Những cột mốc đáng yêu
Biết tự chăm sóc bản thân là một phần quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách và quan hệ xã hội của bé. Về cơ bản, có thể phân kỳ như dưới đây.
Giai đoạn 12-18 tháng.
Tròn 1 tuổi là bé bắt đầu có nhận thức về bản thân và ngày càng phát triển. Khoảng 15 tháng tuổi, bé có thể nhận ra mình ở trong gương và không cố tìm cách quờ tay vào gương nữa bởi hiểu đó là bóng mình. Theo đó, bé muốn khám phá mọi điều quanh người.
Sẽ có một khoảng thời gian không dài, bé từ chối suốt ngày. Chẳng hạn, bạn bảo bé để bạn cài hộ khuy áo, lập tức bé từ chối, đẩy tay bạn ra và cố tự cài khuy. Khoảng 13 tháng bé đủ khả năng cởi quần áo. Trong lúc bạn vất vả đi tất cho con thì bé lại rất tự hào về thành tích cởi tung được tất chân.
Một kỹ năng quan trọng nữa bé bắt đầu làm chủ ở quãng thời gian này là cách sử dụng thìa. Hầu hết trẻ tỏ ra vững vàng điều khiển cái thìa ở cột mốc 18 tháng tuổi. Nhưng như vậy hoàn toàn không có nghĩa bé xúc được thức ăn vào miệng gọn gàng và bạn phải chuẩn bị tinh thần quét dọn nếu muốn tạo điều kiện cho con tự xúc thức ăn.
Khoảng 20 tháng, phần lớn trẻ em tự cởi được quần áo. Đây là sự kiện rất quan trọng đối với con trẻ và chúng rất sẵn lòng “biểu diễn” nhiều lần cho bạn xem. Đây cũng là khoảng thời gian mọi người trong nhà vất vả rượt đuổi bé vì cởi quần áo xong bé rất thích chạy tung tăng.
Khả năng tự mặc quần áo của bé có phần ổn định song vẫn cảm thấy khó khăn với dạng áo chui đầu.
Ý thức giữ vệ sinh trong bé xuất hiện. Chính vì vậy bé biết gọi người lớn khi có nhu cầu đại, tiểu tiện.
Giai đoạn 25 - 30 tháng.
Tiếp theo kỹ năng thay quần áo, tất chân, bé sẽ biết đi giầy dép. Điều này rất quan trọng đối với bé.
Thứ nhất, bé phải phân biệt để không xỏ giầy dép trái chân.
Thứ hai, nếu như ở tư thế đứng bé xỏ được giầy dép thì có nghĩa khả năng giữ thăng bằng phát triển rất tốt. Trong giai đoạn này, nên khuyến khích bé thay quần áo vài lần trong ngày bởi bé thường làm bẩn quần áo khi ăn.
Dù để bé tự thực hiện vệ sinh, bạn luôn nhớ kiểm tra kể cả việc bé đánh răng có sạch không.
Giai đoạn 31 - 36 tháng.
Gần 3 tuổi, bé mở rộng phạm vi những việc muốn tự làm. Bạn nên tạo cơ hội cho bé. Ví dụ, bảo bé lấy bát cho bạn xới cơm. Đưa chai sữa cho bé tự đổ ra cốc.
Hãy nhớ rằng động tác vụng về, thậm chí rơi vãi, đổ vỡ khi làm những việc như vậy là cột mốc đầu đời mà bé cần có điều kiện để mau chóng vượt qua.
Giai đoạn này bạn nên đặt nền móng ý thức trách nhiệm chung cho bé như nhờ lấy các vật dụng nho nhỏ, hướng dẫn cách dọn bàn ăn, kiên quyết yêu cầu bé xếp đồ chơi vào đúng chỗ sau khi chơi dù rằng bé chưa thể dọn dẹp ngăn nắp cả căn phòng. Đây cũng là những tháng ngày vô cùng thú vị đối với mọi gia đình có con nhỏ bởi “trẻ lên ba, cả nhà học nói”.
Đôi điều lưu ý thêm.
Tốc độ phát triển kỹ năng của con trẻ hoàn toàn khác biệt nhau. Song nếu như con bạn đã 24 tháng mà vẫn tỏ ra hững hờ mọi vật xung quanh, không thể tự làm những như cầu cá nhân tối thiểu thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khá nhiều trẻ em rất ý thức về màu sắc và cách trang phục. Trong khi đó, đa số cha mẹ lại hay vội vàng và ít khi để ý tới màu sắc mà con ưa chọn. Do vậy, bạn hãy tôn trọng khi bé tự lấy quần áo ra mặc, thậm chí để tiết kiệm thời gian buổi sáng bạn có thể nhắc bé chuẩn bị từ tối. Việc bé biết chọn lựa quần áo cho bản thân sẽ mang lại niềm vui và giúp bạn quên đi các buồn bực khác.
Khả năng tự chăm sóc bản thân của bé phát triển rất nhanh trong năm đầu tới trường mẫu giáo như rửa tay, lau mặt - dẫu chưa hẳn đã sạch!
Càng lớn, ý thức tự chủ của bé càng rõ. Thời gian trôi qua không lâu, bạn sẽ thầm ngạc nhiên chứng kiến cách bé tự buộc dây giày thể thao hoặc tự tắm, thậm chí tự nấu món ăn đơn giản. Lúc bấy giờ, bé sẽ không sắn lòng đón nhận sự chăm bẵm như trước từ bạn. Nhưng đó hoàn toàn là tín hiệu đáng mừng bởi niềm mong đợi của bạn đang trở thành hiện thực - Con đã trưởng thành.