Những cái tên ai cũng phải… ngước nhìn
Cái tên đặt cho con với bao kỳ vọng nhưng vì nhiều lý do, một số phụ huynh đặt cho con mình những cái tên quá “đặc biệt” khiến chúng gặp khó khăn trong hòa nhập với cộng đồng.
Làm khổ đời con vì cái tên
Ngày đầu vào đại học, nghe thầy giáo gọi đến tên: Nguyễn Thương Hằng Mong Nhớ, cả lớp tôi nhốn nháo nhìn quanh xem nhân vật nào mang cái tên độc đáo, đảm bảo không “đụng hàng” như vậy.
Một bạn gái gầy gò, bé nhỏ cúi mặt đứng lên trước hàng trăm ánh mắt tò mò, nhìn như xoáy của mọi người. Thầy tôi khi ấy còn xuất khẩu thành thơ khiến cả lớp được buổi cười lăn lộn: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Đã thương lại nhớ, còn hằng nhớ mong”.
Sau này khi đã thân nhau, tôi mới biết, bố Nhớ khi đó là bộ đội đóng quân ở biên giới phía Bắc. Tình hình biên giới khi đó rất gay gắt, mẹ ở nhà mong mỏi bố từng ngày nên mới lấy tên này để đặt cho cô con gái đầu lòng. Trong nhà, không chỉ Nhớ có tên đặc biệt mà thằng em trai kém cô 2 tuổi cũng tên là “Mong Chờ”.
Ngày còn học phổ thông, sinh hoạt Đoàn ở địa phương, tôi gặp em gái có tên Ngô Thị Bạc Phận.
Nghe đâu, mẹ Phận khi xưa là cô gái đẹp nhất làng, được nhiều chàng trai theo đuổi. Nhưng “trái tim lầm chỗ để trên đầu”, bao nhiêu người tử tế không yêu, cô gái mười tám tuổi chỉ dành tình cảm cho chàng trai làng bên. Đó là một gã họ Sở chính hiệu. Sau khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”, hắn đi lấy vợ trên tỉnh, bỏ mặc cô gái với cái thai đã bốn tháng. Cay đắng, tủi nhục cho đời mình nên khi sinh, mẹ em đã đặt tên con gái là Bạc Phận. Cô bé khốn khổ dù có đi đâu cũng cảm thấy rất ngại ngần khi người ta hỏi đến tên mình. Em cho biết: trên lớp, nhiều đứa bạn xấu chơi còn đem chuyện mẹ Phận không chồng mà có con đi rêu rao khắp nơi khiến em không còn dám đi đâu nữa cả.
Chú Ninh, cán bộ hộ tịch xã cho biết mình đã từng phải làm giấy khai sinh cho một bé trai tên Uất Hận. Khi thấy cái tên quá xấu, chú đã hỏi mẹ cháu tại sao lại đặt tên con như thế thì nhận được câu trả lời hết sức vô trách nhiệm: “Hận thằng chồng bội bạc theo gái nên tôi đặt tên con như thế”. Chú có phân tích cho chị phụ nữ đó hiểu cái tên quan trọng với một con người như thế nào nhưng chị ta khăng khăng nói muốn đặt tên con như vậy. Cái tên không vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc hơn nữa luật pháp không hề có văn bản nào quy định về vấn đề đặt tên cho trẻ nên chú Ninh đã phải ký giấy khai sinh cho cháu bé.
Những cái tên nửa Tây, nửa ta (cho dù người đó là người Việt hoàn toàn) cũng khiến khổ chủ gặp không ít phiền toái. Khi học cấp 2, trường tôi có một bạn tên “Trần Đi Va Lốp” (tên viết hoàn toàn tiếng Việt). Cứ nghĩ trường mình có một bạn người Nga, cả bọn xúm đến xem mặt. Không ngờ đó là một bạn nam da vàng mũi tẹt chả khác gì bọn mình. Tôi còn nhớ khi đó, anh chàng đã khốn khổ mấy năm liền vì bị bạn bè trêu là “đi vá lốp”.
Mặc cảm đến từ những cái tên
Nếu như bạn gái Thương Hằng Mong Nhớ chỉ ngại ngần chút chút trước những cái nhìn tò mò của mọi người rồi sau đó sẽ tự hào kể “sự tích cái tên” và tình cảm nồng thắm của bố mẹ dành cho nhau thì rất nhiều trẻ em khác đã phải chịu những ám ảnh không đáng có về cái tên của mình. Như Phận chẳng hạn.
