Những bà mẹ kiệt sức

Ngọc Nguyễn,
Chia sẻ

Whitney Casares, một bác sĩ nhi khoa ở Portland, Oregon (Mỹ), đang thuyết trình trực tuyến tại nhà thì nhận được cuộc gọi khẩn từ y tá trường học. Con trai 7 tuổi của cô không khỏe. Vì nhà trường không thể liên lạc với chồng cô, họ buộc phải gọi cho Casares.

Whitney Casares vội dừng bài thuyết trình, đến trường đón con về. Về nhà, ngoài việc chăm con, cô còn phải xử lý chất nôn trên áo trước khi quay lại công việc. Dù đã cố gắng tiếp tục, Casares vẫn bồn chồn, làm việc không hiệu quả. 

Khi chồng và con gái út trở về, họ chỉ phàn nàn về bữa tối và mùi hôi, hoàn toàn không bận tâm đến những gì cô đã trải qua. Casares liên hệ trải nghiệm này với lời một bài hát của Taylor Swift: "Tôi đã làm biết bao nhiêu việc nhưng rồi vẫn bị mang ra đánh đồng". 

Dù nỗ lực hết mình, công sức của cô không được ghi nhận. Mọi chuyện xảy ra khiến Casares thấy mệt mỏi.

Làm mẹ là điều tuyệt vời nhưng cũng đi kèm vô vàn trách nhiệm. Nhiều bà mẹ không chỉ đi làm mà còn quán xuyến việc nhà, chăm con và nhiều thứ khác. Nếu liên tục cảm thấy quá tải, kiệt sức, họ có thể mắc "hội chứng bà mẹ kiệt sức" - trạng thái kiệt quệ về cảm xúc, tinh thần và thể chất do áp lực nuôi dạy con. 

"Hội chứng này giống như chạy hết tốc lực đến khi cạn kiệt. Một ngày nào đó, bạn nhận ra mình không chỉ mệt mỏi mà còn mất cả niềm vui với những điều từng yêu thích", nhà trị liệu Marissa Moore chia sẻ.

Được đề cập lần đầu trong cuốn "Mother Nurture" của Jan Hanson, Rick Hanson và Ricki Pollycove, hội chứng này làm sáng tỏ những khó khăn mà các bà mẹ phải đối mặt.

Áp lực "người mẹ hoàn hảo"

Nhiều phụ nữ bước vào hành trình làm mẹ với niềm phấn khích xen lẫn lo lắng, mong muốn mang đến những điều tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, vòng lặp không ngừng của việc một mình chăm con - cho con ăn, tắm rửa, dỗ dành, giáo dục, quản lý gia đình - khiến họ hiếm khi có thời gian cho bản thân. 

Những bà mẹ kiệt sức- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Không giống như công việc có giờ nghỉ, làm mẹ là trách nhiệm 24/7, không có thời gian tạm dừng, không có khoảng lặng riêng tư. Việc liên tục cho đi mà không được đền đáp có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức.

Những kỳ vọng xã hội càng làm trầm trọng thêm sự quá tải này. Ở nhiều nền văn hóa, các bà mẹ được mong đợi đặt con cái lên trên hết, ngay cả khi điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. 

Áp lực trở thành một "người mẹ hoàn hảo" - luôn kiên nhẫn, yêu thương và hiện diện trọn vẹn - tạo thêm gánh nặng vô hình. Nhiều bà mẹ cảm thấy tội lỗi khi nghĩ đến nhu cầu của mình, lo sợ rằng dành thời gian cho bản thân là ích kỷ.

Mạng xã hội càng khuếch đại áp lực này. Những hình ảnh được tuyển chọn cẩn thận về cuộc sống "làm mẹ hoàn hảo" dễ tạo ra sự so sánh không thực tế. Khi thấy những bà mẹ khác dường như cân bằng mọi thứ dễ dàng, nhiều người rơi vào cảm giác bất lực, tự ti, khiến sự kiệt sức càng sâu sắc hơn.

