Trung tâm tư vấn tâm lý phụ nữ Maple (Bắc Kinh), tổ chức phi chính phủ đầu tiên tư vấn về các vấn đề phụ nữ và gia đình ở Trung Quốc, có thời gian hoạt động 23 năm, cho biết ngày càng nhiều bà mẹ bị buộc phải gánh trên vai phần làm cha của phái mạnh.

"Nhưng việc quá tốt với con không phải là cách tốt nhất để lấp đầy sự vắng mặt của ông bố", bà cho biết.

Những ông bố học cách mát xa cho trẻ ở tỉnh Hà Bắc. Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều bà mẹ đảm nhận vai trò của các ông bố trong gia đình. Ảnh: China Daily.

Giáo sư Zou Hong, từ khoa tâm lý Đại học Tiêu chuẩn Bắc Kinh, cho biết: "Trách nhiệm của người cha không chỉ dừng lại ở việc kiếm tiềm cho gia đình. Không chỉ có tiền là đủ, mà một khi đứa trẻ bắt đầu trở nên xa cách, thì tổn hại sẽ là không thể đảo ngược".

Ông cũng cho rằng các ông bố nên cố gắng hết mình để dành thời gian giao tiếp với con.

Đồng ý với điều này, bà Zuo cho rằng "Một người mẹ có thể gần gũi với cuộc sống hàng ngày của trẻ và lấp đầy những nhu cầu tình cảm của bé, nhưng người cha sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình đạo đức. Người cha là người mẫu quan trọng đối với trẻ".

Dong Haochun từ tỉnh Giang Tô là người quản lý ở một doanh nghiệp vốn nước ngoài. Anh đi công tác thường xuyên cả trong và ngoài nước. Dong hối hận vì đã không dành đủ thời gian bên con trai mình, vừa tốt nghiệp trung học năm ngoái và hiện học đại học Bắc Kinh.

"Nếu được làm lại, tôi sẽ dành ít thời gian cho công việc hơn và nhiều thời gian cho con hơn", Dong nói.

Anh cho biết mình vốn chỉ quan tâm tới thành tích học tập của con và luôn răn đe cậu. "Đáng lý tôi phải công bằng hơn và giúp nó các kỹ năng xã hội, điều mà tôi cảm thấy nó còn thiếu", anh nói.

So với Xu, cậu bé Xiao Huang, cũng ở tỉnh An Huy, kém may mắn hơn. Với người cha thất nghiệp chỉ thích uống rượu và thường la mắng không có lý do, cậu bé cho biết mình hầu như không có tình cảm với ông. Mặc dù cha mẹ cậu thường xuyên cãi lộn, song vẫn không ly dị để cho con trai một gia đình đầy đủ.

"Ly hôn là sự chia cắt hoàn toàn gia đình, có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của đứa trẻ. Nếu họ sống cùng nhau, ít nhất đứa trẻ sẽ có mối dây tình cảm với cha mẹ", Giáo sư Zou Hong, từ Đại học Tiêu chuẩn Bắc Kinh, cho biết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này.

"Ly dị có thể mang lại một định nghĩa rõ ràng về vai trò của người cha hoặc mẹ, có thể một người chăm sóc chúng, người kia hỗ trợ tài chính. Nhưng khi họ tiếp tục sống với nhau, những trách nhiệm này trở nên mơ hồ, và kết quả là càng gây hại cho trẻ hơn nữa", bà Zuo Sha, từ Trung tâm tư vấn tâm lý phụ nữ Maple, nhận định.

Bà cũng chỉ ra rằng trẻ vị thành niên là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự căng thẳng gia đình, và có thể lạc lối nếu cha mẹ không thể giải quyết được sự khủng hoảng của mối quan hệ.

Theo một khảo sát do Zuo Sha và cộng sự thực hiện, tại một trường hướng nghiệp ở Bắc Kinh, 60% trẻ có vấn đề xuất thân từ các gia đình "cha mẹ gần như đơn thân".

"Một vài cậu bé hút thuốc hoặc đánh nhau để thể hiện tính đàn ông của mình, bởi chúng thiếu hình mẫu người cha trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng lại dễ tổn thương tâm lý", bà Zuo nói.

Cũng theo chuyên gia, chân thật trong mối quan hệ và giao tiếp với trẻ cởi mở hơn có thể giúp gia đình bạn vượt qua những cơn khủng hoảng như vậy. Ngoài ra, nếu cha mẹ ngược đãi trẻ, thì điều đó sẽ phản ánh lên chính những cuộc hôn nhân của trẻ về sau này.

"Điều mà trẻ nhìn thấy trong gia đình hôm nay sẽ ảnh hưởng đến cách mà chúng làm cha mẹ ngày mai".

Chia sẻ