Những bài học dạy con biết ứng xử dịp đầu năm được tâm đắc nhất của bà mẹ sau thời gian dài bị vô sinh
Bị vô sinh một thời gian dài, người mẹ vỡ òa khi sinh được những đứa con khỏe mạnh, nhưng bí quyết dạy con biết ứng xử và khuyến khích con có hành vi tốt là những điều mà bà mẹ này khiến hội phụ huynh tâm đắc nhất.
Ngày Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi mà còn là dịp tốt để bố mẹ dạy trẻ cách cư xử và khuyến khích những hành vi tốt. Tuy nhiên, việc hướng dẫn và chỉ bảo con cái không thể để đến ngày đầu năm mới bắt đầu thực hiện mà đó là cả một quá trình rèn luyện và thực hành. Một bà mẹ giấu tên đã có bài chia sẻ tâm huyết về những chiến lược dạy trẻ cư xử trong gia đình và cả khi ra bên ngoài đang được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Dạy con ứng xử nhất là trong dịp đầu năm luôn là vấn đề nhiều cha mẹ quan tâm (Ảnh minh họa)
Người mẹ vốn bị bệnh vô sinh trong 5 năm dài, khao khát mong con lớn hơn bao giờ hết. Sau khi chữa trị thành công và sinh liền 8 bé trong vòng hơn một thập kỉ, chị mới thấu hiểu việc nuôi dạy con trở thành người biết ứng xử lại khó khăn hơn gấp bội phần. Chị nhanh chóng hiểu ra rằng chúng ta không nên chỉ trích các ông bố bà mẹ khi chưa biết rõ về hoàn cảnh của họ, đồng thời cần chú trọng việc nuôi dưỡng con cái trở thành công dân tốt, biết tôn trọng và cư xử đúng mực. Sau hơn 20 năm gắn bó với "công việc" chăm sóc và nuôi dạy đàn con khôn lớn, bà mẹ này đúc kết 5 bài học dạy con biết ứng xử một cách hiệu quả.
Bài học số 1: Đặt ra ranh giới, kì vọng rõ ràng
Một trong những lời khuyên tốt nhất để giúp trẻ hình thành hành vi tốt đó là thiết lập ranh giới, kì vọng rõ ràng (Ảnh minh họa)
Theo bà mẹ này, một trong những lời khuyên tốt nhất để giúp trẻ hình thành hành vi tốt đó là thiết lập ranh giới, kì vọng rõ ràng. Ngay từ khi còn nhỏ mới chập chững biết đi, trẻ cần biết những gì có thể và không thể làm. Ví dụ như khi con bạn đang tập đi và bắt đầu biết đi, cha mẹ sẽ không cho phép đi ra đường nơi bé có thể bị xe đụng. Tuy nhiên, nếu bé lấy được món đồ chơi yêu thích của mình và hào hứng mang đến cho bạn thì bạn sẽ khuyến khích và khen ngợi trẻ vì hành động đó. Trẻ em được sinh ra vốn đã muốn làm hài lòng cha mẹ của chúng, vì vậy bằng cách đặt kỳ vọng từ sớm, bạn đang đặt nền tảng vững chắc cho những hành vi tốt.
Bài học số 2: Có quy tắc gia đình
Trẻ nhỏ thường hay mè nheo, làm nũng thậm chí la hét, cáu giận để đòi cha mẹ đáp ứng nhu cầu. Thay vì phải giải thích dài dòng, dỗ dành thì cha mẹ hãy đặt ra các quy tắc gia đình để yêu cầu trẻ tuân theo. Nếu mẹ đã quyết định không xem tivi vào buổi sáng trước khi đến trường, mẹ có thể giải thích cho trẻ hiểu đó là một trong những quy tắc của gia đình giống như việc con cần ăn sáng và thay đồ đi học để không bị muộn học. Thời gian xem tivi sẽ được thực hiện vào cuối buổi chiều.
"Trong gia đình tôi, những quy tắc này được thay đổi khi bọn trẻ lớn lên. Nhờ việc hình thành và tuân thủ nghiêm túc các quy tắc ngay từ nhỏ, trẻ học được cách điều chỉnh hành vi và biết tôn trọng thay vì răm rắp vâng lời chỉ vì bố mẹ bảo thế", người mẹ chia sẻ.
Bài học số 3: Công nhận hành vi tốt/xấu
Khen ngợi hành vi tốt, giải thích và điều chỉnh hành vi chưa tốt để trẻ kịp thời điều chỉnh (Ảnh minh họa)
Một trong những mẹo nuôi dạy con tâm đắc khác của người mẹ này là khuyến khích, khen ngợi hành vi tốt của con chẳng hạn như khi trẻ tự dọn dẹp đồ chơi hoặc chia sẻ đồ chơi với em. Nhưng ai cũng có thể mắc lỗi, cha mẹ cần giúp trẻ nhận ra vấn đề và khơi gợi sự áy náy. Ví dụ khi trẻ chép bài của bạn thì mẹ có thể nói: "Mẹ biết là con đang cảm thấy rất tệ vì đã chép bài của bạn. Nhưng lần sau con cần tự làm bài bằng chính sức lực của mình, lúc đấy con sẽ cảm thấy vui vẻ và tự tin hơn bây giờ".
Bài học số 4: Nhất quán và cương quyết
Cha mẹ không thể dạy bé tốt nếu chính bản thân không có hành động nhất quán và nghiêm túc thực hiện. Tính nhất quán là chìa khóa nếu cha mẹ không muốn trẻ hình thành thói quen xấu. Khi trẻ biết hành động nào đó gây ra hậu quả thì không nên để trẻ có cơ hội lặp lại. Nếu không cương quyết và nhất quán trong lời nói và hành động, trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không nghiêm túc và trẻ có thể thoát khỏi sự kiểm soát ấy.
Tính nhất quán là chìa khóa nếu cha mẹ không muốn trẻ hình thành thói quen xấu (Ảnh minh họa)
Bài học số 5: Làm gương cho con noi theo
Trẻ sẽ nhìn phản ứng và hành động của cha mẹ để bắt chước theo, vì vậy hãy luôn nhớ rằng con cái chính là những khán giả trực tiếp mỗi khi bạn có hành động hay phản ứng với điều gì đó. Nếu bạn bị tắc đường khi lái xe đưa con đến trường rồi bấm còi, hét lên thì trẻ sẽ nhận một thông điệp rằng khi đối mặt với một tình huống khó khăn, phản ứng với chiếc đầu nóng nảy là có thể. Một trong những công cụ tốt nhất cha mẹ có thể sử dụng để nuôi dưỡng những hành vi tốt đó là tự mình mô hình hóa chúng, lấy mình làm gương cho con noi theo.
Nguồn: Tips