Những điều mẹ cần biết khi lần đầu cắt móng tay cho bé

Kiều San,
Chia sẻ

Dưới đây là một vài mẹo về cách thức, dụng cụ và cả thời điểm thích hợp để cắt móng tay cho bé một cách an toàn.

Móng tay của trẻ sơ sinh thường mỏng và mềm hơn của bạn nhưng chúng rất sắc, có thể làm xước da mặt của bé hay của cả mẹ. Dưới đây là một vài mẹo về cách thức, dụng cụ và cả thời điểm thích hợp để cắt móng tay cho bé một cách an toàn.

1. Cắt móng tay thường xuyên: móng tay của em bé có thể mềm mại nhưng chúng có những cạnh sắc nguy hiểm. Vì vậy mà chúng cần được cắt thường xuyên để tránh tạo nên các vết thương không đáng có khi trẻ quờ tay.

2. Sử dụng công cụ cắt móng tay: Các mẹ hãy chọn bấm móng tay hoặc kéo với kích thước phù hợp với bộ móng tay và móng chân còn nhỏ xíu của trẻ sơ sinh.

3. Thời điểm: Nếu trong quá trình cắt móng tay, bé cựa quậy không yên sẽ dễ gây tổn thương các đầu ngón tay của bé. Cắt móng tay cho bé dễ dàng nhất là khi bé đang ngủ hoặc bị phân tâm trong lúc ăn. Một thời điểm thích hợp nữa là ngay sau khi tắm vì khi này là lúc móng tay trở nên mềm nhất. Mẹ hãy lựa chọn 1 trong 3 khoảng thời gian thích hợp nhất để cắt móng tay cho bé được an toàn.

Những điều mẹ cần biết khi lần đầu cắt móng tay cho bé 1
Ảnh minh họa

4. Nắm chắc bàn tay bé: Khi cắt móng tay cho trẻ, mẹ lưu ý giữ bàn tay của bé sao cho chừa phần móng tay với đầu các ngón tay và cắt cẩn thận theo đường cong của ngón tay.

5. Chuẩn bị đồ sơ cứu: Trong quá trình mẹ cắt móng tay cho trẻ, nếu chẳng may cắt vào phần da của bé, hãy dùng một khăn giấy mềm giữ lấy vết cắt trong đôi phút hay đến khi máu ngừng chảy.

6. Với móng chân: móng chân của bé cũng cần được chăm sóc cắt tỉa dù không thường xuyên như móng tay.

Móng tay của trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh, bạn có thể phải cắt chúng vài lần một tuần trong khi móng chân có thể cắt tỉa không thường xuyên lắm.

Thực tế, một vài bà mẹ dùng răng để cắn móng tay của bé khi chúng dài ra nhưng theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), việc này có thể dẫn đến nhiễm trùng. Làm theo cách này, bạn có thể sẽ vô tình đưa vi trùng từ miệng của bạn vào bất kỳ vết xước nhỏ nào trên ngón tay bé. Bạn cũng sẽ không thể quan sát những gì mình đang làm, và sẽ thấy khó khăn vì ngón tay của bé rất nhỏ so với răng của bạn.

Phương pháp tốt nhất là bạn nên đầu tư một bộ kéo hay bấm móng tay riêng cho bé.

Những điều mẹ cần biết khi lần đầu cắt móng tay cho bé 2
Ảnh minh họa

Trong khi cắt móng cho bé, bạn cần chắc chắc có đủ ánh sáng để thấy rõ những thao tác mình đang làm. Hãy ấn phần mềm của đầu ngón tay bé xuống để cắt phần móng được dễ dàng và an toàn.

Sau khi cắt, bạn nên dùng dũa để làm mịn phần móng mới thô ráp. Trong những tuần đầu tiên khi em bé mới sinh, móng tay và chân còn rất mềm, các bác sĩ cũng khuyên chỉ nên dùng dũa để làm ngắn móng tay của bé.

Nếu chẳng may cắt vào phần da tay của bé, bạn không cần phải tự trách bản thân quá bởi điều đó xảy ra với rất nhiều bậc cha mẹ khác. Đơn giản khi đó bạn chỉ cần rửa sạch vết thương với nước sạch rồi dùng khăn giấy mềm quấn xung quanh ngón tay bị thương của bé, hơi ấn nhẹ vào vết thương. Thông thường những vết thương như vậy sẽ nhanh chóng ngừng dỉ máu sau đôi phút.

Lưu ý, bạn không cần phải quấn băng vết thương vì như vậy sẽ thu hút sự chú ý của bé con và bé có thể sẽ cho ngón tay đó lên miệng, làm tuột băng hoặc gây mất vệ sinh. Trường hợp mà vết thường không ngừng chảy máu thì bạn nên đưa bé tới gặp bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất.



Màu sắc trên móng tay của bé sẽ mách bạn về những bệnh bé có nguy cơ mắc phải. Hãy chú ý quan sát để phát hiện bệnh kịp thời cho bé yêu của bạn.
Những điều mẹ cần biết khi lần đầu cắt móng tay cho bé 3
Chia sẻ