Chuyên gia Amy Sullivan chỉ ra rằng, phụ nữ chịu áp lực hơn nam giới trong việc đưa ra quyết định hàng ngày. Đàn ông có xu hướng dựa trên sự thật, trong khi phụ nữ cân nhắc cả yếu tố cảm xúc. 

"Giữ một danh sách dài những việc cần làm trong đầu cũng rất mệt mỏi", Sullivan nói. "Việc liên tục quản lý mọi thứ và cảm giác tội lỗi khi không làm tốt tất cả là lý do khiến phụ nữ dễ kiệt sức hơn nam giới".

Suy kiệt cả về thể chất và tinh thần

Phụ nữ mắc "hội chứng bà mẹ kiệt sức" cảm thấy xa cách về mặt cảm xúc với con cái và người thân. Những niềm vui giản dị như chơi đùa với con hay trò chuyện cùng gia đình, giờ đây trở nên nhạt nhòa. Cảm giác tê liệt dần thay thế niềm hạnh phúc trước đây. 

Những bà mẹ kiệt sức- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Việc liên tục phải chăm sóc mà không được nghỉ ngơi khiến tâm trạng của họ dễ thay đổi, dễ cáu kỉnh, thậm chí là oán giận. Một người mẹ từng kiên nhẫn và dịu dàng có thể trở nên hay quát mắng con cái hoặc tránh né các tương tác gia đình, không phải vì thiếu yêu thương, mà vì cô ấy không còn sức lực để cho đi.

Về mặt thể chất, tình trạng kiệt sức biểu hiện qua sự mệt mỏi mãn tính, đau nhức cơ thể, đau đầu và hệ miễn dịch suy yếu. Nhiều bà mẹ bỏ bữa, ngủ không đủ giấc, phớt lờ những dấu hiệu căng thẳng cho đến khi cơ thể đạt đến điểm bùng phát. 

Mất cân bằng nội tiết tố do căng thẳng và thiếu ngủ có thể dẫn đến lo âu, thậm chí trầm cảm. Theo thời gian, sự kiệt quệ này không chỉ là một giai đoạn mà trở thành một lối sống, tạo thành vòng luẩn quẩn không thể thoát ra. 

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, hội chứng này còn gây căng thẳng cho các mối quan hệ gia đình. Nhiều bà mẹ cảm thấy cô lập ngay cả khi có người thân ở bên. Họ thường cảm thấy bị chồng hiểu lầm. 

Giao tiếp trong gia đình dần rạn nứt, khi người mẹ quá mệt mỏi để bày tỏ nhu cầu của mình, còn chồng và các thành viên khác thì cảm thấy bất lực hoặc thất vọng vì không biết cách giúp đỡ.

Tình trạng này cũng làm lung lay cảm nhận về bản thân của người mẹ. Trước khi có con, họ có thể có những ước mơ, mục tiêu và đam mê. Thế nhưng, khi trách nhiệm chăm sóc ngày càng chồng chất, những khía cạnh ấy dần bị lãng quên. Nhiều người bắt đầu cảm thấy như thể họ đã đánh mất chính mình, chỉ còn lại một vai trò duy nhất là làm mẹ.

Ngừng so sánh với người khác

Tiến sĩ Sullivan khuyến khích những "bà mẹ kiệt sức" tự hỏi: Liệu việc gấp quần áo vào đêm khuya có thực sự cần thiết vào thời điểm đó, hay ưu tiên sức khỏe cá nhân hơn? Một bữa tiệc sinh nhật ngoài trời có thể không hoành tráng nhưng trẻ vẫn vui vẻ. Quan trọng là lựa chọn đơn giản giúp tránh căng thẳng không cần thiết.