Em không thể nào chịu đựng nổi tiếng chê cười, ác ý của bạn bè và dần trở nên cô độc trong chính môi trường tập thể lớp mình. Phận cũng như nhiều người luôn nghĩ rằng cái tên chứa đựng một phần nào số phận của con người. Em luôn lo sợ chữ “Bạc Phận” sẽ ám vào đời mình như một tiền định. Phần vì mặc cảm, phần vì chán nản khi bị trêu chọc, học hết lớp 9, em nghỉ học ở nhà đi làm thuê cho dù sức học của Phận được nhiều thầy cô đánh giá là khá tốt.
Với Hận, em không có lỗi gì trong sự phản bội của bố. Thế nhưng em lại phải gánh chịu suốt đời nỗi căm giận của mẹ. Khi lớn lên, em sẽ chống chọi thế nào trước ánh mắt hiếu kì, chế giễu của người lạ. Cái tên Uất Hận có nghĩa quá nặng nề dễ khiến người ta có cảm giác bất an. Tiếp xúc với em, người khác dễ nảy sinh tâm lý “đề phòng” dù em hoàn toàn vô hại, dù em có thể là con ngoan trò giỏi. Chỉ vì một cái tên, em có đáng phải chịu ngần ấy thứ rắc rối trong cả cuộc đời?
Anh Trần Đại Phá, nhân viên một công ty có trụ sở đóng tại đường Trường Chinh (Hà Nội) cho biết: Anh đã từng không được thăng chức chỉ vì cái tên. Một sự trùng hợp kì lạ là anh và một đồng nghiệp khác tên Nguyễn Thành Công đều nằm trong tầm ngắm của các sếp cho chức phó phòng kỹ thuật. Sau này, khi anh bạn đồng nghiệp đã thăng tiến trên con đường hoạn lộ còn anh vẫn yên vị chức vụ nhân viên thì trưởng phòng mới rỉ tai rằng: Trong cuộc họp bình bầu hôm đó, đa số mọi người đều tán thành anh lên chức phó nhưng khốn nỗi tổng giám đốc (vốn khá mê tín) lại phán một câu: “Tên gì mà đã Phá lại còn Đại, chắc chỉ được nước vừa đại bại lại thêm… phá sản mà thôi”. Thế là không ai dám ho he gì nữa. Gã Thành Công cuối cùng… thành công thật. Còn anh thì đại bại (may mà không phá sản như lời tổng giám đốc!).
Một số người dân thậm chí còn thú nhận rằng, mỗi khi có dịp bầu bán trong khu dân cư, do chả biết mặt các ứng cử viên ra sao, năng lực tốt xấu thế nào nên họ cứ bầu đại cho những ai… có tên đẹp nhất. Rõ ràng, cái tên trong một số trường hợp đã ít nhiều làm nên ấn tượng của mọi người đối với cá nhân người đó. Cái tên đôi khi ảnh hưởng đến cả công danh, địa vị của người đó chứ chẳng chơi.
Thay cho lời kết
Tên gọi đơn giản chỉ để phân biệt giữa người này với người kia. Tuy nhiên, ngay từ khi đứa trẻ sinh ra, cái tên đã là một “tài sản” theo em đi suốt cuộc đời. Một tài sản vô hình nhưng lại liên quan quá nhiều đến cuộc sống của một đứa trẻ. Cái tên trên giấy khai sinh chứng tỏ em bé đã chính thức được công nhận là một thành viên của xã hội, tên trên hộ khẩu chứng tỏ bé có cả một gia đình để yêu thương, để được chăm sóc, trên những tấm bằng tốt nghiệp là đánh dấu từng bước trưởng thành cả về trí tuệ lẫn tâm hồn của con trẻ.
Không cần cứ phải tên hay, tên kêu như chuông mới là tốt nhưng đặt tên con quá xấu cũng khiến cho trẻ phải mặc cảm, ngại ngần. Chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người hàng ngày được gọi tên trung bình bao nhiêu lần nhưng chắc chắn không một người làm cha, làm mẹ nào lại muốn mỗi lần tên con mình được gọi là mỗi lần con cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng với người khác. Chỉ vì những tình cảm, nỗi oán hận nhất thời của bản thân mà bắt con trẻ phải chịu những nỗi đau cả đời chắc chắn là một điều không nên.
Theo Phununet