Những bà mẹ "phát xít" và lý do chấp thuận cho con ăn xin, đi bụi

Hồng Hạnh,
Chia sẻ

Có những lúc đứa con yêu của bạn tỏ ra ương bướng: chán học không thèm đến trường, giận bố mẹ nên quyết bỏ nhà đi bụi. Trước những tình huống khó đỡ đó, mẹ phải làm sao?

Khi mang vấn đề này hỏi thăm rất nhiều bậc phụ huynh, chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Có người bảo sẽ mắng hoặc đánh cho con một trận để dập tắt ngay ý nghĩ xấu đó, có người giả vờ tảng lờ, không để tâm đến điều con nói và vẫn kiên quyết làm theo ý mình, có người hoang mang lo lắng không biết phải xử sự thế nào. Tuy nhiên, cũng có những vị phụ huynh vô cùng bình tĩnh và sử dụng tuyệt chiêu “con cứng đầu thì bố mẹ càng phải cứng lòng”, thậm chí sẵn sàng trở thành bà mẹ “phát xít” mà con vẫn phải “tâm phục khẩu phục” bỏ ngay ý định bỏ học hay đi bụi.

Câu chuyện 1: “Con không đi học đâu, đi ăn xin cũng được miễn là không đi học”.

“Hôm nay bé L.N khóc đòi không đi học, nó bảo nó đi ăn xin cũng được, không đi học. Nó bảo nó không cần ăn chim quay, đi xin được cái gì ăn cái đấy. Mình bảo nó: ừ thế không phải đi học, mẹ cho đi ăn xin!

Dừng ở một cửa hàng, mình bảo nó xuống xe, bắt đầu hành trình đi xin ăn. Nó định xuống nhưng cứ tần ngần, chắc lần đầu ăn xin nên nó bảo đi chỗ khác. Mình lại nhẫn nại đèo nó ra chỗ khác ăn xin. Mình đèo ra mấy ông xe ôm bảo: xuống xin các bác tiền ăn đi. Mấy ông hùa theo hú lên “không phải đi học đâu, không phải ăn xin đâu, về đây bác nuôi”. Thế là nó sợ quá khóc “thôi con không đi ăn xin đâu”.

Mình hỏi “thế lại không đi ăn xin nữa à, thế đi đâu?”

Nó bảo “con đi học”. Bảo chào các bác đi, nó vừa mếu máo "cháu chào các bác, cháu đi học, cháu không đi ăn xin nữa đâu". 

Thế là kết thúc một ngày đi xin ăn của bé L.N”.

Câu chuyện “L.N đi ăn xin” được kể lại trên trang cá nhân của mẹ cô bé, chị MP (Hà Nội). MP không quên chốt lại bằng một câu rất cương quyết: “Con nhà người ta thích làm cô giáo, bác sĩ, thì con nhà mình thích làm ăn xin, ăn mày. Thế thì phải cho làm không lại thèm thuồng. Cuộc sống là những trải nghiệm mà. Hãy để trẻ con trải nghiệm những gì nó thích”.

Câu chuyện 2: “Con thích đi bán vé số hơn!”

Sau một hồi tranh cãi quyết liệt với mẹ về chuyện “hoặc là đi học, hoặc là đi bán vé số”, Bin (5 tuổi), con trai chị T.L (quận 5, TPHCM) đã thẳng thừng chọn “con thích đi bán vé số hơn”. Không ngần ngại, chị T.L tìm lại tất cả những tờ vé số cũ chị đã mua trước đó, gom lại thành một xấp dày và bảo: “Đi bán vé số cũng tốt, con chẳng phải học hành gì mà vẫn có thể phụ mẹ tiền chợ. Bây giờ con hãy cầm tập vé số này đi bộ hết mấy dãy phố trong khu nhà mình, gặp ai cũng mời họ mua. Bán hết xấp vé số này mới được về ăn cơm. Mẹ sẽ đợi con về ăn cùng. À mà con đi bán vé số thì mẹ cũng phải đi làm đây. Ai cũng phải lao động để sống cả”.

Sau đó chị tiễn con ra cửa và bí mật đi sau lưng cậu bé. Bin ban đầu “buôn bán” rất hăm hở. Gặp ai cậu cũng mời chào nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu xua tay. Nhiều bà trong khu phố nhận ra cậu bé thì ồ à lên hỏi thăm. Cậu bảo: “Con không phải đi học nữa nên mẹ cho đi bán vé số”. Người lớn nghe được thì hiểu ra ngay câu chuyện. Và câu chuyện chỉ kết thúc khi cậu bé nhận ra việc đi bán vé số không dễ dàng như cậu tưởng, cậu bỏ cuộc, òa khóc, cùng lúc với việc nhận ra mẹ đang rời chỗ nấp tiến về phía cậu.

Câu chuyện 3: “Con sẽ bỏ nhà ra đi 100 ngày!”

Đó là câu chuyện của bé Thỏ, con trai của chị H.H (TPHCM). Chị kể: 

Thỏ bị mẹ mắng cái tội ăn hiếp chị Hai, làm đau em bé.  Chẳng những không biết lỗi, mà cu cậu còn quay ra giận luôn cả mẹ.