So sánh bản thân với người khác chỉ làm tăng thêm áp lực. Việc một người hàng xóm chuẩn bị bữa ăn tối với 3 món lúc 5:30 không có nghĩa là cho con ăn ngũ cốc vào bữa tối là thất bại. Các bà mẹ nên từ bỏ nhãn hiệu "siêu nhân" và chấp nhận rằng ai cũng có thế mạnh riêng. 

Cảm giác tội lỗi thường đến từ việc so sánh cuộc sống thực của mình với những hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội, trong khi tiêu chuẩn duy nhất quan trọng chính là làm điều tốt nhất cho bản thân và gia đình.

Maggie Dent, người dẫn chương trình podcast "Parental As Anything" của ABC, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá lại cách phân bổ thời gian để tránh kiệt sức. Cô chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi nhận ra mình đã dành một giờ mỗi ngày để gấp quần áo, chiếm mất thời gian đáng lẽ có thể dành cho bản thân. 

Để thay đổi, cô quyết định đặt quần áo sạch lên một chiếc giường dự phòng và để các thành viên trong gia đình tự lấy đồ của mình. Sự điều chỉnh nhỏ này giúp cô có thêm thời gian cho bản thân, chẳng hạn như ngồi ngoài vườn, nhâm nhi một tách trà và tận hưởng cảm giác bình yên bên những chú chó. 

Điều đó khiến cô cảm thấy mình là chính mình hơn, thay vì là một người mẹ luôn bận rộn với công việc nhà.

Cân bằng lại cuộc sống

Để đối phó với "hội chứng bà mẹ kiệt sức", điều quan trọng là ưu tiên chăm sóc bản thân. Điều này có thể đơn giản như dành một chút thời gian nghỉ ngơi trong ngày, tham gia các hoạt động mang lại niềm vui hoặc đảm bảo giấc ngủ đầy đủ. 

Tìm kiếm hỗ trợ từ chồng, gia đình hoặc bạn bè cũng giúp giảm áp lực, phân bổ trách nhiệm một cách cân bằng hơn. Ngoài ra, đặt ra kỳ vọng thực tế và thực hành chánh niệm có thể giúp kiểm soát căng thẳng và thúc đẩy sức khỏe tinh thần.

Victoria Edmond, một bà mẹ hai con, nhận ra mình đang bị kiệt sức vì làm mẹ, và cô đã tìm đến hỗ trợ từ bạn thân. Họ quyết định nấu ăn cùng nhau, mỗi người chuẩn bị 5 công thức nấu ăn với nguyên liệu đầy đủ, sau đó tăng gấp đôi khẩu phần để nấu được 10 bữa ăn. 

Những bữa ăn này được bảo quản trong tủ đông, giúp việc nấu nướng hàng ngày trở nên nhẹ nhàng hơn. Họ gọi cách làm này là "mamma bakes", một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm căng thẳng.

Mỗi tháng, hai người bạn sẽ cùng nhau dành một ngày để dọn dẹp nhà cửa, giải quyết những công việc còn tồn đọng. Làm việc cùng nhau không chỉ giúp công việc trở nên dễ dàng hơn mà còn tạo cơ hội để họ trò chuyện và gắn kết. 

Đối với họ, khoảng thời gian này giống như một buổi trị liệu, giúp họ giải tỏa cảm xúc tiêu cực trong khi vẫn hoàn thành những việc cần thiết.

Victoria chia sẻ: "Tôi muốn khuyến khích những phụ nữ khác xây dựng một cộng đồng như vậy. Việc nuôi dạy con cái ngày nay rất khác so với thời của mẹ hay bà chúng ta". 

Trước đây, các gia đình đa thế hệ thường hỗ trợ lẫn nhau nhưng ngày nay, nhiều bậc cha mẹ phải tự mình đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, Victoria khuyến khích phụ nữ tìm kiếm một mạng lưới hỗ trợ đáng tin cậy - một "ngôi làng" của riêng mình - để chia sẻ trách nhiệm và duy trì sức khỏe khi làm cha mẹ.

Chia sẻ