Những điều các ông bố nên làm lúc vợ vượt cạn
Chúng ta đều biết những việc người mẹ phải làm khi chuyển dạ và sinh con là gì, tuy vậy người cha cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong những giây phút thiêng liêng ấy.
Vậy làm thế nào để bạn và vợ có thể chuẩn bị thật tốt cả mặt thể chất và tinh thần cho một ngày mệt mỏi nhưng đáng nhớ đó? Hãy cùng xem những lời khuyên dưới đây để bạn có thể thêm sự kiên nhẫn và tự tin hơn nhé.
Biết rõ thực tế
Nếu bạn biết vào viện sinh nở sẽ là một ngày rất dài, bạn sẽ biết cách sắp xếp thời gian tốt hơn. Hãy nhớ rằng một cơn chuyển dạ kéo dài đến 20 tiếng đồng hồ không phải là điều bất thường đối với những người lần đầu làm mẹ (mặc dù một nghiên cứu gần đây phát hiện ra thời gian sáu tiếng rưỡi mới là điển hình). Khi vào chăm vợ ở bệnh viện, bạn hãy “từ bỏ” chiếc điện thoại, thay vào đó hãy cho vợ mình ăn những đồ ăn nhẹ, đưa cô ấy đi bộ nếu cô ấy muốn, hoặc có thể nhẹ nhàng vuốt ve và xoa bóp đầu, lưng, bàn chân nhằm giúp vợ được thoải mái hơn.
Luôn mỉm cười
Cơn đau chuyển dạ dữ dội kéo dài có thể làm cho những người phụ nữ gan dạ và mạnh mẽ nhất cũng phải “khuất phục”, thậm chí họ còn nói ra những lời không hay cho lắm. Hãy thông cảm và cố gắng bỏ qua bất kỳ điều tiêu cực nào bạn đời của bạn có thể nói ra trong những giờ phút vượt cạn đầy khó khăn ấy nhé. Bạn biết là cô ấy không hề có ý nói ra những lời như vậy phải không nào.
Mong đợi những bất ngờ
Không ai - ngay cả bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm nhất có thể biết được việc sinh nở của vợ bạn sẽ diễn ra như thế nào, vì vậy bạn nên giữ một tâm trí cởi mở trong trường hợp cần phải điều chỉnh kế hoạch sinh nở đã dự tính. Ví dụ, hai vợ chồng có thể đã thảo luận sẽ sinh mà không cần sự trợ giúp của thuốc, nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi trong quá trình vượt cạn. Đối với nhiều phụ nữ, giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp (khi cổ tử cung mở ra khoảng 8 cm) là phần đau đớn nhất và gây tê ngoài màng cứng có vẻ như một ý tưởng tốt cho họ.
Luôn bên cạnh hỗ trợ vợ
Trong thời gian sinh đẻ, do vợ đang phải đối phó với những cơn đau chuyển dạ, bạn chính là người thay mặt lên tiếng cho cô ấy. Hãy sẵn sàng quyết đoán mọi chuyện giúp vợ, ví dụ: nói chuyện với bác sĩ nếu bạn hoặc vợ bạn thấy khó chịu về những gì đang xảy ra. Nhớ luôn cương quyết mà không kém phần khéo léo, tế nhị. Ngay cả trong một tình huống y tế quan trọng (ví dụ phải mổ khẩn cấp), ít nhất bạn vẫn có quyền yêu cầu một lời giải thích ngắn gọn về lý do tại sao lại thực hiện việc mổ khẩn cấp như vậy.
Nắm bắt thời điểm, nhưng không bỏ lỡ
Khi nhắc đến việc ghi lại khoảnh khắc chào đời của bé yêu, công nghệ có thể là vừa một tiện ích, vừa là một rắc rối. Nếu bạn bị “cuốn vào” việc quay phim hoặc viết status lên facebook quá trình sinh ra của con, bạn có thể không được trải nghiệm thời điểm thiêng liêng bé yêu đến với thế giới này một cách thực sự. Vì thế một điều cảnh báo bạn nên nhớ đó là: Chỉ vì muốn chia sẻ những hình ảnh đáng nhớ ấy với tất cả mọi người không có nghĩa là bạn bắt buộc phải làm vậy.
Là người hùng của hai mẹ con
Khi vợ bạn sinh nở thành công, và bạn đang ôm đứa con bé bỏng trên tay, bạn nên nhận thức rõ về những gì vợ bạn vừa trải qua. Cô ấy xứng đáng được công nhận là người phụ nữ “vĩ đại và tuyệt vời nhất” khi đã vượt cạn thành công, chưa kể đến khoảng thời gian 9 tháng thai kỳ đầy vất vả trước đó. Không cần phải mua sắm những món đồ đắt tiền dành tặng vợ, bạn chỉ cần dành chút thời gian để viết một lời nhắn gửi yêu thương thể hiện lòng biết ơn của mình, hoặc chỉ một món quà nhỏ thôi cũng thực sự có ý nghĩa với vợ bạn rồi đấy.