Những cơ hội mẹ có thể tận dụng để dạy con tự lập

GiangC,
Chia sẻ

Khi bé yêu của bạn còn ở giai đoạn sơ sinh, bé hoàn toàn chưa nhận thức được rằng mẹ và bé là hai cá thể riêng biệt.

Khi bé phát triển các kỹ năng thể chất, tinh thần và dần tự tin hơn, bé bắt đầu nhận ra rằng, bé có những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. Tất nhiên, điều này có nghĩa là bé càng ngày càng muốn làm việc theo ý mình.

Tách khỏi mẹ và phát triển độc lập

Khoảng 6-7 tháng tuổi, bé ý thức được rằng bé khác với mẹ và mẹ có thể để bé lại một mình. Điều này có thể gây cho bé nỗi sợ hãi khi bị tách khỏi mẹ và đạt “đỉnh” ở năm 2 tuổi.

Khi bé hiểu được rằng có lúc mẹ không có mặt bên cạnh nhưng sẽ quay trở lại với bé, bé tiếp tục vui chơi và xây dựng tinh thần độc lập. Đến tuổi lên 1, sự độc lập của bé phát triển nở rộ đủ để gây ra một số vấn đề: muốn làm theo cách của riêng bé và bộc lộ giận dữ nhiều hơn.

Những cơ hội mẹ có thể tận dụng để dạy con tự lập 1

Quá trình phát triển độc lập

Giai đoạn 12-18 tháng tuổi: Bước qua tuổi đầu đời, quá trình tự khám phá bản thân thực sự bắt đầu. Đây là sự chuyển đổi lớn từ phụ thuộc thành độc lập. Kết quả dẫn tới thay đổi tâm trạng và hành vi cực kỳ phức tạp ở bé.

Nếu trước kia bé hoàn toàn phụ thuộc vào bạn thì bây giờ, bé có kỹ năng thể chất và tinh thần riêng. Có khi, bé cố dấn thân vào hành trình khám phá mọi thứ mà không biết giới hạn; chẳng hạn, bé hùng hổ leo lên ghế sofa rồi loay hoay tìm cách xuống hoặc gắng sức chui vào áo khoác của mẹ rồi vướng víu trong đó. Và khi bé không thể tự giải quyết khó khăn, bé có thể khóc vì sợ hãi nhưng bạn đừng lo bởi giá trị phía sau đó là bé đang phát triển “bản sắc” riêng.

Bé của bạn cũng học được rằng, mẹ là một thực thể riêng biệt và có thể tạm xa bé. Tuy nhiên, bé vẫn chưa nắm được thời điểm mẹ sẽ trở lại và điều đó có thể làm bé gào khóc khi thấy mẹ đi khỏi. Cảm xúc này lên tới đỉnh khi bé 18-24 tháng tuổi và mất dần sau tuổi lên 3.

Nếu bạn trốn đi để tránh thấy con quấy khóc thì đó chẳng phải cách hay. Nó chỉ khiến bé hoảng sợ nhiều hơn. Vì thế, cứng rắn nói lời tạm biệt và rời đi khi bé đang khóc sẽ có ích hơn.

Giai đoạn 19-24 tháng: Bé của bạn đã có ý thức tốt hơn ở độ tuổi này. Một nghiên cứu so sánh các bé dưới 1 tuổi với những bé 21 tháng tuổi như sau: các nhà nghiên cứu đặt các bé dưới 1 tuổi trước gương và để xem liệu bé có hiểu hình ảnh được phản ánh trong gương. Kết quả: bé không hiểu. Các bé vỗ nhẹ hình ảnh phản chiếu của mình như thể đang nhìn thấy một em bé khác. Và khi nhà nghiên cứu bôi màu đỏ lên mũi bé, các bé cố gắng chạm vào mũi hình ảnh trong gương, chứ không phải mũi của bé.

Ngược lại, áp dụng thử nghiệm này cho bé 21 tháng tuổi, các bé có ý thức rõ ràng về bản thân. Bé chạm vào mũi của mình khi thấy các hình ảnh mũi đỏ trong gương.

Nhờ thế, bé ở giai đoạn này có khả năng phục hồi tốt hơn trước một cuộc “chia ly”. Ngay cả khi bé khóc lóc vì bị mẹ bỏ lại với một người giúp việc, bé cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Kinh nghiệm và trí nhớ tốt đủ để bé hiểu rồi mẹ sẽ quay trở lại.

Những cơ hội mẹ có thể tận dụng để dạy con tự lập 2

Bạn nên xây dựng sự tin tưởng cho con bằng cách luôn yêu thương và chăm sóc bé. Điều này giúp bé vui vẻ tự khẳng định mình. Có thể đó là ý thức cho bộ đồ ngủ màu xanh mặc trong đêm thứ 5 liên tiếp, chỉ ăn những loại thực phẩm nhất định và muốn tự trèo lên ghế - tất cả những dấu hiệu độc lập ngày càng tăng ở bé.

25-30 tháng tuổi: Trong giai đoạn 2-3 tuổi, bé sẽ tiếp tục “đấu tranh giành độc lập”. Bé thích chạy lang thang, cách xa mẹ khi chơi bên ngoài và thích làm trái lời của mẹ, ngay cả khi bạn đang cấm đoán bé phía sau.

31-36 tháng tuổi: Con của bạn vượt qua được nỗi sợ chia cắt ở sinh nhật lần thứ 3. Nhưng đừng ngạc nhiên vì thỉnh thoảng bé lại bám chặt lấy mẹ.

Vai trò của bạn

Bé nhà bạn cần được tự do để khám phá cuộc sống xung quanh; vì thế, hãy cung cấp cho bé một môi trường vui chơi an toàn. Thay vì chạy sau lưng con nói “không” mỗi khi bé định chạm vào thứ gì đó, bạn hãy bỏ những thứ nguy hiểm ra xa tầm tay của bé.

Khuyến khích tính độc lập cho bé bằng cách tạo những việc bé có thể làm một mình. Cho bé chọn giữa hai bộ quần áo, đồ ăn nhẹ hay các hoạt động buổi chiều, sử dụng riêng thìa bát cho bé trong mỗi bữa ăn...

Nhớ rằng bé muốn “thoát” khỏi mẹ không phải do bé cứng đầu hoặc cần ít tình yêu thương. Trong khi bé muốn được độc lập, bé vẫn khao khát tình yêu của cha mẹ. Động viên bé tự làm việc gì nhưng không thờ ơ khi bé chạy lại nhờ mẹ giúp đỡ. Các bé cần được cha mẹ uốn nắn trong thời gian dài nữa.

Dấu hiệu cần được quan tâm

Mặc dù bé mới biết đi của bạn rất lo lắng khi tạm xa mẹ nhưng nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thấy bé hoảng sợ, không thể làm điều gì khi không có mẹ bên cạnh hoặc bé không nguôi ngoai khi được mẹ để lại với người chăm sóc bé.



Chia sẻ