Những cách giúp con chấp nhận chuyện tái hôn của cha mẹ
Duy trì sự nhất quán trong các thói quen và cho trẻ tham gia quá trình lập kế hoạch có thể giúp giảm lo lắng và giúp quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn...
Tại sao việc tái hôn của cha mẹ lại là thử thách với một đứa trẻ?
Hãy tưởng tượng thế giới của bạn xoay quanh những người quen thuộc, một câu chuyện ấm cúng mà bạn thuộc lòng. Đột nhiên, một chương mới bắt đầu. Con của bạn có thể nhớ cốt truyện cũ và cách mọi thứ diễn ra trước đây.
Cảm giác quen thuộc được thay thế bằng sự không chắc chắn và cảm giác thoải mái của câu chuyện cũ không còn nữa.
Những ảnh hưởng có thể có của việc tái hôn đối với trẻ
Một là khó chấp nhận người mới vì cảm thấy trung thành với cha mẹ ruột của mình. Các con có thể không muốn hình thành mối quan hệ với người mới, coi họ như kẻ xâm nhập. Nhiều đứa trẻ hy vọng cha mẹ mình sẽ hòa giải nên càng phản đối người mới.
Hai là sợ mất đi gia đình hiện có vì lo lắng rằng, mối quan hệ của chúng với cha mẹ ruột sẽ thay đổi hoặc chúng sẽ ít được quan tâm hơn. Điều cần thiết với người làm cha mẹ trong trường hợp này là phải trấn an con cái rằng, mối quan hệ giữa cha mẹ với con vẫn bền chặt và dành thời gian chất lượng cho con để giảm nỗi sợ hãi này.
Ba là ghen tị với cha mẹ kế hoặc anh chị em mới, cảm thấy bị đe dọa bởi sự quan tâm của cha mẹ dành cho người mới. Bạn cần giải quyết những cảm xúc này một cách cởi mở và đảm bảo con trẻ cảm thấy được trân trọng.
Bốn là lo lắng về những thay đổi trong thói quen và cách sắp xếp cuộc sống, nhất là khi chuyển đến một ngôi nhà mới hoặc thích nghi với những quy tắc trong gia đình mới. Duy trì sự nhất quán trong các thói quen và cho trẻ tham gia quá trình lập kế hoạch có thể giúp giảm lo lắng và giúp quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn.
Những cách giúp con chấp nhận
1. Giao tiếp cởi mở: Nói chuyện với con về những thay đổi xảy ra trong gia đình; giải thích lý do mình tái hôn và lắng nghe cảm xúc cũng như mối quan tâm của con; giúp con cảm thấy được lắng nghe.
2. Đảm bảo tầm quan trọng của con: Trấn an con rằng, con vẫn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của bạn; dành thời gian chất lượng với con để chứng tỏ rằng tình yêu và sự quan tâm của bạn không thay đổi.
3. Để con tham gia lập kế hoạch đám cưới của bạn và các công việc chuẩn bị khác. Sự hòa nhập này có thể giúp con cảm thấy mình là một phần không thể thiếu trong gia đình mới.
4. Duy trì thói quen: Lịch trình nhất quán về bữa ăn, giờ đi ngủ và hoạt động giúp trẻ cảm thấy an toàn.
5. Khuyến khích việc gắn kết: Tạo cơ hội cho con và người bạn đời mới gắn kết. Việc tham gia cùng nhau và gặp mặt trực tiếp có thể giúp xây dựng mối quan hệ tích cực.
6. Giải quyết nỗi sợ hãi của con: Lắng nghe và giải quyết mọi nỗi sợ hãi mà con bạn có thể có về gia đình mới. Việc hiểu lo lắng của con và trấn an là rất quan trọng.
7. Thúc đẩy sự tôn trọng và hiểu biết: Khuyến khích con tôn trọng người bạn đời mới của bạn cũng như anh chị em mới. Bạn cần dạy con nhìn mọi việc từ quan điểm của người khác và phát huy sự đồng cảm.
8. Kiên nhẫn với con: Cần chấp nhận rằng có thể phải mất thời gian để con thích nghi với cuộc hôn nhân mới của bạn. Hãy kiên nhẫn và cho con không gian cần thiết để chấp nhận những thay đổi.
9. Tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia nếu cần: Nếu con đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc hôn nhân mới của bạn, hãy cân nhắc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý.
Nguồn: marriage.com