Những điều nên và không nên khi vượt cạn

Hân Nhiên,
Chia sẻ

Một số chú ý nho nhỏ dưới đây sẽ giúp mẹ bầu giảm bớt cảm giác đau và vượt cạn thuận lợi hơn.

Giai đoạn 1: Cơn đau chuyển dạ xuất hiện, lúc này cổ tử cung mở khoảng 4cm

Nên:

- Thay đổi tư thế, cố gắng tìm ra tư thế giúp bạn cảm thấy thoải mái và đỡ đau nhất.

- Mở lớn miệng và thở trong lúc đau. Đây là phương pháp cơ bản nhất để “chịu đựng” các cơn đau chuyển dạ.

- Nhẹ nhàng massage, xoa tay để làm ấm cơ thể có thể làm dịu cảm giác đau và là cách thư giãn của bà bầu khi chuẩn bị vượt cạn. Lăn nhẹ một chai nước ấm lên vùng thắt lưng cũng có tác dụng giảm đau.

- Sau mỗi cơn đau, mẹ bầu nên cố gắng ngồi dậy và hơi nghiêng người về phía trước để thả lỏng cơ bắp, đồng thời cũng có tác dụng giảm đau. Hoặc sau mỗi cơn đau mẹ bầu có thể nằm nghiêng một bên để thấy dễ chịu hơn.

Không nên:

- La hét, kêu to vì ảnh hưởng đến nhịp thở, khiến mẹ bầu cảm thấy đau hơn. Hơn nữa, tiếng la hét của bạn có thể tạo áp lực tinh thần cho người thân và gây khó chịu cho người xung quanh.

- Nhắm mắt vì có thể gây chóng mặt, váng đầu.

Những điều nên và không nên khi vượt cạn 1

Giai đoạn 2: Khi cổ tử cung mở được 7cm

Nên:

- Giữ nhịp thở như bình thường, cố gắng thở chậm, thở sâu.  

- Tập trung tinh thần vào việc thở để phối hợp nhịp thở với các cơn co thắt, giúp làm giảm áp lực cho vùng thắt lưng, vùng cơ xung quanh hậu môn.

- Lót vải mềm xuống dưới bụng, gập đầu gối lại và nằm úp trên giường cũng có thể làm giảm các cơn đau.

Không nên:

- Ngồi ghế hoặc đi vệ sinh trong tư thế ngồi xổm vì như vậy làm dồn trọng lực xuống vùng cơ xung quanh hậu môn, gây cảm giác đau đớn hơn cho mẹ bầu.

Giai đoạn 3: Cổ tử cung mở toàn bộ, mẹ bầu có cảm giác hơi giống như muốn đại tiện

Nên:

- Nằm ngửa, dạng chân, hơi rướn phần thân trên lên một chút.

- Khi cần dùng lực để rặn, nên mím miệng để không thoát hơi.

- Nhỏ tiếng hoặc im lặng để giữ hơi và sức lực. Khi thai đã lộ đỉnh đầu ra ngoài, mẹ bầu có thể mím miệng để giữ hơi hoặc vừa rên rỉ nhỏ tiếng vừa dùng lực “rặn” em bé ra ngoài.

- Giữ bình tĩnh và tưởng tượng em bé đang dần dần “chui” từ bụng xuống phía chân một cách thuận lợi.

- Tin tưởng và tuyệt đối nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, y tá.

Không nên:

- Hoảng hốt, mất bình tĩnh.

- Kêu to, gào thét, xoay người, quẫy đạp lung tung khi có cơn co thắt.

- Dùng lực ở mắt, cơ mặt (vì cần dồn toàn bộ sức lực cho phần bụng).

- Nghiêng hoặc cong nửa thân người trên về phía sau (vì như vậy sẽ tạo góc gấp khúc cho ống sinh sản, khiến thai nhi khó khăn hơn khi “chui” ra ngoài).



Chia sẻ