- Mẹ có bao giờ nghĩ rằng Thỏ của mẹ sẽ xa mẹ trong 100 ngày không?
- Thế á? 100 ngày cơ à? Con xa mẹ như thế nào?
- Con sẽ bỏ nhà đi thật xa, xa đến tận cái hồ nước màu hồng ở Úc ấy! 
- Vì sao phải đi xa thế?
- Vì ở nhà này không ai thương con, ai cũng la con, mắng con, con buồn, nên con sẽ đi xa!
- Thế à? Con chuẩn bị cho chuyến đi chưa? Bao giờ con khởi hành đấy?
- 10 ngày nữa con sẽ lên đường. Con chưa chuẩn bị gì cả.
- Ý tưởng của con thật tuyệt! Mẹ e rằng 10 ngày nữa là hơi lâu, con có thể đi ngay bây giờ. Mẹ sẽ nhờ chị Hai chuẩn bị đồ giúp con!

Mặt mẹ lạnh tanh quay sang chị Hai: 

- Trà, con nghe em nói rồi đấy! Con lấy cái ba lô Mc queen của em, bỏ vào đó vài bộ quần áo em thích, 1 bàn chải đánh răng, 1 kem đánh răng, 1 khăn mặt. Con bỏ thêm ít thuốc cảm cúm cho em, 1 chai dầu khuynh diệp phòng khi đau bụng, 1 hộp keo cá nhân kẻo nó ngã bị trầy, 1 hộp tăm bông vì em hay bị chảy nước vàng ở tai, 1 áo ấm kẻo ngủ ngoài đường bị lạnh, vài đôi vớ để mang cho ấm chân, 1 cái nón để ko bị cảm nắng. Đừng quên con gấu ghẻ của nó kẻo tối ngủ em ghiền mà không có để ôm. À, lược để chải tóc, kềm bấm móng tay nữa chứ!

Những bà mẹ
Bé Thỏ và câu chuyện bỏ nhà ra đi 100 ngày. 

Chị Hai dạ rất to xong vội chạy đi làm răm rắp theo lời mẹ. Thỏ bắt đầu chột dạ:

Thỏ: Nhưng con không biết cắt móng tay....
Mẹ: Ồ, đó là việc của con. Một người đi ra khỏi nhà sống một mình thì phải biết tự làm mọi thứ, chả ai phục vụ mình cả!
Trà: Nhưng mẹ phải cho em một ít tiền để em mua thức ăn mà ăn chứ. Kẻo nó đói thì sao?
Mẹ: À không, em có thể tự kiếm tiền để ăn. Em đã quyết định xa mẹ thì em phải biết cách làm sao để không bị đói. Con yên tâm đi.

Thỏ lấm lét nhìn mẹ: Con có thể nói vài lời trước khi tạm biệt mẹ không?

Mẹ: Ok, con nói đi! Mẹ nghe con đây!
Thỏ: Con muốn nói với mẹ là con đổi ý định rồi. Con sẽ không đi nữa. Con sẽ ở bên mẹ mãi mãiiiiiiiiiiiiiiii.

Mẹ “phát xít” nói gì? 

“Đôi khi mình bị đẩy vào tình huống con trai không nghe lời mẹ và cố chống đối mẹ bằng cách dọa bỏ nhà đi bụi. Theo mình, nếu bố mẹ tỏ ra lo sợ, bé sẽ càng bảo vệ ý định của mình, vì thực chất bé chỉ thích được nhìn thấy bố mẹ nhận ra là bé rất quan trọng. Điều đó sẽ tạo thành tiền đề để về sau, hễ muốn đòi hỏi một cái gì đó mà không được đáp ứng, bé sẽ sử dụng “tuyệt chiêu” này ngay. Còn ngược lại, nếu bố mẹ thách thức “Ừ cứ đi xem ai khổ cho biết”, thì sẽ càng làm cho mâu thuẫn của cha mẹ và con thêm lớn. Mình đã áp dụng phương pháp như đã kể trên, vừa nghiêm khắc để bé thấy ý định của mình luôn được tôn trọng, vừa khéo léo thông tin với bé rằng: con sẽ phải đối diện với rất nhiều rắc rối khi không có mẹ bên cạnh: ăn cái gì, ngủ ở đâu, tự kiếm tiền bạc để chi tiêu như thế nào, ngoài ra còn phải tự lo cho mình từ những việc nhỏ nhất… Vượt qua những khó khăn đó với một đứa bé 5 tuổi sẽ là một điều không tưởng, vì thế khi biết mình phải gặp những vấn đề gì, bé sẽ tự động nhụt chí anh hùng và rút lại ý định đi bụi ngay”- Chị H.H, mẹ của bé Thỏ chia sẻ.

Hy vọng từ những câu chuyện thực tế kể trên, các bậc cha mẹ sẽ lưu tâm và tìm được giải pháp cho riêng mình, khi bé con nhà bạn có những biểu hiện và câu nói tương tự. Đôi khi chính sự “phát xít” đúng thời điểm này sẽ giải quyết giúp bạn những tình huống khó đỡ mà bạn luôn lo lắng bấy lâu nay đấy.
Chia sẻ